Nhiều thương vụ “khủng” đã lộ diện
Trong số hơn chục ngân hàng lên kế hoạch tổ chức họp đại hội đồng cổ đông từ nay đến cuối tháng 4/2018, có tới gần một nửa ngân hàng đang đàm phán hoặc gần như hoàn tất kế hoạch bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.
Cuối tuần này (ngày 21/4), BIDV, VietinBank và PG Bank đồng loạt tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Điểm chung của 3 ngân hàng này đang được cổ đông ngóng đợi là thông tin về các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A).
Dù không “kết duyên” với PG Bank, song VietinBank khó tránh sáp nhập nếu muốn nhanh chóng tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp ước Basel II. Hiện tại, hệ số an toàn vốn của ngân hàng này gần như đã chạm đáy, trong khi dư địa thực hiện các phương án khác để tăng vốn không còn nhiều.
Với PG Bank, dù thất bại trong thương vụ M&A với VietinBank, song nhiều khả năng, ngân hàng này phải quyết phương án M&A trong năm nay. Trước mắt, mới chỉ MB thừa nhận “tìm hiểu” PG Bank, song theo nguồn tin của Báo Đầu tư, PG Bank đang được nhiều đối tác quan tâm, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thương vụ khủng nhất được thị trường ngóng đợi là thuộc BIDV. Hiện BIDV là ngân hàng TMCP nhà nước duy nhất vẫn còn nguyên “room” vốn ngoại và tỷ lệ sở hữu nhà nước vẫn chiếm trên 95%. Giá cổ phiếu này đã tăng gấp đôi so với tháng 9/2017.
Dù BIDV chưa hé lộ thông tin nào, song theo xác nhận của ông Lê Việt Dũng, Phó trưởng ban Giám sát tài chính tổng hợp quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), Ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc đang chuẩn bị mua cổ phần của BIDV. Nhiều khả năng, KEB Hana sẽ mua 15% cổ phần BIDV.
Trong khi đó, 2 ngân hàng khác sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông vào tuần sau, đó là NCB và VCB. Các ngân hàng này đang khẩn trương đàm phán với đối tác chiến lược nước ngoài và đều đặt mục tiêu chốt thương vụ trước ngày 30/6/2018.
Theo thông tin từ ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT VCB, phương án phát hành riêng lẻ bán 10% vốn cho đối tác ngoại của VCB đã được Chính phủ đồng ý.
Về phần mình, nguồn tin từ NCB cho hay, trong số các nhà đầu tư ngoại tìm hiểu NCB, ngân hàng này đã chọn 3 đối tác tiềm năng để đưa vào vòng chung kết. Mục tiêu của Ngân hàng đặt ra là sẽ “chốt” một trong 3 đối tác này trước ngày 30/6/2018 để soát xét, đàm phán các điều kiện trở thành cổ đông chiến lược.
Nhà đầu tư ngoại săn IPO ngân hàng Việt
Không chỉ vào thị trường Việt Nam bằng con đường M&A hoặc trở thành nhà đầu tư chiến lược, thời gian gần đây, nhiều quỹ đầu tư ngoại săn đón cổ phiếu ngân hàng Việt thông qua các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và các thương vụ chào bán vốn khác.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, GIC và Dragon Capital đang đàm phán để sở hữu cổ phiếu Techcombank trong đợt IPO tới đây. Tương tự, dù room sở hữu của vốn ngoại còn lại không nhiều, song cổ phiếu TPBank cũng đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho vào tầm ngắm. Trước đó, hàng chục nhà đầu tư ngoại đã tranh mua cổ phiếu của VPBank và HDBank trong đợt phát hành của các ngân hàng này.
Theo nhận định của các chuyên gia, lợi nhuận thời hoàng kim quay trở lại, nợ xấu được xử lý khả quan, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt… đang khiến cổ phiếu ngân hàng Việt trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Các đợt IPO, chào sàn của các ngân hàng Việt thời gian qua thu hút được lượng lớn nhà đầu tư ngoại, với lượng đăng ký mua cao gấp nhiều lần lượng chào bán, nên giá mua cũng cao.
Hầu hết các nhà đầu tư ngoại quan tâm các đợt chào bán của ngân hàng Việt đều là nhà đầu tư “cá mập”, như GIC, Dragon Capital, VinaCapital, Deutsche Bank AG, Deccan, JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank, Clermont, Charlemagne, PYN Elite…
Khuyến cáo nhà đầu tư về cách thức gia nhập thị trường tài chính Việt Nam, đại diện Công ty luật Lee & Ko Law Firm (Hàn Quốc) cho rằng, thị trường tài chính Việt Nam rất tiềm năng, trong khi việc xin giấy phép thành lập ngân hàng mới rất khó.
Chính vì vậy, góp vốn mua cổ phần hoặc tìm cách mua lại 100% vốn những ngân hàng yếu kém là cơ hội tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Nhận định về làn sóng đầu tư vốn ngoại vào lĩnh vực ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay đang tốt hơn rất nhiều so với thời gian trước đây, nên việc nhà đầu tư ngoại quan tâm là điều dễ hiểu.
Ở một khía cạnh khác, bản thân các ngân hàng trong nước cũng không thể chây ỳ tăng vốn như trước, bởi từ năm 2018, hàng loạt quy định mới của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực.
Theo đó, nhiều chỉ tiêu an toàn vốn bị siết chặt, dòng tiền mua bán cổ phần ngân hàng cũng bị giám sát, đảm bảo tiền mua cổ phần ngân hàng là tiền tươi thóc thật.