Cổ phiếu của Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM) đã tăng từ 33.000 đồng/CP lên 40.000 đồng/CP trong 1 tháng qua. Đà tăng ban đầu xuất phát từ kết quả lợi nhuận sau thuế của DPM trong 6 tháng đầu năm đạt gần 1.939 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, quý II/2012, sản lượng bán hàng của DPM tăng 16% và giá bán phân đạm tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sau khi lình xình ở mức giá 35.000 đồng/CP, cổ phiếu DPM lại bứt phá lên 40.000 đồng/CP, chủ yếu là nhờ tin đồn về việc chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1. Bởi lẽ, theo báo cáo tài chính quý II/2012, DPM có cơ sở để thực hiện nghiệp vụ này. Với số vốn điều lệ 3.800 tỷ đồng, DPM có hơn 2.600 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối và 1.400 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.
Các DN lớn như DPM, GAS, PGD đều có lợi nhuận cao và tiền mặt “khủng”
Tin từ DPM, đến hết tháng 7, DPM ước đạt 8.300 tỷ đồng doanh thu, bằng 60% kế hoạch năm và 2.100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 19% kế hoạch năm.
Bà Nguyễn Thị Hiền, người công bố thông tin của DPM cho biết, trong thời gian qua, có nhiều tổ chức đầu tư, tư vấn về tài chính, chứng khoán tới tiếp xúc, tìm hiểu và cập nhật thông tin về DPM đã giới thiệu những nghiệp vụ liên quan đến tài chính, chứng khoán, trong đó có nghiệp vụ chia tách cổ phiếu. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo DPM chưa có chủ trương về vấn đề này.
CTCK HSC nhận định, DPM khó có thể đưa ra bất kỳ một quyết định quan trọng nào, khi mà vấn đề Đạm Cà Mau chưa được giải quyết. Vấn đề Đạm Cà Mau có khi phải mất 12 tháng hoặc hơn để Chính phủ ký duyệt quyết toán dự án này.
Về cổ tức năm 2012, với kế hoạch được ĐHCĐ phê duyệt, HĐQT DPM đã lên phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt, nhưng cụ thể mức tạm ứng là bao nhiêu thì DPM sẽ chính thức xác nhận sau khi có sự chấp thuận của cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thời gian chi trả dự kiến trong quý III/2012.
Một số tổ chức đầu tư dự đoán, lợi nhuận năm 2012 của DPM là 2.900 tỷ đồng, nếu chia cổ tức 30% thì hết 1.140 tỷ đồng. Năm 2011, DPM đã trả 35% cổ tức bằng tiền mặt, nên năm nay, kỳ vọng DPM sẽ trả cổ tức cao hơn mức 30%.
Cũng trong 1 tháng qua, cổ phiếu PGD của CTCP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam có quãng tăng giá từ 30.000 đồng/CP lên 42.000 đồng/CP. PGD có vốn điều lệ 429 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối 382 tỷ đồng và quỹ đầu tư phát triển 429 tỷ đồng. EPS trong 6 tháng đầu năm của PGD là 8.900 đồng. Với mức giá hiện nay, P/E của PGD là 3,4 lần.
Cùng lĩnh vực kinh doanh với PGD, nhưng CTCP CNG Việt Nam (CNG) không có được kết quả kinh doanh
vượt trội như PGD xét ở chỉ tiêu EPS 6 tháng đầu năm. Lũy kế 6 tháng, CNG đạt 70 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước, do giá vốn hàng bán tăng. Tuy nhiên, mấy phiên gần đây, cổ phiếu CNG tăng lên 28.000 - 29.000 đồng/CP, sau khi lình xình quanh mức 26.000 đồng/CP trong khoảng 1 tháng trước đó.
Đáng chú ý là cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt
Với khối lượng giao dịch đột biến phiên cuối tuần, GAS có lực cầu mạnh để tiếp tục tăng giá hay các nhà đầu tư đang thoát hàng? Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm, GAS lãi sau thuế 4.886 tỷ đồng, trong đó phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ là 4.607 tỷ đồng. EPS 6 tháng đạt 2.431 đồng. Tiền và tương đương tiền cuối quý II là 11.844 tỷ đồng.
Một CTCK nhận định, với mức giá 41.600 đồng/CP, P/E năm 2012 của GAS dự kiến khoảng 10 lần, tương đối hợp lý. Tuy nhiên, GAS là cổ phiếu đáng chú ý với lượng tiền mặt lớn và nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ mua vào (dù không phải là mua ngay), khi GAS được tính trong chỉ số MSCI. Nhìn chung, đa số cổ phiếu góp phần làm nên “sóng” cổ phiếu họ dầu khí tuần qua đều là những cổ phiếu tốt, xứng đáng trở thành trụ cột cho thị trường.