Thuận buồm, xuôi gió
Mặt trời xuống thấp dần, hắt những tia nắng vàng xuống vùng cửa biển Baltic. Con tàu Rossia kéo những hồi còi dài rồi rời thành phố St.Peterburg, bắt đầu hành trình 7 ngày theo hệ thống sông Volga để đến thủ đô Moskva. Sông Neva, sóng nhẹ yên bình, trên tàu thuyền trưởng mở tiệc sâm-panh chiêu đãi.
Cảnh tượng ấy, làm người ta nhớ đến đoạn sông Mekong từ Việt Nam sang Phnompenh hiền hòa đầy ắp nước. Nhân con nước xuôi, có những tài công chập 2 chiếc ghe vào nhau thành một cặp, chỉ một chiếc nổ máy chạy cho đỡ tốn dầu, rồi tranh thủ lúc “thuận buồm xuôi gió, chén chú chén anh”.
Thuyền chạy xuôi dòng thật thuận lợi, nhẹ nhàng, tốn ít sức chèo, ít hao nhiên liệu. Miền Nam có hiện tượng "bán nhật triều", tức mỗi ngày có 2 lần nước chảy xuôi từ đất liền ra biển và 2 lần chảy ngược từ biển vào. Lúc nước xuống, người dân miệt An Giang, Hậu Giang, Đồng Nai xuôi ghe chở thóc gạo, trái cây, hoa quả về Sài Gòn. Khi nước lên, các ghe chở hàng hóa cần tiết lại theo dòng thủy triều ngược về tận Campuchia.
Từ thời các chúa Nguyễn, các tàu thuyền từ đàng ngoài và các tàu thuyền từ miền Đông, miền Tây Nam Bộ đã chọn một vùng sông nước ở ngã ba sông Sài gòn và sông Đồng Nai làm nơi neo đậu, chờ con nước mà xuôi, mà ngược. Người ta đã kết tre nứa thành những cái bè lớn cho các tàu thuyền dừng chân nghỉ ngơi, mua bán…tạo thành địa danh Nhà Bè. Mấy trăm năm sau, do nhu cầu phát triển, Cảng Sài Gòn được di dời khỏi nội đô. Hiệp Phước, Nhà Bè được chọn làm khu cảng mới, âu cũng là một sự lựa chọn hợp lý, thuận dòng cho một đô thị lớn nhất cả nước, cần phải có cảng, có tàu thuyền.
Lên thác, xuống ghềnh
Nhưng hành trình trên sông không chỉ toàn là những cảnh chạy xuôi dòng thơ mộng, nhàn hạ như vậy. Hết một đêm tàu chạy trên hồ Lagoda, sáng hôm sau chúng tôi đã được chứng kiến một cảnh tượng lạ. Thủ đô Moskva thì nằm ở trên cao, thành phố St.Peterburg lại ở dưới thấp, mực nước sông ở hai nơi chênh nhau tới 161 m.
Quãng đường thủy dài 1.804 km nối 2 thành phố, có tới mấy chục khu vực có thác nước, bãi cạn, ghềnh đá, mực nước chênh nhau giữa các khúc sông có nơi tới vài ba chục mét. Không biết tự khi nào và bằng cách nào người Nga đã tìm ra cách đưa tàu vượt thác chạy về tới Moskva.
Hơn 150 năm trước, có một đoàn thám hiểm bằng thuyền trên sông Mekong mong tìm kiếm một tuyến đường thủy từ Việt Nam sang Vân Nam, Trung Quốc. Khi đến vùng biên giới giữa Lào và Campuchia, đoàn thuyền phải dừng lại vì chắn ngang dòng sông là thác Khone cao ngất, nước chảy xối xả, là những bãi đá lởm chởm và 4.000 hòn đảo lớn nhỏ dăng ngang cả một vùng Siphandon, phía Nam Lào. Trở ngại ấy có làm con người chùn bước, có cách nào đưa tàu thuyền vượt thác Khone đến Vientian, Lào và Trung quốc hay không?
Cá vượt vũ môn
Con người muốn trèo lên cao thường dùng cái thang. Con cá sống trong nước, muốn vượt thác từ dưới thấp lên cao, chúng dùng các bậc đá. Hàng triệu năm trước cho đến tận bây giờ, trên sông Volga cũng như trên sông Mekong, có những loài cá hàng năm bơi ngược lên thượng nguồn để sinh nở.
