Gần đây, báo chí nước ngoài nói nhiều đến các dòng vốn tìm đến thị trường mới nổi, ông có thể cho biết mối quan tâm của các tổ chức tài chính nước ngoài đến thị trường tín dụng Việt Nam?
Qua các cuộc làm việc và tiếp xúc của chúng tôi với các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn trên thế giới, phải nói là họ rất quan tâm đến Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn đang tìm kiếm những địa chỉ cụ thể để xem xét khả năng rót vốn.
Việc phát triển tín dụng ở các nước phát triển thông thường chỉ dưới 5%, phổ biến 2% một năm (rất khác so với Việt Nam là vài chục phần trăm), dẫn đến nhu cầu tìm kiếm khách hàng của các tổ chức tín dụng. Theo họ, đó là những khách hàng có quy mô hoạt động tương đối lớn hoặc có uy tín, khoản cho vay có thể từ chục triệu USD đến cả tỷ USD. Gần đây nhất là trường hợp Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đầu tư sang Venezuela 20 tỷ USD. Chưa bao giờ các tổ chức tài chính Việt Nam nghĩ đến khoản tài trợ lớn như vậy cho một địa chỉ. Điều này cho thấy nguồn vốn thế giới nhiều và là cơ hội cho Việt Nam.
Ông có thể nói rõ hơn về yêu cầu của các tổ chức cho vay và những đối tượng doanh nghiệp, dự án nào của Việt Nam có thể tiếp cận với nguồn vốn này?
Khách hàng tập trung vào doanh nghiệp có quy mô lớn và có sở hữu nhà nước tham gia. Sở hữu nhà nước có ưu điểm của nó, trong đó, quan trọng là tính hệ thống, bài bản. Các dự án trọng điểm quốc gia như dự án điện được quan tâm, ví dụ, gần đây, PVFC thu xếp vốn cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Ánh trên 1 tỷ USD... Các dự án trọng điểm thì thường có bảo lãnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều dự án không có bảo lãnh của Chính phủ cũng được quan tâm như PVT và liên doanh nước ngoài mới đây có khoản vay 240 triệu USD cho dự án kho chứa. PVFC nhận được rất nhiều ủy thác từ nước ngoài cho dự án này sau khi đặt vấn đề với các nhà đầu tư nươc ngoài. Ở dự án này, cổ đông tham gia đều là những doanh nghiệp có uy tín, tiến độ dự án được thực hiện chính xác từng ngày vì thế rủi ro được kiểm soát. Điểm thu hút các ngân hàng nước ngoài ở dự án này là khả năng giải quyết các vấn đề rất tốt. Như vậy, rõ ràng, bên cho vay đã có được khách hàng tốt, dự án tốt.
Trong bối cảnh thắt chặt nguồn vốn trong nước như hiện nay, các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn trong tìm kiếm khách hàng tốt và cho vay?
Hiện nay, "sân chơi" giữa các ngân hàng là bình đẳng. Tuy vậy, ngân hàng nước ngoài vẫn đang có lợi thế về cho vay ngoại tệ ở Việt Nam. Một số ngân hàng nước ngoài duy trì 2 trạng thái pháp lý: ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Nếu là chi nhánh thì họ được dùng hạn mức tín dụng tính theo vốn điều lệ của công ty mẹ (rất lớn). Khi cho vay hợp vốn, ngân hàng nước ngoài có thể thu một khoản phí trả trước (phí làm hợp đồng, thuê luật sư, phí cam kết…) Khoản thu này có khi lên tới 1,5 - 2% giá trị khoản vay. Vấn đề đặt ra là, chúng ta chấp nhận điều đó ở ngân hàng nước ngoài còn ngân hàng trong nước thì không không được phép thu thêm khoản phí nào khi cho vay.
Liên quan đến vấn đề về ngoại tệ, theo ông, vấn đề tỷ giá nên được các doanh nghiệp lưu tâm dưới góc độ nào?
Tỷ giá là một vấn đề rất lớn khiến mọi doanh nghiệp đều phải quan tâm. USD đã mất giá quá lớn so với nhiều đồng tiền khác, rồi tiền Việt lại mất giá so với USD. Ngay cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng đã đã phải ký các hợp đồng nguyên tắc về công cụ phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, do hạn chế của các ngân hàng trong nước nên chúng tôi phải làm với các tổ chức tài chính lớn ở nước ngoài. Ký những hợp đồng như vậy, tất nhiên phải có phí, doanh nghiệp Việt Nam chưa quen và đó là một thách thức.