Sóng kết quả kinh doanh quý III giúp chứng khoán vượt qua tin xấu từ Trung Quốc

Sóng kết quả kinh doanh quý III giúp chứng khoán vượt qua tin xấu từ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kỳ vọng vào mùa báo cáo quý III mạnh mẽ từ các công ty lớn giúp phố Wall đảo chiều khởi sắc sau khi lao dốc vào đầu phiên ngày thứ Hai (18/10).

Chứng khoán Mỹ khởi đầu tuần mới trong sắc đỏ sau khi Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III chỉ đạt 4,9%, thấp hơn dự báo và thấp hơn nhiều so với quý trước trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng, bao gồm khủng hoảng năng lượng và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặt khác, sản lượng công nghiệp của Mỹ giảm trong tháng 9 do hạn chế về nguồn cung tiếp tục cản trở hoạt động sản xuất. Sản lượng công nghiệp giảm 0,7%, mức giảm lớn thấp nhất kể từ tháng 02/2021%, theo dữ liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố.

Tuy nhiên, kỳ vọng vào một mùa báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan trở thành động lực giúp thị trường đổi chiều trong phiên. Cho đến nay, có 41 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III và 80% trong số này có EPS vượt kỳ vọng, dữ liệu từ FactSet cho thấy.

Còn theo dữ liệu của Refinitiv, kết quả kinh doanh đáng kinh ngạc của các ngân hàng lớn trong tuần trước đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho mùa báo cáo quý III và các công ty thuộc S&P 500 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 32% so với cùng kỳ.

Ngày mai, Netflix, Johnson & Johnson, United Airlines và Procter & Gamble là những tên tuổi lớn sẽ công bố báo cáo tài chính. Tiếp đó trong tuần sẽ đến lượt Tesla, Verizon, Baker Hughes và IBM.

FAANG, bộ ngũ quyền lực của thị trường chứng khoán Mỹ, bao gồm Facebook, Apple, Amazon.com, Netflix, Alphabet và Microsoft Corp là những cổ phiếu đáng chú ý trong phiên.

Cổ phiếu Apple đóng cửa tăng 1% sau khi hãng trình làng máy tính xách tay macbook mới với chip xử lý mạnh mẽ hơn.

Cổ phiếu Facebook tăng vọt hơn 3% với bản kế hoạch tạo ra 10.000 việc làm ở châu Âu để giúp xây dựng thế giới trực tuyến được gọi bằng cái tên “metaverse”.

S&P 500 và Nasdaq Composite đóng cửa trong sắc xanh, trong khi Dow Jones giảm nhẹ. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures, Nasdaq Futures cũng đang leo dốc.

Kết thúc phiên 18/10, chỉ số Dow Jones giảm 36,15 điểm (-0,1%), xuống 35.258,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,09 điểm (+0,34%), lên 4.486,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 124,47 điểm (+0,84%), lên 15.021,81 điểm.

Chứng khoán châu Âu chìm trong sắc đỏ trong phiên ngày thứ Hai sau khi dữ liệu tăng trưởng yếu kém của Trung Quốc được công bố và cổ phiếu các hãng xa xỉ bị ảnh hưởng lớn nhất. Trong khi đó, giá cả hàng hóa tăng không ngừng làm dấy lên lo lắng về lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát.

Kết thúc phiên 18/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 30,20 điểm (-0,42%), xuống 7.203,83 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 112,89 điểm (-0,72%), xuống 15.474,47 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 54,42 điểm (-0,81%), xuống 6.673,10 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ do các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế trong quý III thấp hơn dự báo.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, dẫn đầu là cổ phiếu năng lượng và vật liệu, bất chấp dữ liệu cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc quý III đạt mức thấp nhất trong một năm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, kết thúc đợt tăng kéo dài 3 phiên sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế tồi tệ, trong khi giá dầu tăng cũng gây ra lo ngại lạm phát.

Kết thúc phiên 18/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 43,17 điểm (-0,15%), xuống 29.025,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,23 điểm (-0,12%), xuống 3.568,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 78,79 điểm (+0,31%), lên 25.409,75 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 8,38 điểm (-0,28%), xuống 3.006,68 điểm.

Giá vàng đêm qua tiếp tục đi xuống trong bối cảnh USD đang hấp dẫn hơn và lãi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1.627% trong phiên đêm qua.

Kết thúc phiên 18/10, giá vàng giao ngay giảm 2,90 USD (-0,16%), xuống 1.764,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,60 USD (-0,15%), xuống 1.765,70 USD/ounce.

Giá dầu diễn biến trái chiều trong phiên đầu tuần trong bối cảnh sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 9 giảm, bên cạnh dữ liệu yếu kém từ nền kinh tế Trung Quốc, dấy lên lo ngại nhu cầu nhiên liệu giảm theo.

Sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn giảm mạnh nhất trong 7 tháng do tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu liên tục làm suy giảm sản lượng xe có động cơ, thêm dấu hiệu cho thấy những hạn chế về nguồn cung đang cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Mặt khác, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng khai thác từ các bể đá phiến của Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng trong tháng 11.

Sản lượng dầu từ lưu vực Permi ở Texas và New Mexico dự kiến ​​sẽ tăng 62.000 thùng/ngày lên 4,8 triệu thùng/ngày vào tháng tới. Tổng sản lượng dầu từ bảy hệ thống đá phiến chính dự kiến ​​sẽ tăng 76.000 thùng/ngày lên 8,29 triệu thùng/ngày trong tháng.

Kết thúc phiên 18/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,16 USD (+0,19%), lên 83,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,53 USD (-0,6%), lên 84,33USD/thùng.

Tin bài liên quan