Ở nước ngoài, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí đang rất sôi động.

Ở nước ngoài, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí đang rất sôi động.

"Sóng sánh" cổ phiếu dầu khí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu khí còn dư địa tăng là cơ sở để kỳ vọng cổ phiếu ngành này thêm “sóng sánh”. Về dài hạn, triển vọng ngành dầu khí đến từ dự án Lô B - Ô Môn và Luật Dầu khí (sửa đổi).

Giá dầu hồi phục

Trong năm 2022, giá dầu thô thế giới trung bình đạt 97 USD/thùng, nhưng đóng cửa cuối năm tại 85,91 USD/thùng, thấp hơn gần 40% so với mức cao nhất được ghi nhận vào tháng 3 (những tuần đầu tiên của cuộc chiến Nga - Ukraine).

Dữ liệu từ Investing.com cho thấy, giá dầu từ đầu năm 2023 đến nay tiếp tục biến động mạnh. Tính riêng từ đầu tháng 3, giá dầu giảm từ hơn 86 USD/thùng xuống gần 72 USD/thùng ngày 20/3, do lo ngại suy thoái toàn cầu gia tăng, liên quan đến hệ thống ngân hàng Mỹ cũng như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng 0,5% lãi suất. Tuy nhiên, giá dầu sau đó quay lại xu hướng tăng, đến ngày 6/4 đạt trên 84 USD/thùng.

Giá dầu được hỗ trợ bởi lo ngại gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực bán tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq và Nga cắt giảm sản lượng. Bên cạnh đó, kho dự trữ dầu thô tại Mỹ liên tục giảm. Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này giảm 7,5 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 24/3/2023, xuống 473,7 triệu thùng, mức thấp nhất trong 2 năm qua. Đến ngày 31/3, mức dự trữ dầu thô giảm thêm 3,7 triệu thùng, giảm nhiều hơn so với mức dự báo được các nhà phân tích đưa ra là 2,3 triệu thùng.

Đặc biệt, ngày 2/4/2023, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức liên minh OPEC+, cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày. Hãng tin Reuters tính toán, những cam kết cắt giảm sản lượng mới sẽ nâng tổng lượng dầu cắt giảm của OPEC+ lên mức 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu.

Trong khi đó, nhu cầu dầu được dự báo dần gia tăng khi lưu lượng hàng không toàn cầu phục hồi mạnh, các hoạt động kinh tế ở một số quốc gia hồi phục, nhất là sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu thô.

Kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ khiến không ít nhà phân tích nâng dự báo giá dầu Brent lên khoảng 100 USD/thùng vào cuối năm 2023.

Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm gần 50% mức tăng nhu cầu dầu thô, tương đương 900.000 thùng/ngày (trong dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng thêm 2 triệu thùng/ngày). Theo EIA, mức tiêu thụ của Trung Quốc có thể đạt 11,7 triệu thùng/ngày, tăng 8,3% so với năm trước.

Kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ khiến không ít nhà phân tích nâng dự báo giá dầu Brent lên khoảng 100 USD/thùng vào cuối năm 2023. Trong đó, ING ngày 3/4 nâng dự báo giá dầu Brent trong nửa cuối năm nay từ mức 97 USD/thùng lên 101 USD/thùng.

Nội lực mạnh

Cổ phiếu dầu khí được đánh giá là nhóm có độ nhạy và “khỏe” so với thị trường chung. Tuy nhiên, thị trường vẫn luôn coi nhóm này có tính đầu cơ cao, lên xuống mạnh theo chu kỳ và phụ thuộc vào biến động giá dầu. Với diễn biến tăng của giá dầu, nhóm cổ phiếu dầu khí có dấu hiệu tạo sóng, nhưng xuất hiện lẻ tẻ ở một số cổ phiếu.

Các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư cổ phiếu dầu khí không đơn thuần là “soi” giá dầu trong ngắn hạn, mà cần đánh giá, cân nhắc các triển vọng giá dầu trong trung và dài hạn, cũng như những yếu tố có thể tác động đến kết quả kinh doanh. Những đợt sóng nhỏ vừa qua của cổ phiếu dầu khí đều dựa trên kỳ vọng của thị trường mỗi khi xuất hiện thông tin mới, liên quan đến sự phát triển của ngành này.

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích - nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, ngành dầu khí có những tín hiệu sáng trong thời gian gần đây.

Chẳng hạn, trong tháng 2/2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký kết thỏa thuận hợp đồng bán khí cho dự án Nhiệt điện Ô Môn II và bao tiêu khí từ Lô B - Ô Môn. Đây là bước tiến triển quan trọng để tiến tới hoàn thành hợp đồng EPC trong tháng 6/2023 theo kỳ vọng của Bộ Công thương, cũng như có quyết định đầu tư cuối cùng (FID).

PVN đặt mục tiêu dự án Lô B có dòng khí đầu tiên vào quý IV/2026, đúng thời điểm dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II dự kiến đi vào vận hành thương mại. Điều này sẽ tạo ra nhiều việc làm cho ngành dầu khí trong khoảng 5 năm tới.

Ở nước ngoài, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí đang rất sôi động, các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đấu thầu tìm hợp đồng. Theo HIS Markit, giá giàn thuê, đặc biệt là giàn tự nâng đạt trên 100.000 USD/ngày, tăng khoảng 20% so với năm 2022, công suất trên 80% do nguồn cung giàn khoan mới hạn chế, nhu cầu giàn khoan tự nâng cải thiện, tạo ra nhiều cơ hội cho các giàn khoan dầu khí. Trong thời gian tới, giá cho thuê giàn khoan có thể duy trì ở mức cao.

Ông Bình cho biết, nhu cầu giàn khoan tăng mạnh trong khu vực đã giúp các giàn của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV DRILLING, mã chứng khoán PVD) kín lịch thuê trong năm 2023. Kỳ vọng giá thuê giàn tăng sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp được mở rộng. Đặc biệt, PV DRILLING có lãi trong quý IV/2022 sau 3 quý lỗ ròng trước đó là tín hiệu tích cực. Trong dài hạn, PV DRILLING là doanh nghiệp thượng nguồn dầu khí sẽ hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn.

Nhờ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí sôi động, giá dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS) tăng lên. PTSC có thể tận dụng tốt thị trường quốc tế, đồng thời hưởng lợi từ dự án Lô B, gia tăng khối lượng công việc mảng dịch vụ kỹ thuật để cải thiện lợi nhuận.

Ở khâu trung nguồn, các doanh nghiệp vận tải dầu khí như Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã chứng khoán PVT) sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ biến động giá cước vận chuyển dầu và sản phẩm dầu trên các tuyến quốc tế.

Ngoài ra, Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước ngoặt lớn cho ngành dầu khí, mà theo Mirae Asset là sẽ tháo gỡ nút thắt ở hoạt động thượng nguồn, khi trữ lượng khai thác tự nhiên đang giảm dần theo thời gian.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng trữ lượng dầu khí phát hiện trong nước ước đạt 1,5 tỷ m3 quy dầu, trong đó đã khai thác khoảng 50%. Trong phần trữ lượng còn lại, ước tính có 75% khí và 25% dầu. Hiện các mỏ đang khai thác chiếm 30%, các dự án tầm trung (chưa khai thác) chiếm 40%, hai đại dự án Lô B và Cá Voi Xanh (được kỳ vọng sớm triển khai trong thời gian tới) chiếm 30%.

Luật Dầu khí lần này đã có nhiều điểm mới như bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí, làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Do đó, Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý giúp các dự án được vận hành thuận lợi, ngành dầu khí được đẩy mạnh phát triển.

Tin bài liên quan