“Mỏ vàng” sông Sài Gòn đang bỏ ngỏ
Năm 2023, TP.HCM đón 5 triệu lượt khách quốc tế và gần 35 triệu lượt khách nội địa. Theo đó, lượng khách quốc tế đến Thành phố chiếm 40% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và lượng khách nội địa chiếm 32% lượng khách của cả nước.
Tuy nhiên, trong danh sách 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất thế giới do CNN công bố có thể thấy sự “khiêm tốn” về vị thế của điểm đến “đầu tàu cả nước” này trong khu vực. Nếu như trong Top 100, Bangkok (Thái Lan) xếp thứ 33, Singapore xếp thứ 11, thì thứ hạng của TP.HCM dừng lại ở con số 85.
Bên cạnh đó, Bangkok còn là điểm đến hút khách nhất thế giới năm 2023 với 22,78 triệu lượt khách quốc tế, hay Singapore cũng đón đến 13,6 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu từ du lịch gấp 3,2 lần TP.HCM.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, để đạt mục tiêu điểm đến hàng đầu châu Á, ngành du lịch Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như hạ tầng chưa theo nhịp phát triển đô thị, khả năng tiếp cận các điểm đến trong vùng còn hạn chế, sản phẩm du lịch đường sông chưa đặc sắc, thiếu bến thủy, cầu tàu, chưa có cảng chuyên dụng đón khách tàu biển quốc tế... Thành phố cũng thiếu những “bàn tay” chuyên nghiệp để tạo ra những sản phẩm văn hóa - nghệ thuật, du lịch đẳng cấp cao. Bởi vậy, du lịch chưa phát huy được vai trò “mũi nhọn” của kinh tế TP.HCM.
Nói về hạn chế của du lịch TP.HCM, KTS. Khương Văn Mười - nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra minh họa vô cùng trực quan: “Cách đây mười mấy năm, khách nước ngoài đến sông Sài Gòn thuê những chiếc tàu gỗ để đi lên thượng nguồn (Tây Ninh) chơi rất nhiều nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo thu nhập và việc làm cho người dân, doanh thu cho ngành dịch vụ”.
TP.HCM có hơn 70 bến thủy nội địa phục vụ đưa - đón khách, nhưng chỉ đáp ứng cho ghe, thuyền nhỏ. Dịch vụ chưa đa dạng nên khách du lịch đường sông chỉ chiếm 2% tổng số khách đến TP.HCM, trong đó khách quốc tế chỉ chiếm 5% tổng lượt khách. Đó là thực tế “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhiều năm nay của TP.HCM.
Thiếu bến bãi khiến du lịch đường sông TP.HCM khó phát triển xứng tầm. Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng - Tổng thư ký Câu lạc bộ Du thuyền Thủ Đức từng cho biết, nhiều khách ngoại, kể cả nhóm khách trung lưu tại TP.HCM muốn chơi du thuyền nhưng không có bến đậu. Số lượng bến đạt chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bởi vậy, theo các chuyên gia, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra trong Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đó là cần xác định sông Sài Gòn là trục xương sống của quy hoạch, từ đó phát triển hệ sinh thái du lịch cao cấp, hạ tầng giao thông hiện đại bám theo đôi bờ gồm cả thủy - bộ - sắt để đánh thức tiềm năng dòng sông huyết mạch.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng chỉ rõ, mở rộng không gian 5 huyện ngoại thành, phát triển đa tâm “hướng sông, bám biển”, thực hiện các công trình, dự án giao thông đô thị tầm cỡ là những thách thức TP.HCM cần hóa giải.
Phát triển hạ tầng “bám sông”, đưa TP.HCM thành hình mẫu “trên bến dưới thuyền”
TP.HCM phấn đấu đến 2030 đón trên 13 triệu lượt khách quốc tế và 50 triệu lượt khách nội địa, trở thành điểm đến hàng đầu châu Á, đến 2045 là điểm đến hấp dẫn toàn cầu. Đồng thời, Thành phố xác định rõ du lịch bền vững và du lịch xanh là trọng điểm.
Do đó, cần quy hoạch sông Sài Gòn tương lai trở thành hình mẫu “trên bến dưới thuyền”, không chỉ là trung tâm đô thị, mà phải trở thành trụ cột phát triển kinh tế du lịch bền vững theo hướng xanh, sinh thái, là tâm điểm du lịch của Thành phố với hệ sinh thái du lịch quy mô, đẳng cấp cao.
Theo KTS. Khương Văn Mười, để đạt được những mục tiêu lớn này, TP.HCM “phải có quy hoạch dài hơi hai bên bờ sông Sài Gòn. Trong đó, quy hoạch trục sông Sài Gòn - Củ Chi - Tây Ninh có tiềm năng lớn để khai thác du lịch, liên kết với khu vực núi Bà Đen”.
Thực tế, tuyến sông Sài Gòn từ thượng nguồn Tây Ninh, qua Củ Chi đến trung tâm TP.HCM, chảy về hạ nguồn Cần Giờ là dòng chảy dồi dào tài nguyên để phát triển du lịch xanh, sinh thái, văn hóa - lịch sử, thể thao, nghỉ dưỡng, song tiềm năng vẫn bỏ ngỏ.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị bổ sung quy hoạch đại lộ ven sông Sài Gòn: “Không chỉ đại lộ ven sông phía TP.HCM, chúng tôi cũng đề nghị tỉnh Tây Ninh có quy hoạch để cùng khai thác tuyến đường sông Sài Gòn hiệu quả nhất”.
