Sóng tăng trở lại

(ĐTCK) Phiên giao dịch ngày 1/10 để lại cảm xúc khó tả, vượt dự kiến với nhiều nhà đầu tư khi VN- Index tăng mạnh trên nhiều góc độ: điểm số, giá trị giao dịch và số lượng cổ phiếu tăng giá.
Sóng tăng trở lại

Nhiều CTCK nhận xét rằng, đã có một dòng tiền lớn chủ động vào thị trường. Bởi vậy, dù những phiên sau đó có áp lực chốt lời, khả năng tăng điểm của thị trường vẫn chiếm ưu thế.

Diễn biến thị trường phiên 2/10 đã chứng minh nhận định đó, khi VN-Index trải qua nhiều giằng co vẫn giữ được sắc xanh.

Chỉ báo điểm số không quan trọng bằng việc thanh khoản thị trường duy trì ở mức khá cao, khoảng 3.000 tỷ đồng trong cả giai đoạn giảm điểm vừa qua. Điều này giúp nhiều nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn vào chứng khoán. Các yếu tố kinh tế vĩ mô đang ủng hộ cho kịch bản sóng tăng trở lại.

Đó là chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 đã bật tăng trở lại (lên mức 51,7 điểm) sau 4 tháng giảm liên tiếp trước đó. Sự tăng trưởng trở lại của các đơn đặt hàng mới là nhân tố quan trọng giúp điều kiện sản xuất của Việt Nam có sự cải thiện trong tháng vừa qua.

Chỉ số tiêu thụ của công nghiệp chế biến cũng tăng gần 2 con số, theo ước tính của Bộ Công Thương, cho thấy đầu ra không còn là một điểm nghẽn lớn và kéo dài. Tiếp đến là thông tin Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm làm việc với Ngân hàng Nhà nước để xem xét điều chỉnh lãi suất…; tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ tăng mạnh.

Ngoài ra, thông tin khá tích cực từ việc các tổ chức nước ngoài đổ hàng nghìn tỷ đồng mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam, hay các dự án lớn có tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD mới được cấp phép…

Ở góc độ vi mô, hoạt động doanh nghiệp tuy không khởi sắc trên diện rộng, nhưng đã có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Rất nhiều doanh nhân chia sẻ rằng, thời kỳ khó khăn nhất đã ở phía sau. Nhiều kế hoạch tăng vốn, tuyển dụng được công bố. Nóng nhất có lẽ là ngành chứng khoán, khi hàng loạt công ty có kế hoạch “bung người”, nào là Bản Việt, Beta, SHS, SHBS, Mira Assert, Đông Nam Á, IVS, Đại Dương...

Ông Vũ Đức Tiến, Phó tổng giám đốc CTCK SHS nhận định rằng, kết quả kinh doanh quý III và cả năm của nhiều CTCK sẽ rất tốt. Kết quả này đến từ 2 yếu tố: thị trường tốt và bản thân CTCK tái cơ cấu sớm. Những CTCK không đủ lực bị đào thải, thị trường chỉ tồn tại những công ty có thực lực và chính những công ty này sẽ được hưởng lợi.

Quan trọng hơn, chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư thu hút so với các kênh khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản. Đặc biệt, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ mới đây về việc gắn IPO và cổ phần hóa của các doanh nghiệp với niêm yết cổ phiếu và có chế tài xử phạt nghiêm việc vi phạm sẽ giúp TTCK có thêm nhiều hàng hóa chất lượng. Chợ nào muốn sầm uất cũng phải có nhiều hàng tốt, giá cả hợp lý mới thu hút người đến mua.

Nếu mọi việc suôn sẻ, có thể vào đầu năm 2016, TTCK  Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi. Khi đó, sẽ có nhiều nhà đầu tư lớn đến với Việt Nam. Từ nay đến thời điểm đó có lẽ còn khá xa, nhưng có thể phán đoán rằng, để chuẩn bị cho sự kiện đó, sẽ có nhiều chính sách tích cực với  chứng khoán được ban hành. Như thế, nhiều khả năng mốc 600 điểm sẽ trở thành bệ đỡ vững chắc của thị trường.

Tin bài liên quan