Ở đồng bằng, những con cá rô khi gặp trời mưa, nhảy vọt từ ao chuôm nhỏ trong vườn, dùng đuôi vây trườn quẫy trên bùn, trên đất ướt để tới những con mương lớn, dòng sông, vùng nước rộng hơn. Người ta đã quay được nhiều phim về loài cá hồi vượt thác. Tôi cũng đã nhìn thấy những đàn cá bơi ngược dòng nước đến chân thác Khone.
Gặp nơi nước xối từ trên cao xuống, chúng lựa thế rồi đột ngột tung mình vọt lên cao. Nếu gặp một gờ đá, một chỗ nước phẳng, chúng ghì chặt vây xuống, náu mình lấy sức rồi tiếp tục nhảy lên. Kiên trì và nhẫn nại, hết bậc này đến bậc khác, con cá bé nhỏ đã vượt qua được thác nước chảy ầm ầm để đến đoạn sông phẳng, rồi bơi về phía thượng nguồn.
Hơn 300 năm trước, Pie Đại đế nung nấu ý định mở một con đường thủy nối liền St.Peter tới Moskva. Đây là một việc vô cùng khó khăn bởi có rất nhiều thác ghềnh, nhiều nhánh sông không liên thông với nhau, độ cao chênh nhau thì lớn. Nhưng, loài cá nhỏ bé là thế mà còn “vượt vũ môn”, nhảy qua được thác, đi từng bậc từ thấp đến cao, lẽ nào con người lại không thể đưa những con tàu vượt thác?
Tàu... nhảy thác
Cuối cùng người ta cũng tìm ra cách đưa tàu vượt thác trên sông Mekong và sông Volga. Ở Thác Khone (Lào), bây giờ chỉ còn những dấu tích của một đoạn đường sắt dùng để kéo tàu thủy từ chân thác lên tới đỉnh, rồi cho tàu chạy tiếp. Còn ở sông Volga, du khách sẽ được nhìn tận mắt con tàu khách to lớn nặng nề thực hiện một cú nhảy cao.
Từ phía xa, trên dòng sông, 2 cánh cổng lớn từ từ mở ra. Con tàu lớn chở mấy trăm hành khách từ từ tiến vào lọt giữa 2 vách bê tông đen kịt, dựng đứng, 2 cánh cổng phía đuôi tàu đóng lại. Nước từ phía sông trên cao được tháo chảy vào trong âu kín, từ từ nâng con tàu nhích lên như thang máy chạy chậm. Khi tàu lên ngang mặt nhánh sông cao, 2 cánh cửa sắt phía mũi lại mở ra, con tàu lại từ từ trườn sang một khúc sông mới.
Tất cả diễn ra trong vòng mươi phút, con tàu – cả một khối sắt thép to chở mấy trăm hành khách đã "nhảy" từ dưới thấp lên trên cao hơn gần chục mét. Đó là cách tàu vượt thác. Tàu Rossia đã cõng chúng tôi nhảy 21 lần - 21 cái âu tàu - 21 bậc thang nước. Có những đoạn tàu nhảy liên tiếp tới 6 bậc liền, lên cao 80 mét, tương đương leo bậc thang từ tầng trệt lên tới nóc tòa cao ốc 25 tầng.
Kim khắc thủy?
Người Nga đã phải mất hàng trăm năm mới hoàn thiện tuyến đường sông nối St.Petersburg tới Moskva. Khi Pie Đại đế giành được vịnh Phần Lan từ Thụy Điển, nước Nga có thêm một cửa ngõ thông ra thế giới. Từ thời đó, người ta đã nghĩ đến việc phải mở các tuyến đường sông để tàu có thể từ cửa biển Baltic chạy sâu vào trong đất liền nước Nga.
Công việc được tiến hành từng bước. Người ta bắt đầu đào các con kênh nối biển Baltic, sông Neva với hồ Lagoda, rồi rất nhiều kênh, ụ vượt thác khác, dần dần hình thành nên mạng lưới đường sông Baltic-Volga. Tuy nhiên, nối được sông Volga vào sông Moskva thì không dễ dàng gì. Dự án này bị đình trệ tới cả trăm năm sau, lý do thì nhiều, nhưng có tác động của nhóm lợi ích SẮT trong đó. Trong ngũ hành thì Kim sinh Thủy, nhưng trong giao thông thì có vẻ đường sắt (Kim) lại khắc với đường sông (Thủy).
Thế kỷ 19, sắt thép ở châu âu nhiều vô kể. Người ta còn mang sang cả Việt Nam làm cầu Long biên (Hà Nội), cầu Bình Triệu (Sài Gòn), làm đường sắt từ Mỹ Tho tới Sài Gòn, ra Hà nội, tới Lào cai và sang tận Trung Quốc. Ở Campuchia, Napoleon đệ tam tặng hoàng gia cả một cung điện làm toàn bằng sắt còn lưu giữ tới bây giờ. Ở Lào, người Pháp còn làm cả một đường ray sắt hàng chục km để kéo tàu thủy vượt qua thác Khone.
