Cũng vào ngày 15/10 tới, ông Howard Stringer, Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) Sony sẽ thay ông Carl-Hendric Svanberg, Chủ tịch và CEO Ericsson vào chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Sony Ericsson. Ông này sẽ sang làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí British Petroleum (BP) của Vương quốc Anh.
Chẳng nói ra, song hầu như mọi người đều nhận thấy rằng, việc thay tướng giữa dòng kiểu này phần lớn có nguyên nhân doanh nghiệp làm ăn kém cỏi. Với Sony Ericsson thì quả đúng thế thật. Trong 1 năm qua (4 quý) kể từ quý III/2008 trở lại đây, Sony Ericsson đã trải qua 4 quý lỗ liên tục. Quý II/2009 gần đây nhất, Sony Ericsson bị lỗ 213 triệu USD, trong khi quý II năm ngoái vẫn còn lãi 6 triệu USD. Tính chung, trong 1 năm qua (từ tháng 7/2008 đến hết tháng 6/2009), Sony Ericsson bị lỗ xấp xỉ 1 tỷ USD (718 triệu euro). Điều đáng lo ngại nữa là thị phần ĐTDĐ toàn cầu của Sony Ericsson đang có chiều hướng giảm dần.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Hãng điều tra, nghiên cứu thị trường Gartner, trong quý II/2009 đã có tổng cộng 286,1 triệu máy ĐTDĐ được bán ra trên toàn thế giới, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái (304,7 triệu chiếc). Với việc bán được 13,5 triệu chiếc ĐTDĐ, Sony Ericsson vẫn là tập đoàn sản xuất ĐTDĐ lớn thứ 5 thế giới, song thị phần toàn cầu đã giảm xuống còn 4,7% so với 7,5% ở cùng kỳ năm ngoái. Để so sánh, Nokia, tập đoàn sản xuất ĐTDĐ lớn nhất thế giới của Phần Lan cũng bị giảm thị phần từ 39,5% xuống còn 36,8%; tương tự, Motorola, tập đoàn sản xuất ĐTDĐ lớn 4 thế giới của Mỹ cũng bị giảm thị phần từ 10% xuống 5,6%. Duy chỉ có 2 “đại gia” trong lĩnh vực này của Hàn Quốc là Samsung và LG là có thị phần tăng. Samsung, tập đoàn sản xuất ĐTDĐ lớn 2 thế giới đã cải thiện được vị thế khi thị phần tăng từ 15,2% lên 19,3%, còn LG, “đại gia” lớn thứ 3 cũng có tiến bộ khi mở rộng được thị phần toàn cầu từ 8,8% lên 10,7%.
Được thành lập vào tháng 10/2001, liên doanh Sony Ericsson có tỷ lệ góp vốn giữa Sony và Ericsson là 50/50 và đặt trụ sở chính tại London (Anh). Trong suốt gần 8 năm tồn tại, đây là lần đầu tiên người của Ericsson được nắm quyền lãnh đạo cao nhất ở liên doanh, vì từ trước đến giờ, đại diện của Sony luôn nắm cương vị lãnh đạo cao nhất.
Trong bối cảnh như hiện nay, liệu Sony Ericsson trông cậy gì ở ông Bert Nordberg nhằm thay đổi tình thế?
Sony và Ericsson cùng nhất trí chọn ông Bert Nordberg làm lãnh đạo Sony Ericsson, vì trong quá khứ, ông này đã làm rất tốt công việc bán hàng và marketing. Cụ thể từ tháng 4/2004 đến tháng 12/2007, ông là Phó chủ tịch mảng marketing và bán hàng trên phạm vi toàn cầu của Ericsson. Ông đã góp phần không nhỏ vào việc đưa Ericsson từ vị trí thứ 3 lên vị trí thứ 1 thế giới trong lĩnh vực cung cấp thiết bị mạng ĐTDĐ.
Tháng/2008, sau khi trực tiếp giúp Ericsson mua lại 2 công ty công nghệ Mỹ là Redback Networks, chuyên sản xuất thiết bị router phục vụ kết nối mạng Internet và Entrisphere, chuyên về mạng cáp quang, ông Bert Nordberg được cử làm Trưởng Chi nhánh Ericsson mới thành lập tại San Jose (Bang California), ngay gần Silicon Valley, thủ đô của ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ phần mềm Mỹ. Ở đây, đội ngũ nhân viên Ericsson nghiên cứu về các phần mềm để phát triển giao thức Internet mới (Internet protocol) và dải băng thông rộng.
Theo nhiều nhà phân tích, cách đây vài năm, chính xác là vào năm 2005, Sony Ericsson đã gặt hái nhiều thành công từ dòng máy ĐTDĐ Cyber-shot với loại K750i. Đây là một trong những dòng máy ĐTDĐ của Sony Ericsson được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2007, Sony Ericsson tung ra dòng sản phẩm K850i có gắn camera kỹ thuật số 5-Megapixel bán khá chạy. Rồi đầu năm 2008, C905i, dòng máy ĐTDĐ đầu tiên trên thế giới có gắn camera kỹ thuật số tới 8 - Megapixel, song kể từ đó đến nay, Sony Ericsson chẳng còn sản phẩm nào nổi đình đám cả.
Ông Bert Nordberg khẳng định: “Chúng ta cần phải hoàn thiện thiết kế của sản phẩm, đầu tư mạnh vào mảng điện thoại thông minh (smartphone) và nhanh chóng chiếm lĩnh phân khúc cung cấp dịch vụ Internet trên mạng ĐTDĐ”.
Ông cũng bác bỏ tin đồn rằng, cả hai tập đoàn Sony lẫn Ericsson đều đang cân nhắc ý định rút lui và chấm dứt hoạt động của liên doanh Sony Ericsson. “Tất nhiên, làm ăn có lúc thế này, thế khác. Hiện thì đúng là cả bố và mẹ (Ericsson và Sony) đều rất lo lắng cho đứa con của mình (Sony Ericsson) đang gặp nhiều khó khăn. Tôi tin chắc rằng, cả hai đều tiếp tục ủng hộ hết sức để Sony Ericsson trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường”, ông Bert Nordberg nói.