Là đơn vị đã dày công nghiên cứu về TP.HCM cũng như hình mẫu các đô thị “bám sông, hướng biển” trên thế giới, ông Hoàng Anh Tú - Giám đốc Dự án của BCG Việt Nam đề xuất: “Thành phố cần mở rộng hạ tầng giao thông dọc sông Sài Gòn để tăng kết nối và phát triển du lịch, nâng tầm và tạo thương hiệu cho điểm đến. Sông Sài Gòn từ TP.HCM qua Củ Chi có rất nhiều tiềm năng khai thác du lịch, thậm chí là du lịch đẳng cấp cao, chẳng hạn du lịch miệt vườn, công viên, sân golf hay phát triển các khu đô thị mới kết hợp vui chơi giải trí ven sông...”.
Về đường thủy, đại diện BCG Việt Nam cho rằng, TP.HCM cần bổ sung bến thủy nội địa ở mỗi khu dân cư dọc theo dòng sông để phát triển du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và nghệ thuật, đồng thời thiết lập hệ thống đường thủy dọc sông Sài Gòn đi các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Tây Ninh, tích hợp với hệ thống giao thông công cộng gia tăng năng lực chuyên chở giữa các thành phố với nhau.
“Chúng tôi đề xuất đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đại lộ và đường sắt đô thị ven sông để hỗ trợ kết nối. Một trong những dự án nên cân nhắc và có thể nhìn thấy hiệu quả rất tích cực là đầu tư tuyến đại lộ từ 4-10 làn xe, hỗn hợp đường bộ, đường sắt đô thị kết nối từ TP.HCM qua Củ Chi lên núi Bà Đen. Từ đó, mở ra được các hướng phát triển đô thị, thương mại, du lịch với điểm nhấn sông nước, xóa được những điểm nghẽn, phát huy tiềm năng cho Củ Chi và kết nối đối với TP.HCM tốt hơn”, ông Tú kiến nghị.
“Đánh thức” những dòng sông đã trở thành “cây đũa thần” mang đến “phép nhiệm màu” cho kinh tế, du lịch nhiều đô thị. Điển hình như cách Thái Lan “nâng tầm” đôi bờ Chao Phraya tại Bangkok.
Dòng sông này nổi tiếng không chỉ là sông di sản lịch sử - kiến trúc, văn hóa - tâm linh, mà còn được gọi là “sông tiền” vì đóng góp lớn vào GRDP của Bangkok - nơi mà hơn 60% GRDP là từ du lịch.
Dựa trên đặc tính của bờ sông và các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi, Thái Lan đã bổ sung loạt công trình mới, đầu tư 34 bến đỗ thuyền cho đoạn sông qua Bangkok, mỗi bến là một điểm nút dịch vụ du lịch hấp dẫn.
Hai bên bờ sông là danh thắng nổi tiếng như chùa, viện bảo tàng, nhà hàng, khách sạn, công viên chuyên đề, đại trung tâm thương mại... Theo đánh giá, yếu tố thành công của Chao Phraya cũng đến từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa công và tư, với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp tư nhân Thái Lan.
Trở lại với sông Sài Gòn, những bài toán như việc biến Thủ Thiêm, Thủ Đức thành “Phố Đông mới của châu Á” hay việc quy hoạch đô thị ven sông trên hình mẫu sông Seine (Paris), Chao Phraya từng được đưa ra từ lâu. Nhiều doanh nghiệp cũng từng đề xuất làm dự án sinh thái, du lịch ven sông ở khu vực Củ Chi hay Cần Giờ, song ý tưởng vẫn chỉ nằm “trên giấy”.
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc hành động mạnh mẽ để “đánh thức” sông Sài Gòn. Tầm nhìn chiến lược này cần thể hiện rõ trong các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, hạ tầng du lịch cao cấp, hạ tầng giao thông với những tuyến đường 4-10 làn xe, đa dạng loại hình đường thủy - bộ - sắt bám theo dòng chảy sông Sài Gòn kết nối đến các tỉnh trong vùng, đặc biệt là Tây Ninh, là trục du lịch đầy tiềm năng cần trở thành một trọng điểm phát triển thời gian tới.
Nếu hiện thực hóa được điều này thì một mũi tên trúng nhiều đích: Vừa khơi dậy sức sống phồn hoa trên bến dưới thuyền cho sông Sài Gòn, khai mở mỏ vàng du lịch Củ Chi, vừa liên kết điểm đến, liên kết vùng chặt chẽ từ TP.HCM tới núi Bà Đen, Tây Ninh - nóc nhà Đông Nam Bộ, điểm đến đón hàng triệu khách mỗi năm.
“Nếu quy hoạch và làm tốt, 10-15 năm nữa sông Sài Gòn không chỉ là điểm nhấn của Thành phố, mà sẽ nổi tiếng toàn cầu. Trên thế giới, nhiều con sông như Hoàng Phố ở Thượng Hải (Trung Quốc), Thames (Anh)... cũng không có vị trí đẹp như Sài Gòn nhưng được tận dụng và phát triển rất tốt, trở thành cảnh quan nổi tiếng”, TS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định.