Trong bối cảnh ấy, ý tưởng làm các âu tàu, đào kênh tốn kém để nối các nhánh sông, các hồ thành một mạng lưới vận tải thủy Baltic-Volga-Moskva không kinh tế bằng làm đường sắt nối 2 thành phố và các tỉnh. Kim thắng Thuỷ, tuyến đường sắt từ St.Peteburg nhanh chóng được hoàn thành, ngắn hơn, chạy tốc độ nhanh hơn, kinh tế hơn so với đường sông...
Năm biển chung sông, chín rồng ra biển
Thủ đô của nhiều nước được xây dựng bên một dòng sông. Hà Nội nằm bên sông Hồng, Wasington DC nằm bên dòng Potomac, thủ đô nước Nga cũng nằm bên sông Moskva. Tuy thành phố này nằm sâu trong đất liền, chỉ ở bên 1 dòng sông, nhưng nó lại được mang tên là cảng của 5 biển. Tại sao vậy? Ngoài lý do thành phố gần sông tiện giao thương, vận chuyển, đó còn là câu chuyện về phong thủy. Một dòng sông uốn lượn, bao quanh, chảy qua mỗi thành phố mang lại nguồn sinh khí, sự cân bằng, là một thứ “đạo” giữ nhịp cho cuộc sống sôi động, ồn ào, náo nhiệt, lắm mưu mô của kinh thành. Muốn để cho vượng khí, nhiều mạch máu cho trái tim - thủ đô nước Nga, Stalin đã quyết tâm làm cho được một việc đã bị đình trệ từ thời các Sa hoàng, đó là đào kênh nối liền sông Moskva.
Tác giả Vũ Ninh
Buổi sáng ngày cuối khi gần đến Moskva, qua khung cửa sổ, chúng tôi nhìn thấy những hàng bạch dương thân trắng, những vạt cỏ và hoa dại lẫn trong màu sữa của làn sương sớm. Nắng vàng, thu vàng, rải nhẹ trên những cánh rừng ven bờ, dư dả rắc xuống dòng nước sông xanh. Danh họa Levital đã vẽ cảnh mùa thu vàng tuyệt tác. Nhưng dường như ông không để lại những ký họa về cảnh 200.000 lao động khổ sai thời ấy đã tốn bao mồ hôi và sinh mạng trong suốt 5 năm, từ 1932-1937 để đào xong con kênh dài 128 km nối liền sông Moskva với sông Volga. Nhờ con kênh này mà tàu thủy có thể chạy từ sông Moskva tới biển Baltic, biển Trắng, biển Đen, biển Caspia, biển Azov.
Miền Nam Việt Nam cũng có những con kênh đào nổi tiếng. Thời nhà Nguyễn, vua Gia Long cho đào con kênh Vĩnh Tế dài 87 km dọc biên giới với Campuchia, tạo thành luồng đường sông “Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên. Ghe thuyền xuôi ngược, bán buôn dập dìu”. Khác với dòng sông quanh co uốn lượn ở miền Bắc, chạy ngang qua TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) là một con sông thẳng tắp, rộng tới 60 m, nhiều đoạn được kè làm đường đi bộ dọc bờ thật đẹp. Đó chính là một phần của công trình vĩ đại - con kênh đào Xà No dài hơn 40 km nối liền Cần Thơ-Hậu Giang-Rạch Giá bằng đường thuỷ do người Pháp thi công.
Nước Nga, có con kênh đào Moskva nối một thành phố ra 5 biển. Việt Nam có kênh Vĩnh Tế, Xà No thời xưa và con kênh Quan Chánh Bố mới được mở rộng ngày nay, đã nối liền 9 nhánh Cửu Long - Mekong ra với biển Đông, hàng thế kỷ nay vẫn cứ bền bỉ mang dòng nước ngọt từ sông Mekong tưới cho những cánh đồng rộng lớn, giúp triệu lớn triệu bé các chuyến tàu, ghe thuyền xuôi ngược...
Đan đi hay dặm lại?
Tuyến đường sông Baltic-Volga-Moskva không phải chỉ được xây dựng trong ngày một, ngày hai. Các ụ tàu từ lúc được làm bằng gỗ, kéo cánh cửa bằng tời, đến khi được nâng cấp thành betong, điều khiển bằng điện, kéo dài đến tận năm 1964 mới hoàn thiện. Tuy nhiên, trong câu chuyện dòng sông cũng chứa những nỗi buồn, những điều khó có thể sửa được.
Hỏi vị thuyền trưởng rằng, tại sao dòng sông Volga thì lớn, mà tàu Rossia cũng như rất nhiều tàu khách khác chạy trên tuyến này lại có bề ngang khá nhỏ, chỉ 16,7 m. Ông cười buồn, rồi chỉ tay ra 2 vách âu tàu xám xịt. Khi tàu vào ụ, người ta thấy rõ 2 bên thành tàu đã rất sát với 2 thành âu tàu. Thì ra thời ấy, người ta vẽ ra quy hoạch, định ra kích thước một âu tàu, kênh qua thác có chiều dài chỉ giới hạn tối đa 210 m, rộng 17,6 m. Sông thì rộng, nhưng bị chặn bởi các nút cổ chai, đường đi chỉ hẹp có thế, nên bây giờ có đóng được tàu to thì cũng không thể chạy trên tuyến này. Bây giờ có muốn sửa lại cũng không thể làm được nữa.
Không biết có phải vì "cái khó bó cái khôn" mà người Nga hồi xưa lỡ làm âu tàu quá bé, mà các nhà đầu tư thời nay ở Việt Nam lại làm cái cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện khá hẹp. Tuyến đường ra đảo Cát Hải (Hải Phòng) đoạn đường nối thì rộng, nhưng phần cầu vượt biển hơn 5km thì lại thắt vào, chỉ rộng chưa đến 30 m với 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Cứ tính như TP.HCM có cảng Cát Lái, với lối vào chính là xa lộ Hà Nội to rộng, vậy mà nhiều hôm xe container vẫn kẹt cứng, xếp như cá trong hộp, gây ra bao vấn nạn giao thông nhức nhối cho đời sống đô thị, thì e rằng, câu chuyện này sẽ lại lặp lại ở cảng nước sâu Lạch Huyện mà thôi.
Xuôi hay ngược?
Ở phương Tây, hơn 2.500 năm trước, có một triết gia người Hy Lạp tên là Heraclitus đưa ra các câu nói ẩn dụ về dòng nước chảy, rồi được diễn dịch thành:“Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.
Ở phương Đông, cùng thời, có một triết gia khác là Khổng Tử cũng quan sát dòng sông và “luận về đức hạnh của nước”. Ông gắn những thuộc tính của dòng nước chảy xuôi để vận vào đời sống, đức tính con người, như việc nước chảy liên tục từ cao xuống thấp với Đạo, nước lao từ thác xuống như lòng dũng cảm, sự ngay thẳng của con người…
Người ta đã dùng hiện tượng vật lý nước chảy xuôi để luận giải các sự việc. Nhưng thực tế đời sống là rất nhiều hiện thực về những con người, loài cá, con tàu, những sinh vật, vật thể đi ngược dòng nước, vượt thác ghềnh. Quan niệm của Phật giáo cho rằng, đời là bể khổ. Khó khăn gian khổ mới là cuộc sống, vất vả, mệt nhọc, lao tâm khổ tứ mới là làm việc. Có thắng được cái quy luật ấy, có dám ngược dòng mới phát triển được.
Đất nước ta, khi ra khỏi cuộc chiến tranh, chẳng ai mang đến của cải để dân giàu, nước mạnh. Muốn thay đổi số phận, chúng ta phải tự làm các bậc thang nông nghiệp khoán 10, thang cổ phần hóa, tư nhân hóa; thang tài chính; thang thể chế… Từng nấc, từng nấc, đi ngược từ thấp lên cao. Những ai đã sống những ngày đói nghèo sau cuộc chiến, nay nhìn lại sẽ đếm được những bậc thang dân tộc đã đi qua.
Một công ty, khi khởi nghiệp, vốn liếng chưa là bao. Muốn trở thành doanh nghiệp lớn, phải mở rộng sản xuất, phải đầu tư. Quá trình ấy khác nào bơi ngược dòng sông. Đòn cân nợ là các bậc thang vượt thác, mỗi một dự án được bắt đầu là một quá trình vay mượn sản xuất-trả nợ.
Con người, khi mới sinh ra nhỏ bé yếu đuối, đến khi trưởng thành cao lớn, mạnh mẽ, là cả một hành trình đi ngược. Chúng ta phải học bước từng bậc, từ thấp lên cao, chinh phục học vấn, chinh phục các giới hạn sức khỏe, các nấc thang nghề nghiệp...
Chính cái “ngược” mới mang lại sự vận động đi lên. Vượt vũ môn, cá chép hóa rồng!