Biwase mở rộng địa bàn hoạt động
Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã chứng khoán BWE) đã thông qua kế hoạch mua 50 - 100% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An, Công ty cổ phần Công trình Đô thị Châu Thành, Công ty cổ phần Công trình Đô thị Cần Giuộc, Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bằng Tâm, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình.
Theo đó, nếu giao dịch thành công, Biwase sẽ ghi nhận đầu tư vào 5 công ty con, thực hiện hợp nhất và mở rộng hệ sinh thái cấp nước sang tỉnh Long An và Quảng Bình.
Trong danh sách trên, có 3 công ty nằm trong hệ sinh thái DNP Holding (tên cũ là Nhựa Đồng Nai, mã chứng khoán DNP) là Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An, Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình, Công trình Đô thị Châu Thành, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 87,98%, 89,9%, 96,06%.
Trong đó, Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An có vốn điều lệ 786,29 tỷ đồng, sở hữu Nhà máy nước Nhị Thành, công suất thiết kế 60.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho nhiều khu vực thuộc tỉnh Long An.
DNP Holding hiện có 15 nhà máy sản xuất nhựa và nước sạch, tổng công suất các sản phẩm nhựa là 8.500 tấn/tháng và 700.000 m3 nước sạch/ngày đêm.
Như vậy, Biwase chủ yếu thâu tóm các doanh nghiệp cấp nước trong hệ sinh thái của DNP Holding để mở rộng địa bàn hoạt động sang các tỉnh khu vực phía Nam.
Trước đó, tháng 4/2022, Biwase công bố đã mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ (mã chứng khoán CTW) và Công ty cổ phần Cấp nước Cần Thơ 2, với giá trị đầu tư tính đến 31/12/2022 là 303,26 tỷ đồng. Đồng thời, nhân sự cấp cao của Biwase đã tham gia vào việc điều hành tại hai công ty trên.
Tính đến cuối năm 2022, Biwase sở hữu 31,52% vốn tại Cấp nước Gia Tân (Đồng Nai), 48,86% vốn tại Cấp nước Cần Thơ 2 (Cần Thơ), 24,64% vốn tại Cấp thoát nước Cần Thơ (Cần Thơ), 18,53% vốn tại Cấp nước Đồng Nai (Đồng Nai)…
Với tham vọng trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực cấp nước ở khu vực phía Nam, Biwase tiếp tục lên kế hoạch M&A các công ty cùng ngành ở Long An, Bình Phước, Bến Tre…
Cấp nước Đồng Nai mở rộng hệ sinh thái
Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai đã thông qua kế hoạch nhận thêm 2,5 triệu quyền mua cổ phiếu Công ty cổ phần Cấp nước Gia Tân, với giá 4.000 đồng/1 quyền mua, thời gian dự kiến trong quý I và quý II/2023.
Tính tới 31/12/2022, Cấp nước Đồng Nai sở hữu 25% vốn tại Cấp nước Gia Tân, tương đương giá trị đầu tư 50 tỷ đồng, dự phòng giảm giá 12,85 tỷ đồng.
Cấp nước Gia Tân thành lập ngày 1/11/2016, trụ sở tại Đồng Nai, hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác lọc nước phục vụ sinh hoạt, đô thị, công nghiệp, lắp đặt trạm bơm, xây dựng đường ống cấp thoát nước, người đại diện theo pháp luật gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Tuấn và Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thiền.
Đáng lưu ý, ông Nguyễn Văn Thiền đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase, đơn vị sở hữu 31,52% vốn tại Cấp nước Gia Tân. Thêm nữa, Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (mã chứng khoán TDM) đang sở hữu 37,42% vốn điều lệ tại Biwase, sở hữu 20,9% vốn tại Cấp nước Gia Tân và sở hữu 12,06% vốn tại Cấp nước Đồng Nai.
Như vậy, Nước Thủ Dầu Một là công ty sở hữu chéo nhiều doanh nghiệp cấp nước ở Đồng Nai, Bình Dương…, thông qua sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp qua Biwase.
Biwase có cổ đông chiến lược là Nước Thủ Dầu Một, với tỷ lệ sở hữu 37,42% vốn điều lệ.
Tham vọng của Biwase đồng thời là tham vọng của Nước Thủ Dầu Một Nước Thủ Dầu Một được thành lập năm 2013, ngành nghề chính là kinh doanh nước sạch, hiện có vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Ban đầu, Công ty có 4 cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH một thành viên Cấp nước - Môi trường Bình Dương (hiện tại là Biwase), Công ty TNHH Thương mại N.T.P, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật D&B, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quỳnh Phúc, với cam kết nắm giữ tối thiểu 3 năm sau khi thành lập.
Là công ty được góp vốn bởi Biwase, nhưng Nước Thủ Dầu Một từng bước trở thành cổ đông lớn nhất tại Biwase, với tỷ lệ sở hữu 37,42% vốn điều lệ.
Nhìn lại thời điểm thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2016, Biwase quản lý vận hành các hệ thống cấp nước và nhà máy nước với tổng công suất 200.000 m3/ngày đêm; tổng lượng rác tiếp nhận và xử lý là 618.270 tấn, trung bình 1.693 tấn/năm; vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng; tổng tài sản 8.724,8 tỷ đồng.
Cũng tại thời điểm đó, Nước Thủ Dầu Một có tổng công suất 130.000 m3/ngày đêm (tháng 2/2017), vốn điều lệ 347,8 tỷ đồng, tổng tài sản 1.445 tỷ đồng.
Như vậy, thời điểm Nước Thủ Dầu Một trở thành cổ đông chiến lược, Biwase có vốn điều lệ gấp 4,3 lần, tổng tài sản gấp 6 lần và công suất nhà máy nước gấp 1,5 lần.
So về công suất các nhà máy, quy mô vốn điều lệ và tài sản thì Nước Thủ Dầu Một nhỏ hơn nhiều Biwase. Tuy nhiên, Nước Thủ Dầu Một đã trở thành cổ đông chiến lược, cổ đông lớn nhất tại Biwase.
Quay trở lại với câu chuyện M&A trong lĩnh vực cấp nước của Biwase, có thể thấy, đứng sau Biwase cũng chính là Nước Thủ Dầu Một, tham vọng của Biwase đồng thời là tham vọng của Nước Thủ Dầu Một, đó là thống lĩnh thị phần cấp nước khu vực các tỉnh phía Nam.
Biwase hiện có vốn điều lệ 1.929,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 4.537,7 tỷ đồng, tổng tài sản 9.987,1 tỷ đồng. Trong năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất 3.483,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ 742,7 tỷ đồng, tương ứng lãi cơ bản trên cổ phiếu 3.195 đồng.
Nước Thủ Dầu Một hiện có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.040,8 tỷ đồng, tổng tài sản 2.404,4 tỷ đồng. Trong năm 2022, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 478,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 220,4 tỷ đồng, tương ứng lãi cơ bản trên cổ phiếu là 2.028 đồng.