Tại phía Nam, hầu hết các phân khúc thị trường đều tăng giá. Ảnh: Lê Toàn.

Tại phía Nam, hầu hết các phân khúc thị trường đều tăng giá. Ảnh: Lê Toàn.

Sóng ngầm đầu tư nhà đất lan tỏa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại phía Nam, dòng tiền đầu tư bất động sản đang âm thầm lan tỏa tìm kiếm cơ hội, nhất là tại các khu vực được đồn đoán sẽ trở thành trung tâm hành chính mới sau sáp nhập địa giới hành chính.

Sức cầu, giá bán đều bật tăng

Không ồn ào như những “cơn sốt” trước đó, thị trường địa ốc phía Nam đang chứng kiến sự ấm dần đều ở nhiều phân khúc, khu vực. Giá bất động sản tăng nhanh từ 20-30%, thậm chí có nơi tăng 50% so với cuối năm 2024.

“Vài tuần trở lại đây, lượng nhà đầu tư quan tâm đến bất động sản phía Nam tăng cao bất ngờ. Từ đất nền, nhà phố… đến các dự án căn hộ đều được giao dịch mạnh, giá bán liên tục thiết lập mặt bằng mới”, ông Nguyễn Hiền - một môi giới bất động sản lâu năm nói và cho biết, tại TP.HCM, nhất là khu vực TP. Thủ Đức, các sản phẩm có đầy đủ pháp lý được chào bán đều có thanh khoản nhanh. Không những thế, biên độ giá cũng tăng khá mạnh so với thời điểm cuối năm trước.

Chẳng hạn, sản phẩm nhà phố chưa hoàn thiện diện tích 7x20 m tại Khu đô thị Vạn Phúc cuối năm 2024 có giá giao dịch trung bình 25-27 tỷ đồng/căn nhưng khó bán, nhưng nay tăng lên 29-31 tỷ đồng/căn.

Hay tại dự án Đông Tăng Long (ở quận 9 cũ), nhà thô có diện tích 8x20 m cuối năm ngoái có giá 9,5-10 tỷ đồng/căn nhưng bán rất khó, thì gần đây tăng lên 12-12,5 tỷ đồng/căn. Tương tự, các dự án phân lô bán nền thuộc các phường ở xa trung tâm như Long Trường, Long Phước… cũng được săn lùng ráo riết, trong khi trước đó ế ẩm kéo dài.

Hay tại Nhơn Trạch - Đồng Nai, nơi được cho là sẽ sáp nhập vào TP.HCM, giá đất tăng nhanh trong thời gian ngắn. Một số dự án ghi nhận mức tăng 30% chỉ trong tháng 3. Có nhiều nền đất giá cuối năm 2024 là 1,7 tỷ đồng/nền, nay tăng lên 3 tỷ đồng/nền mà không có hàng để bán.

Sức cầu thị trường tăng lên rõ rệt, trong đó xuất hiện bóng dáng của nhiều nhà đầu tư phía Bắc. Tổng giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại Bình Dương cho hay, công ty ông đang nhận được nhiều “đơn hàng” từ các nhà đầu tư phía Bắc tìm kiếm các loại hình bất động sản để đầu tư, đặc biệt ưu tiên những khu vực dự kiến sáp nhập vào TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Chỉ trong vài tuần gần đây, chúng tôi đã môi giới thành công hàng chục giao dịch. Dự báo sắp tới, thị trường sẽ còn sôi động hơn khi các phương án sáp nhập địa giới hành chính chính thức được công bố”, vị tổng giám đốc này nói.

Theo ghi nhận từ các đơn vị môi giới, không chỉ TP.HCM và các khu vực giáp ranh, sức nóng thị trường đã lan tỏa xa hơn dưới hiệu ứng sáp nhập địa giới hành chính.

Ông Nguyễn Kiệt - chuyên môi giới bất động sản khu vực Tây nguyên cho biết, tại thị trường Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng, mặc dù giao dịch chưa nhiều như giai đoạn đỉnh điểm trước đó, nhưng từ sau khi cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc chuẩn bị khởi công, đặc biệt là thông tin tỉnh Bình Thuận sẽ sáp nhập vào Lâm Đồng với nhiều đồn đoán trung tâm hành chính mới có khả năng sẽ “dời đô” về Bảo Lộc, nhà đầu tư ở khắp nơi ùn ùn kéo về săn đất đón đầu, trong khi chủ đất “găm hàng” không bán, khiến giá liên tục được đẩy lên.

