Về cơ bản, VND vẫn cho thấy sức mạnh thông qua nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam đang duy trì tích cực. Ảnh: Dũng Minh

Về cơ bản, VND vẫn cho thấy sức mạnh thông qua nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam đang duy trì tích cực. Ảnh: Dũng Minh

“Sóng” thị trường ngoại hối cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực đến với thị trường ngoại hối đến từ ngay những phiên đầu tháng 12 khi tỷ giá liên ngân hàng chứng kiến bước nhảy mạnh gần 2% chỉ trong 3 phiên.

Tỷ giá “nhảy múa”

Nửa đầu tháng 12/2021, tỷ giá trung tâm tăng 48 đồng, từ 23.127 VND/USD lên 23.175 VND/USD, có thời điểm đạt 23.237 VND/USD, mức cao nhất trong 8 tháng trở lại đây.

Tỷ giá tại ngân hàng thương mại trong tuần qua ghi nhận mức tăng 232 đồng, từ 22.792 VND/USD lên 23.024 VND/USD, cao nhất kể từ cuối tháng 7/2021.

Thực tế, diễn biến tăng của tỷ giá đã bắt đầu từ tháng 11. Cụ thể, tỷ giá USD/VND trong tháng 11 có thể chia làm hai giai đoạn: giảm khoảng 100 điểm trong 10 phiên đầu tháng, rồi tăng trở lại 70 - 80 điểm trong thời gian còn lại của tháng.

Giám đốc tiền tệ một ngân hàng cho biết, yếu tố tác động lớn nhất vào đà giảm của tỷ giá trong giai đoạn đầu tháng 11 đến từ việc Ngân hàng Nhà nước hạ tỷ giá mua vào ngoại tệ với các ngân hàng thương mại thêm 100 điểm, xuống mức 22.650 VND/USD - lần giảm tỷ giá mua thứ ba trong năm nay. Như thường lệ, động thái trên đã tác động mạnh đến tâm lý và kéo giảm tỷ giá giao ngay trên thị trường.

Bên cạnh đó, các cấu phần cơ bản của nguồn cung ngoại tệ khá tích cực. Trong tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 100 triệu USD, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp Việt Nam ghi nhận xuất siêu. Giải ngân FDI đạt 1,95 tỷ USD, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước, sau 3 tháng liên tiếp ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, nhu cầu ngoại tệ có dấu hiệu gia tăng trong những ngày cuối tháng, khiến cân đối cung cầu tổng thể trong cả tháng thặng dư không nhiều, khoảng 300 - 400 triệu USD.

Quan sát thị trường cho thấy, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn đầu tháng 11, với khối lượng ước đạt trên 2 tỷ USD.

“Tuy nhiên, bối cảnh nguồn cung ngoại tệ không quá dư dả sau đó cộng với nhu cầu gia tăng vô hình trung đã khiến tâm lý lo ngại gia tăng khi áp lực tăng lên tỷ giá mạnh hơn kỳ vọng”, vị giám đốc tiền tệ nêu quan điểm.

Trên thị trường quốc tế, USD có xu hướng tăng mạnh khi chỉ số DXY tăng hơn 2% nhờ sự hỗ trợ bởi hai yếu tố chính: thứ nhất, các số liệu kinh tế Mỹ thể hiện sự cải thiện của thị trường lao động, tình hình sản xuất và bán lẻ; thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển quan điểm sang hướng “hawkish” (thắt chặt) khi bỏ cụm từ lạm phát tăng chỉ là “tạm thời”.

Tuy nhiên, cuối tuần qua, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 5 đồng/USD, xuống 23.217 VND/USD. Vietcombank niêm yết tỷ giá ngang với Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, giá bán 23.150 VND/USD, giá mua 22.880 - 22.910 VND/USD. Eximbank mua USD với giá 22.870 - 22.890 VND/USD, bán giá 23.080 VND/USD. Đô la Mỹ trên thị trường tự do giảm 65 đồng, xuống 23.635 VND/USD ở chiều mua vào và 23.685 VND/USD ở chiều bán ra.

Chỉ số USD-Index trên thị trường quốc tế ngày 17/12 giảm 0,4 điểm, xuống 96 điểm, nâng mức mất giá trong 2 ngày lên gần 1 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện giảm còn 1,43%.

Yếu tố tâm lý thị trường

Trong một diễn biến có liên quan, Kho bạc Nhà nước cần nguồn ngoại tệ lớn nên đã liên tiếp thông báo nhu cầu mua ngoại tệ từ từ các ngân hàng thương mại trong đợt chào 09/ĐTNT-2021 với khối lượng dự kiến 350 triệu USD, ngày giao dịch là 14/12/2021, ngày thanh toán dự kiến sau 2 ngày.

Ngày 16/12/2021, Kho bạc Nhà nước thông báo nhu cầu mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại trong đợt chào 10/ĐTNT-2021, khối lượng dự kiến là 300 triệu USD, loại hình giao dịch là giao dịch giao ngay, ngày giao dịch là 17/12/2021, ngày thanh toán dự kiến là 21/12/2021. Khối lượng mua lần này của Kho bạc Nhà nước cao hơn so với lần mua trong tháng 10 và tháng 11, lần lượt ở mức 150 triệu USD và 250 triệu USD.

Động thái trên được đánh giá là “combo” với thị trường ngoại hối, kích thích tỷ giá tăng, trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá trong nước đến từ những phiên đầu tháng 12 khi tỷ giá liên ngân hàng tăng hơn 500 điểm (xấp xỉ 2%) chỉ trong 3 phiên, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3/2020.

Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD trên thị trường liên ngân hàng và giá USD niêm yết tại ngân hàng thương mại, nhưng nhiều nhà phân tích nhận định, việc tăng giá bán USD chỉ mang tính chất tạm thời và sự thiếu hụt USD chỉ là cục bộ trên thị trường.

Tâm điểm thị trường quốc tế tuần qua là sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed ngày 15/12 cho biết sẽ bắt đầu giảm mua tài sản ngay từ tháng 1/2022 (mỗi tháng giảm 30 tỷ USD) và kết thúc việc mua trái phiếu thời kỳ đại dịch vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4/2022. Việc này nhằm mở đường cho 3 đợt tăng lãi suất dự kiến với biên độ 0,25 điểm phần trăm từ giữa năm 2022, đưa mức lãi suất điều hành lên 0,9% cuối năm 2022 và có thể tăng tiếp 2 - 3 lần trong 2023 - 2024, với lý do chính là nền kinh tế Mỹ đang đạt được tối đa hóa việc làm và lạm phát toàn cầu cũng như tại Mỹ gia tăng nhanh (chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 11 tăng 6,8% so với cùng kỳ - mức cao nhất trong gần 40 năm qua và là tháng thứ 7 liên tiếp tăng cao hơn 5% so với cùng kỳ).

Đồng thời với đó là nhiều ngân hàng trung ương đồng loạt tổ chức họp bàn về chính sách tiền tệ tháng 12. Lãi suất được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức thấp ở phần lớn các ngân hàng. Tuy nhiên, giới chuyên gia và nhà đầu tư đang trông chờ các ngân hàng trung ương thông báo đẩy nhanh và kết thúc sớm gói nới lỏng định lượng trong cuộc họp cuối cùng của năm 2021.

Trái ngược với động thái của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) trong ngày 6/12 công bố hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm đối với phần lớn các ngân hàng thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2021. Đây là động thái mang tính chất nới lỏng tiếp theo của PBoC, nhằm hỗ trợ các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng trong bối cảnh tốc độ phục hồi có dấu hiệu bị thu hẹp. Diễn biến trên thị trường ngoại hối không có nhiều biến động lớn. Giá vàng và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm hầu như đi ngang so với tuần trước đó. Chỉ số DXY giao động quanh mức 96 điểm, trong khi các đồng tiền chủ chốt khác cũng không có nhiều biến động mạnh EUR giảm 0,02%, GBP tăng 0,28%...

Nhìn tổng thể thị trường, vị giám đốc tiền tệ trên nhận xét, áp lực lên tỷ giá xuất phát chủ yếu từ yếu tố tâm lý thị trường khi kỳ vọng về nhu cầu ngoại tệ mùa vụ như chuyển lợi nhuận về nước, trả nợ vay… tăng cao trong giai đoạn cuối năm.

Vị giám đốc tiền tệ phân tích thêm, cân đối cung cầu ngoại tệ trong tháng 12 không hẳn quá xấu khi nguồn cung ngoại tệ vẫn được bổ sung từ cán cân thương mại dự kiến thặng dư khoảng 300 triệu USD, giải ngân FDI có thể đạt 2,5 tỷ USD và dòng tiền kiều hối nhiều khả năng sẽ tăng mạnh. Theo đó, dự báo tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt khi tâm lý thị trường ổn định trở lại và các nguồn cung ngoại tệ được giải ngân.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới dự báo, kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt 18,1 tỷ USD, giúp nguồn cung - cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng trong giai đoạn cuối năm.

“Tôi cũng kỳ vọng các biện pháp để bình ổn tỷ giá tới từ cơ quan quản lý trong thời gian tới, như đã từng thực hiện nhiều lần trong quá khứ”, vị giám đốc tiền tệ nói.

Thực tế cho thấy, về cơ bản, VND vẫn cho thấy sức mạnh thông qua nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam đang duy trì tích cực. Cán cân thương mại thặng dư (11 tháng được điều chỉnh tăng, ước tính xuất siêu 1,46 tỷ USD), dòng vốn FDI giải ngân và dòng tiền kiều hối khả quan. Đồng thời với đó, dòng vốn gián tiếp thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) duy trì tốt như thỏa thuận SK Group (Hàn Quốc) mua lại cổ phần của The CrownX (công ty con của Masan) trị giá 350 triệu USD, hay Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) chi 170 triệu USD mua lại một phần cổ phần của MoMo.

Tin bài liên quan