Trong đó, có hai thương vụ đáng chú ý là BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần, tương ứng 15% vốn điều lệ Ngân hàng và CMC chào bán 25 triệu cổ phần cho Samsung SDS với giá chào bán không thấp hơn 30.000 đồng/cổ phiếu, để sở hữu hơn 27% cổ phiếu CMG, trở thành cổ đông lớn nhất tại Công ty.
Cả hai mã chứng khoán đều có những bước tăng trưởng về giá tích cực trước những chuyển động trong việc có đối tác chiến lược nước ngoài. Hiện thị giá cổ phiếu BID đứng ở mức 35.750 đồng/cổ phiếu, cao hơn 6,3% so với mức giá dự kiến bán cho đối tác KEB Hana Bank. So với hồi đầu tháng, cổ phiếu BID đã tăng tới 13%.
Còn CMG, từ năm ngoái, khi có tin đối tác Samsung bỏ vốn vào doanh nghiệp, thị giá cổ phiếu này đã có bước tăng ngoạn mục, có lúc chạm 40.000 đồng/cổ phần. Samsung SDS là công ty dịch vụ công nghệ thông tin và logistics của Tập đoàn Samsung. Thông qua đợt phát hành này, CMC dự kiến sẽ huy động khoảng 750 tỷ đồng phục vụ việc mở rộng đầu tư.
Trong buổi lễ công bố đối tác chiến lược dự kiến diễn ra cuối tuần này, thị trường sẽ có thêm câu trả lời liệu đối tác Hàn Quốc có kế hoạch gia tăng sở hữu tại CMC để đưa tập đoàn này ra khu vực và vươn lên mạnh mẽ trên toàn cầu.
Trước đó, thị trường đã dậy sóng với những thương vụ tỷ USD khi Tập đoàn SK Hàn Quốc chi 1 tỷ USD để sở hữu 6% cổ phần của Vingroup (VIC) thông qua mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ VIC và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce, với giá trung bình 113.000 đồng/cổ phiếu.
Cũng chính SK vào tháng 9/2018 đã bỏ ra 470 triệu USD để mua lại toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan, tương ứng 9,5% cổ phần. SK Enegy, một công ty trong hệ sinh thái SK có thể đã rót thêm hàng trăm triệu USD nữa, tương đương 9.000 tỷ đồng, để sở hữu 44,72% vốn cổ phần của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) nếu kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược của PVOIL được Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện.
Có thể kể đến nhiều cái tên khác đến từ xứ Hàn hiện diện trong các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam. Chẳng hạn, tại Traphaco, doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu, Tập đoàn Daewoong và các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc đã sở hữu gần 49% vốn.
Hay tại Công ty cổ phần Ðầu tư và thương mại TNG, Asam Việt Nam, công ty quản lý quỹ có quy mô vốn chừng 1 tỷ USD huy động từ các nhà đầu tư Hàn Quốc đã rót hơn 200 tỷ đồng thông qua trái phiếu có quyền chuyển đổi.
Mua nhanh, quyết định nhanh, các nhà đầu tư Hàn Quốc có vẻ như đang lấn lướt trên thị trường M&A Việt Nam. Họ bạo chi và đang có nguồn vốn dồi dào nếu tìm được cơ hội ở Việt Nam. Ông Lee Choong Hwan, đến từ MAGBI Fund cho biết, khoảng 3.000 chuyên gia của quỹ này trên khắp thế giới đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư, trong đó quan tâm lớn tới Việt Nam. Có doanh nghiệp tốt thì không lo thiếu vốn đầu tư.
Còn ông Hubert Kim, Tổng giám đốc Asam Việt Nam, cũng không ngần ngại nói rằng, các khách hàng của Asam có kế hoạch đầu tư 1/3 số vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Các nhà đầu tư Hàn Quốc rất chuộng thị trường Việt Nam do tính ổn định của môi trường vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng có thể cải thiện của doanh nghiệp.
Sự sẵn sàng của dòng vốn ngoại là rất rõ ràng, điều còn lại là khả năng tận dụng dòng vốn đó để các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên và gia tăng năng lực cạnh tranh. Muốn vậy, chắc chắn các bên phải sống hòa hợp sau M&A và hơn ai hết, giới quản trị, quản lý doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược thích ứng phù hợp.
Có những thương vụ kể từ khi rót vốn đến thời điểm này, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã bay mất gần 1/3 giá trị do thị trường chứng khoán giảm điểm và giá cổ phiếu sụt giảm mạnh. Nhưng có hề chi, đối với họ, như lời đại diện Tập đoàn Daewoong chia sẻ, bỏ vốn vào doanh nghiệp Việt Nam là cuộc chơi đường dài và phần thưởng sẽ dành cho người kiên trì và đồng hành trong hoạt động với doanh nghiệp Việt.