Nói về triển vọng năm 2019, tổng giám đốc một doanh nghiệp dược trong Top 5 doanh nghiệp đầu ngành trên sàn chứng khoán trầm ngâm: “Nếu như năm 2018, các báo cáo đều cho rằng ngành dược tăng trưởng mạnh lên tới gần 10%, thì tại sao hầu hết các doanh nghiệp trong Top 10 công ty trên sàn đều giảm tốc và không hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Hợp lý thì doanh nghiệp này giảm sẽ có doanh nghiệp khác tăng”.
Một chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán chuyên theo dõi ngành dược nhìn nhận, những doanh nghiệp dược giảm tốc trong năm 2018 là bởi họ không có sản phẩm độc quyền, hay những câu chuyện riêng để kể. Phần lớn sản phẩm của các doanh nghiệp nội là thuốc generic (tức thuốc có cùng dược chất, hàm lượng, dạng bào chế với biệt dược gốc và thường được sử dụng thay thế biệt dược gốc), hoặc là những loại thuốc na ná nhau về công dụng, tác dụng chữa bệnh. Thị trường trong năm qua xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp mới, cạnh tranh quyết liệt, miếng bánh thị phần bị chia sẻ là điều dễ hiểu.
Nếu như năm 2019, các doanh nghiệp không có chiến thuật riêng, có lối đi mới, cách làm khác biệt, thì rất khó để duy trì đà tăng trưởng. Chuyện riêng trong bức tranh chung, do đó, vô cùng quan trọng để các nhà đầu tư lưu ý, phân tích khi quyết định bỏ vốn vào bất cứ doanh nghiệp nào.
Năm nay, giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế dự kiến tăng 5 - 8% (theo lộ trình, giá khám chữa bệnh giai đoạn 2018 - 2020 sẽ bao gồm chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý, đến năm 2020 - 2021 sẽ tính thêm cả chi phí khấu hao), giá điện tăng khoảng 7,5%, giá nhóm hàng giáo dục tăng 6%. Nhưng không vì thế mà những doanh nghiệp trong các nhóm ngành này đều hưởng lợi, chưa kể chi phí đầu vào tăng mạnh còn khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp có nguy cơ giảm.
Nhận định về thị trường chứng khoán năm 2019, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, nhiều đợt sóng có thể xuất hiện, tùy theo từng câu chuyện riêng. Ở những giai đoạn giảm sâu, chứng khoán sẽ được hỗ trợ về mặt định giá.
Nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại, chứng khoán Việt Nam chắc chắn vẫn chịu những tác động của các yếu tố ngoại biên như tăng trưởng toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc, ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dự kiến leo thang…
Còn trong nước, những yếu tố tạo ra tác động sẽ là tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội được dự báo ở mức thấp hơn so với năm 2018. Ðây là nhân tố khiến tăng trưởng GDP năm 2019 có thể thấp hơn năm 2018, tuy nhiên, mức độ giảm sẽ không quá lớn.