Sống nhờ “quá khứ”!

Sống nhờ “quá khứ”!

(ĐTCK) Đọc báo cáo tài chính bán niên 2019 của hai nhóm doanh nghiệp có liên quan mật thiết đến nhau trên sàn niêm yết là nhóm địa ốc và nhóm xây lắp có thể thấy sự trái ngược khá rõ.

Trong khi nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn ghi nhận con số tăng trưởng khả quan bất chấp thị trường bất động sản được nhìn nhận có nhiều khó khăn, thì các doanh nghiệp thuộc ngành xây lắp lại có sự giảm tốc rõ rệt.

Báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất cho thấy, nếu như ông “anh cả” ngành xây dựng Coteccons tiếp tục kéo dài chuỗi hoạt động kinh doanh đi xuống, thì các doanh nghiệp khác như Hòa Bình, Ricons, Cotana, Cơ điện lạnh REE, CII… và một số doanh nghiệp được xem là chiếu dưới như Phục Hưng Holdings, Coma 18, PXI… cũng không lạc quan hơn là bao.

Điều này cũng khá trùng khớp với báo cáo xu hướng sản xuất - kinh doanh ngành xây dựng quý II và dự báo quý III/2019 do Tổng cục Thống kê công bố cách đây không lâu. Với số lượng mẫu khoảng 5.500 doanh nghiệp, đại diện cho khu vực doanh nghiệp có hoạt động xây dựng của 63 tỉnh, thành phố, có tới 36,4% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh khó khăn hơn so với quý I/2019.

Cũng theo kết quả khảo sát dự báo của Tổng cục Thống kê, trong quý III/2019, chỉ có 22,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn, 40,9% nghiệp nhận định giữ ổn định và 36,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

Sự kém lạc quan của nhóm ngành xây lắp này có nhiều nguyên nhân!

Trước tiên, yếu tố quan trọng nhất với ngành xây dựng là vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thì hiện đang sụt giảm. Mặc dù kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc vẫn ghi nhận con số lạc quan, tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng, hoạt động đầu tư vào các dự án bất động sản đã thực sự giảm sút.

Điều này được thể hiện rõ ở việc trong khi sức cầu nhà ở vẫn tiếp tục tăng lên, thì nguồn cung bất động sản ở hai thị trường lớn Hà Nội, TP.HCM hay một số thị trường nghỉ dưỡng như Đà Nẵng, Nha Trang… đã giảm một cách đáng kể.

Trong đó, việc Ngân hàng Nhà nước gia tăng kiểm soát chặt tín dụng cùng việc rà soát lại quy trình cấp phép các dự án bất động sản mới hiện nay là điểm mấu chốt khiến nguồn cung tắc nghẽn.

Tổng hợp nhanh từ số liệu từ Hội Môi giới bất động sản và các đơn vị nghiên cứu thị trường công bố trong thời gian vừa qua cho thấy, 6 tháng đầu năm, số dự án được cấp phép triển khai mới ở cả Hà Nội và TP.HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nói thêm, sau giai đoạn tăng trưởng nóng 2015 - 2018, các doanh nghiệp ngành xây lắp đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt là từ diễn biến bất thường của chi phí ngành này ngày một cao.

Đặc thù của ngành xây dựng là ngành bị chiếm dụng vốn cao, với việc các doanh nghiệp chỉ được thanh toán sau khi nghiệm thu, bàn giao, quyết toán và thường kéo dài 2-3 tháng tùy theo công trình hay chủ đầu tư. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất ngân hàng ngày một nhích dần lên, nên có nguy cơ đặt các doanh nghiệp vào tình trạng rủi ro tiềm ẩn nếu đòn bẩy tài chính cao.

Thêm vào đó, đối với ngành xây dựng hiện nay, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đang là bài toán hóc búa khi diễn biến giá vật liệu như xi măng, cốt thép liên tục biến thiên theo thời gian. Điều này đặt các doanh nghiệp xây lắp vào tình thế "không thể dự án nào cũng sẵn sàng làm” mà phải so đo, chọn lựa, đánh đổi tăng trưởng để duy trì sự ổn định.

Có nghĩa là nhóm doanh nghiệp này bắt đầu lựa chọn chiến lược phòng thủ!

Bằng việc chỉ tham gia những dự án lớn của các chủ đầu tư có năng lực và uy tín, các doanh nghiệp xây dựng đang cố gắng duy trì trạng thái không vay nợ nhiều và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn lưu động cao.

Với nhóm doanh nghiệp bất động sản, thực tế nhiều trường hợp cho thấy, con số lợi nhuận cao không phản ánh sự phát triển bền vững. Bởi với sự ách tắc thủ tục triển khai các dự án mới và cửa vay ngân hàng chặt hơn, một tương lai khó khăn sẽ hiện hữu với rất nhiều đơn vị.

Bởi hiện tại, họ cũng đang hưởng thụ thành quả của những dự án triển khai từ quá khứ và “của làm ra” sẽ sớm hết nếu cơ quan quản lý không có động thái cụ thể gỡ thế khó thị trường!     

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan