Chính phủ sốt ruột họp bàn thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 diễn ra sáng nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Đây cũng là thời điểm các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm chuẩn bị được công bố.
Mặc dù số liệu chính thức chưa chính thức được công bố, song diễn biến nền kinh tế từ đầu năm đến nay cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất - kinh doanh và các mặt xã hội đều có bước tiến bộ, tăng trưởng khá, hướng tới hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch năm 2019 đã đề ra.
Tuy nhiên, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế. Điều này khiến Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột và đã nhiều lần hối thúc việc phải thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Gần đây nhất, ngày 21/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1042/CĐ-TTg về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Trong đó, yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là giải ngân số vốn đã được giao kế hoạch (đến nay, đã đạt trên 90% kế hoạch được Quốc hội thông qua).
Sau công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã hai lần có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương về việc triển khai công điện nêu trên và hướng dẫn các giải pháp để giao hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 còn lại.
Để thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến ngày hôm nay.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả là rất cần thiết. Đây chính là mục đích chủ yếu của Hội nghị ngày hôm nay.
9 tháng, phân bổ trên 92% dự toán nhưng mới giải ngân hơn 45% kế hoạch
Số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng. Trước ngày 31/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi tiết đạt trên 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán.
Như vậy, tỷ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao. Số vốn chưa giao kế hoạch chi tiết chỉ chiếm 14,5%, không phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ngay cả đối với số vốn đã được giao kế hoạch nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Trong năm 2019, căn cứ Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở tổng hợp phương án đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và kết quả rà soát các dự án đảm bảo đủ, đúng thủ tục đầu tư theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ giao tiếp kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương. Lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán.
Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng 33.683,878 tỷ đồng, chủ yếu là do chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục, một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, lúng túng trong công tác điều chỉnh...
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136,038 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó, 4 bộ ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%.
Tuy nhiên, cũng có nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung. Có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.
Nhìn chung, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 cơ bản tương tự như các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì? Đâu là giải pháp để thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư? Câu hỏi này sẽ được giải đáp trong Hội nghị trực tuyến ngày hôm nay.