Cư dân Capital Garden căng băng rôn phản đối chủ đầu tư, Công ty Kinh Đô. Ảnh: Nguyễn Thành

Cư dân Capital Garden căng băng rôn phản đối chủ đầu tư, Công ty Kinh Đô. Ảnh: Nguyễn Thành

Sống mệt tại nhiều chung cư gắn mác cao cấp

(ĐTCK) Mua nhà với mục đích "an cư, lập nghiệp", nhưng nhiều người bỏ tiền để rước bực vào mình. Câu chuyện này không chỉ xảy ra tại các dự án nhà giá rẻ, mà còn ở cả các dự án được mệnh danh là chung cư cao cấp.

Trong nửa đầu năm nay, đường dây nóng Báo Đầu tư Bất động sản nhận được hàng chục cuộc điện thoại, đơn thư khiếu kiện của cư dân nhiều chung cư về những sai phạm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý, liên quan đến các vấn đề như điện, nước sinh hoạt, gửi xe, phí dịch vụ, sổ đỏ…

Điểm chung trong các đơn thư, phản ánh này không chỉ yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị quản lý phải khắc phục, sửa chữa sai phạm, mà còn yêu cầu cơ quan quản lý nhanh chóng vào cuộc để xử lý nghiêm các vi phạm của chủ đầu tư.

Bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu các căn hộ cao cấp với ước mơ về cuộc sống xanh, sống sang, nhưng cư dân ở nhiều chung cư phải bỏ thời gian làm việc, nghỉ ngơi để đi đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Tại Chung cư Hồ Gươm Plaza (quận Hà Đông, Hà Nội), người dân phải thay phiên nhau thức trắng đêm để trông xe ô tô vì chủ đầu tư, đơn vị quản lý ngăn không cho đưa xe xuống hầm giữ xe. Thậm chí, tại một số chung cư mới đi vào hoạt động, cư dân còn thay phiên nhau thức đêm để trông… băng rôn phản đổi chủ đầu tư, vì sợ chủ đầu tư gỡ, lại mất công làm lại…

Còn tại Chung cư Capital Garden (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Kinh Đô TCI làm chủ đầu tư, hàng trăm cư dân phải mang chiếu, loa phát thanh, đốt than tổ ong để phản đối việc chủ đầu tư xử phạt cư dân bằng những hành động như cắt điện, cắt nước hay hạn chế quyền sử dụng thang máy…

Cụ thể, sau khi một số hộ dân không chấp nhận phải đóng thêm 3 - 4 triệu đồng và 9 - 10 triệu đồng tiền điện, nước (theo phản ánh của cư dân, chủ đầu tư đã yêu cầu tạm ứng lúc bàn giao nhà và sau đó sẽ trừ dần tiếp, nhưng sau đó lại yêu cầu đóng tiếp), Kinh Đô TCI đã cắt điện nước với các hộ dân này. Chỉ đến khi có sự vào cuộc của UBND phường Phương Mai (Thanh Xuân), chủ đầu tư mới "tạm" nối lại, nhưng vẫn đưa ra thông điệp sẽ cắt điện tiếp nếu người dân không chịu làm theo.

Bức xúc trước thái độ của Kinh Đô TCI, ông Lê Văn Hòa, Trưởng ban đại diện lâm thời cư dân Chung cư Capital Garden cho biết, đã gửi đơn tố cáo lên các cấp chính quyền, yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của chủ đầu tư, từ việc bàn giao nhà không đủ điều kiện, tự ý thu điện nước trái quy định, đến việc "xé rào" biến tầng kỹ thuật thành căn hộ để bán, khiến dự án độn thêm tới hơn 120 căn hộ và cư dân có nguy cơ không được cấp sổ đỏ vì không đúng thiết kế.

Không chỉ Capital Garden, tại rất nhiều chung cư cao cấp trên địa bàn Hà Nội, cư dân cũng rơi vào tình cảnh khổ ải. Trước Capital Garden, các cư dân của Home City Trung Kính, Golden West Lê Văn Thiêm, Hồ Gươm Plaza, Keangnam, Capital Garden, New Horizon…, cũng phải "vỡ mộng" với cuộc sống trong mơ, tiện ích đầy đủ, dịch vụ đẳng cấp…, mà các chủ đầu tư vẽ ra khi mở bán. Nhiều cư dân sau thời gian dài đấu tranh với chủ đầu tư, đã phải thốt lên rằng: "Mua chung cư cao cấp, nhưng sống khổ hơn cả khu tập thể cũ!".

Dù sống khổ, nhưng hiện nhiều người không thể chuyển đi chỗ khác, vì chung cư đã dính tai tiếng như thế, nên khó tìm được người mua để chuyển chỗ ở.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, tình trạng tranh chấp giữa các chung cư đang ngày càng nhiều, đặc biệt là các chung cư cao cấp. Một phần đây là từ hệ quả của những năm trước đây khi thiếu đi các tiêu chuẩn phân hạng chung cư cần thiết, dẫn đến việc chạy theo lợi nhuận, chủ đầu tư đã tự "thổi" dự án của mình lên thành chung cư cao cấp thông qua các lời quảng cáo. Điều này theo ông Đính, hy vọng sẽ giảm bớt hoặc chấm dứt trong thời gian tới, khi các quy định về siết chặt về chất lượng chung cư được đưa vào thực thi.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan