Các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát dù đơn hàng tăng, doanh thu tăng, nhưng giá giảm, cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt hơn.
Doanh thu tăng
Dấu ấn đậm nét nhất của ngành bưu chính trong 6 tháng đầu năm 2021 là sát cánh cùng vùng dịch tiêu thụ nông sản và đảm bảo vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Vietnam Post cho biết, 6 tháng đầu năm nay, đơn vị này đạt doanh thu hơn 13.420 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ 2020, lợi nhuận đạt gần 270 tỷ đồng. Trong đó, dịch vụ tăng trưởng cao nhất là logistics, tăng hơn 31% so với cùng kỳ. Vietnam Post chuyển phát trả thẻ căn cước công dân với 87,3 triệu bản ghi được nhập liệu thành công cùng hơn 50 triệu thẻ căn cước được chuyển phát an toàn, chính xác. Đơn vị này cũng đã hỗ trợ tiêu thụ thành công hơn 4.000 tấn vải thiều cho người dân Bắc Giang và các mặt hàng nông sản của Hải Dương, Sơn La, Đồng Tháp… và hiện bắt đầu chiến dịch tiêu thụ nhãn cho bà con Hưng Yên.
Ông Nguyễn Hải Thanh, Chủ tịch HĐTV Vietnam Post cho biết, Vietnam Post đã triển khai đào tạo tập trung và thực hiện đổi mới tổ chức sản xuất trên toàn mạng lưới, đồng thời đưa vào ứng dụng đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin MPITS, PacknSend, Ding Dong, hệ thống quản lý vận tải… nhằm tối ưu hóa các công đoạn khai thác, sản xuất, đảm bảo chất lượng dịch vụ, tiết kiệm tối đa nguồn lực và chi phí.
Một doanh nghiệp bưu chính khác là Viettel Post cũng có kết quả kinh doanh khả quan. Theo Báo cáo tài chính quý I/2021 của Viettel Post, doanh thu đạt 5.158 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 109 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2020 và đạt 22% kế hoạch lợi nhuận năm 2021. Trong đó doanh thu bán hàng tăng hơn 2,3 lần, lên 3.550 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ tăng 16%, lên 1.608 tỷ đồng.
Năm 2021, Viettel Post đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 21.420 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế 496 tỷ đồng, tăng 29,4%.
Hãng J&T Express thì cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, đơn hàng tăng nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp giao nhận như J&T. Ông Phan Bình, Giám đốc Marketing J&T Express Việt Nam thông tin: “Số lượng đơn hàng của J&T Express tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 23% so với trước khi có dịch bệnh, trong khi đó, tỷ lệ giao thành công và thời gian giao trung bình vẫn đạt ở mức cao”.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính doanh thu lĩnh vực bưu chính trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 20.000 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ). Sản lượng bưu gửi (thư, gói, kiện) đạt trên 590 triệu, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2020. Những con số trên cho thấy ngành bưu chính, chuyển phát đang hoạt động rất tốt.
Cạnh tranh khốc liệt
Các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát dù đơn hàng tăng, doanh thu tăng, nhưng giá giảm, cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt hơn. Sự gia nhập thị trường của các đại gia chuyển phát nước ngoài như BEST Inc, J&T, Tencent, Alibababa… khiến thị trường quy mô 10 tỷ USD vào năm 2030 trở nên nóng bỏng. Các tân binh này đang khuấy động thị trường bằng chiến lược thị phần và giá, đưa mô hình nhượng quyền trong kinh doanh chuyển phát nhanh đến Việt Nam, với lợi thế tốc độ mở rộng nhanh, chi phí thấp.
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post nhận định, lĩnh vực bưu chính, đặc biệt là chuyển phát sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Do đó, để giữ vững tốc độ tăng trưởng trung bình 30%, một mặt, Vietnam Post tiếp tục đẩy mạnh chiến lược số hóa bưu chính trên mạng vật lý là hệ thống bưu cục trải rộng đến tận cấp xã, thôn, bản. Mặt khác, doanh nghiệp này sẽ linh hoạt cải tiến quy trình sản xuất phù hợp với sự thay đổi của thị trường, lấy nhu cầu của khách hàng làm trọng tâm, tăng cường tần suất chuyển phát hàng hóa trên các địa bàn, nhằm tạo nên những đột phá mới về cả chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ.
Lãnh đạo Vietnam Post cho biết, đơn vị này đang tập trung phát triển 3 nhóm dịch vụ trụ cột bưu chính chuyển phát gồm dịch vụ chuyển phát truyền thống, dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử và logistics. Thời gian tới, dịch vụ thương mại điện tử sẽ tiếp tục cạnh tranh rất khốc liệt, các đơn vị cần tối ưu hóa tổ chức sản xuất, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong từng quy trình sản xuất để vừa tiết kiệm nguồn nhân lực, tiết kiệm chi phí, vừa rút ngắn thời gian chuyển phát, đảm bảo chất lượng, an toàn hàng hóa tới khách hàng.
Còn theo ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post, đã đến lúc, Viettel Post phải tái đầu tư không chỉ vào công nghệ, mà còn là hạ tầng. Tại Việt Nam, doanh nghiệp logistics nước ngoài đang kiểm soát đến 80% dòng chảy hàng hóa. Nếu chúng ta không thay đổi, vươn mình, làm chủ về công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì một ngày nào đó, doanh nghiệp Việt sẽ thua trên chính sân nhà.
Theo ông Hưng, Viettel Post sẽ không tham gia cuộc đua đốt tiền tạo đơn, nhưng các chương trình khuyến mãi, marketing chắc chắn có và sẽ vẫn xây dựng. Đồng thời, Viettel Post sẽ chuyển đổi sang mô hình số hóa bằng cách thành lập bưu cục số với ưu điểm không cần văn phòng, số hóa trên hệ thống và tự động đến người nhân viên cuối cùng.