Từ một nhân viên kế toán có thâm niên, thu nhập gần 15 triệu đồng mỗi tháng, bỗng chốc chị Trần Thu Hương đã chuyển sang nghề môi giới bất động sản và ngay lập tức đạt thu nhập trung bình mỗi tháng 25-30 triệu đồng. Đó là chưa kể khoản thưởng cuối năm hậu hĩnh hơn nghề cũ.
Thời điểm đó là giai đoạn 2017 - 2018, khi thị trường địa ốc vẫn duy trì sự ổn định nên chị Hương tích lũy tài chính để mua nhà trả góp vào năm 2019, đến đầu năm 2021 là nhận nhà.
Tưởng chừng cuộc sống đi thuê trọ sẽ kết thúc để bước sang trang mới. Thế nhưng, năm 2021 lại trở thành “cơn ác mộng” khi thị trường bất động sản chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 tái bùng phát, cộng thêm những biến cố từ gia đình khiến chị không khỏi suy sụp.
Theo lời kể của chị Hương, ngay từ những ngày đầu năm 2021, chị đã không bán được sản phẩm nào, cuối tháng chỉ có lương cơ bản 5 triệu đồng, so với các chi phí hàng tháng thì khoản thu nhập này chả đáng là bao. Để trang trải các khoản trả góp tiền nhà, chị phải làm thêm công việc bán hàng online, đôi lúc đảm nhận luôn cả việc giao hàng…, vậy nhưng thu nhập vẫn không mấy cải thiện, trong nhà lúc nào cũng trong tình trạng thiếu trước hụt sau.
“Nghề nào cũng có lúc khó khăn, tôi cố gắng chống đỡ và hy vọng trong năm 2022 tình hình sẽ khá hơn”, chị Hương tâm sự.
Thực tế, tình cảnh của chị Hương không phải là cá biệt. Anh Nam, từng là công chức, cũng rẽ ngang sang địa ốc, làm môi giới được 3 năm, thu nhập trung bình khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng, nhờ thời điểm này trên thị trường sản phẩm dồi dào, thanh khoản tốt, nhà đầu tư chuộng đổ tiền vào bất động sản.
Một chiêu bán hàng “sáng tạo” mùa Covid |
Thế nhưng, 2021 lại là năm bết bát nhất đối với anh kể từ khi vào nghề. Trong năm qua, anh chủ yếu tập trung chạy quảng cáo và nhận book của gần 100 khách hàng đóng tiền giữ chỗ mua một dự án căn hộ quy mô lớn trên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Tân. Với lượng khách đã giữ chỗ này, chỉ cần xác suất giao dịch thành công 30% là xem như Tết này có “bánh trưng thịt”.
Nhưng rồi dự án bất ngờ lùi ngày mở bán, chủ đầu tư trả tiền lại cho khách hàng, hy vọng từ lượng khách hàng đặt chỗ coi như bỏ. Cũng chính vì không chốt được hợp đồng nào nên thu nhập giảm đáng kể. Bởi lương thưởng của môi giới dựa trên doanh số mang về, nên việc không bán được hàng khiến anh Nam chỉ được nhận khoản tiền lương cơ bản vài triệu cuối năm.
Điểm tích cực là đại dịch đang sàng lọc mạnh mẽ lực lượng môi giới, vốn đã có thời gian rất dài chỉ phát triển về lượng hơn là về chất.
Theo tiết lộ của anh Nam, mặt bằng chung mức thưởng Tết và thu nhập của môi giới bất động sản trong năm 2021 sụt giảm mạnh. Nguyên nhân là do có nhiều dự án quy mô hàng nghìn, thậm chí vài chục nghìn căn nhà lùi thời hạn mở bán, vì thế nhân viên kinh doah không có hàng để bán. Tất cả án binh bất động chờ đợi tình hình khởi sắc hơn trong năm Nhâm Dần.
Chung cảnh ngộ, anh Lê Hào, chuyển từ ngành ngân hàng sang làm môi giới nhà đất khu vực quận 2, 9, Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức) gần 5 năm nay và từng chứng kiến thời kỳ sốt đất 2016 - 2018 tại khu Đông TP.HCM. Thu nhập của anh khi đó luôn ở mức trên 40 triệu đồng mỗi tháng, lúc thanh khoản thị trường lên cao trong năm 2017, có tháng anh kiếm được cả trăm triệu đồng.
Nhưng từ giữa năm 2019, khi thị trường bắt đầu chững lại, hoạt động giao dịch trầm lắng hơn, nguồn thu bắt đầu giảm dần, xuống còn chưa đầy 15 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2021, do tác động của Covid-19, anh Hào không chốt được giao dịch nào. Môi giới này tâm sự rằng, phải thắt lưng buộc bụng khi đang vướng vào căn nhà đang trả góp, trong bối cảnh sức mua giảm sút ở hầu hết các phân khúc.
“Dịch bệnh khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn. Bên bán vẫn hét giá cao, trong khi bên mua mặc cả đòi hạ giá từng chút một. Giao dịch giằng co khi không bên nào muốn nhượng bộ. Có lẽ phải qua Tết thì thanh khoản mới cải thiện được”, anh Hào nói.
Bà Trần Thùy Linh, phó giám đốc một công ty chuyên về môi giới bất động sản tại TP. Thủ Đức chia sẻ, trong năm 2021, lĩnh vực môi giới bất động sản gặp nhiều khó khăn vì sức mua trên thị trường giảm mạnh do ảnh hưởng dịch, đồng thời tình trạng chậm cấp phép dự án cũng khiến đội ngũ kinh doanh địa ốc không có hàng để bán.
Theo bà Linh, trong mùa dịch, nghề nào kiếm tiền cũng khó và môi giới bất động sản dường như nhiều thách thức hơn, bởi nhà đất là tài sản có giá trị lớn. Nếu muốn bám trụ với nghề trong giai đoạn này thì phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn, phải đầu tư nhiều thời gian và sức lực hơn.
“Nhiều người chỉ nhìn vào bề nổi của nghề môi giới địa ốc là thu nhập cao. Thật ra, có nhiều vất vả, áp lực vô hình mà nhân viên sale nhà đất phải gánh vác. Ví dụ, để bán được hàng, người môi giới phải thực sự chuyên nghiệp, học hỏi không ngừng để có thể nắm rõ các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản, cần mẫn tìm hiểu thị trường, hiểu rõ sản phẩm và nắm chắc địa bàn, giải đáp được các thắc mắc, yêu cầu của khách hàng... Chưa kể, nghề này cũng khá bấp bênh, thiếu sự ổn định, đặc biệt khi thị trường bước vào chu kỳ khó khăn, do còn phụ thuộc vào chiến lược bán hàng của chủ đầu tư, vào doanh số bán hàng..., trong khi lương cơ bản không cao”, bà Linh nói.
Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, dịch bệnh tuy khiến thu nhập của nhân viên ngành địa ốc sụt giảm mạnh, nhưng điểm tích cực là cũng giúp sàng lọc mạnh mẽ lực lượng môi giới, vốn đã có thời gian rất dài chỉ phát triển về lượng hơn là về chất.
“Đại dịch một mặt khiến thị trường địa ốc khó khăn hơn, nhưng mặt khác giúp đào thải nhân sự không có năng lực vượt khó. Đây là diễn biến hợp lý và cần thiết để bức tranh ngành môi giới bất động sản được vẽ lại với những nét tương mới hơn thời gian tới”, bà Linh cho hay.