Người dân làm thủ tục đất đai tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Lê Toàn.

Người dân làm thủ tục đất đai tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Lê Toàn.

Hay tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Huy - Giám đốc Công ty Bất động sản Huy Nha Trang cho hay, từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều nhà đầu tư đã quay trở lại khu vực trung tâm TP. Nha Trang và lân cận như Cam Ranh, Cam Lâm… để tìm kiếm cơ hội.

Theo ông Huy, có nhiều lý do khiến bất động sản Khánh Hòa được quan tâm, ngoài thông tin sáp nhập địa giới hành chính, trong đó Nha Trang được cho là sẽ trở thành trung tâm hành chính mới, thì còn bởi Nha Trang hay Cam Ranh được biết đến là thành phố du lịch biển.

Đặc biệt là gần đây nhiều “ông lớn” bất động sản đã đầu tư mạnh vào Cam Ranh, Cam Lâm để triển khai nhiều dự án đại đô thị, dẫn đến kỳ vọng những thị trường này có nhiều tiềm năng phát triển. Ông Huy cho biết, từ đầu năm đến nay, bất động sản một số khu vực tại Cam Ranh hay phía Tây Nha Trang đã tăng 15-20% so với thời điểm cuối năm 2024.

Thị trường vào guồng quay mới

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Kinh doanh Nam Long Group nhìn nhận, trước hết, cần phải khẳng định, câu chuyện sắp xếp địa giới hành chính, mở rộng không gian phát triển sẽ tạo ra dư địa phát triển kinh tế - xã hội rất lớn cho các địa phương, bao gồm cả thị trường bất động sản.

Tuy vậy, đây cũng chỉ là chất xúc tác tạo thêm sự hưng phấn, trong khi thị trường bất động sản phía Nam thời gian qua đã tích tụ nhiều cơ hội.

Một trong số đó là tiến độ thi công các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, các tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… đã và đang thúc đẩy dòng tiền đầu tư phân bổ vào các khu vực được nhận định có nhiều tiềm năng phát triển.

“Thị trường địa ốc phía Nam đang bước vào guồng quay mới nên cơ hội là rộng mở. Tuy vậy, không phải nơi nào cũng tăng giá, mà sẽ có sự phân hóa rõ nét dựa trên nền tảng thực tế quy hoạch, tốc độ đô thị hóa, nhu cầu sử dụng thực”, bà Hương nói.

Báo cáo cập nhật thị trường của DKRA Group cho thấy, trong quý I/2025, thị trường bất động sản phía Nam ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là về sức cầu. Gần như tất cả các phân khúc đều ghi nhận sức tiêu thụ tăng cao.

Chẳng hạn, với phân khúc căn hộ, toàn khu vực có gần 2.600 căn được tiêu thụ, tăng khoảng 56% so với cùng kỳ năm trước, nhất là trong tháng 3.

Hay với phân khúc đất nền, nguồn cung tập trung chủ yếu tại Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu với tổng cộng khoảng 102 dự án được quy hoạch, nguồn cung đạt 6.536 nền (chiếm khoảng 82% tổng nguồn cung sơ cấp toàn khu vực) và lượng tiêu thụ tăng 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, diễn biến thị trường hiện nay không như những cơn sốt đất giai đoạn trước theo kiểu “nhà nhà, người người đi buôn đất” và mua bất chấp. Chỉ những dự án có quy hoạch tốt, pháp lý chuẩn chỉnh và sản phẩm có khả năng tạo ra dòng tiền mới được quan tâm và giá âm thầm tăng cao. Ngược lại, những dự án thiếu các yếu tố này vẫn rất khó ra hàng.

Ông Võ Hồng Thắng - Phó tổng giám đốc phụ trách mảng DKRA Consulting kiêm Giám đốc Đầu tư, DKRA Group cho rằng, các thông tin tích cực như việc sáp nhập một số khu vực hành chính, tiến độ hạ tầng được cải thiện, cùng các tín hiệu khả quan về kinh tế vĩ mô… đã góp phần tháo gỡ tâm lý dè dặt của nhà đầu tư. Sự cởi mở về tâm lý đầu tư đã thúc đẩy sức tiêu thụ tăng mạnh.

Tin bài liên quan