Các quỹ đầu tư trái phiếu ghi nhận lợi nhuận trong năm 2022, còn các quỹ đầu tư cổ phiếu đều lỗ lớn.

Các quỹ đầu tư trái phiếu ghi nhận lợi nhuận trong năm 2022, còn các quỹ đầu tư cổ phiếu đều lỗ lớn.

“Sóng gió” quỹ đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cả quỹ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu đều chịu nhiều áp lực trong năm qua khi thị trường chứng khoán lao dốc, kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong năm mới.

Quỹ đầu tư cổ phiếu lỗ lớn

2022 là một trong những năm khó khăn nhất đối với thị trường chứng khoán nói chung và các quỹ đầu tư nói riêng, chỉ số VN-Index giảm trên 32%, thuộc nhóm các chỉ số giảm điểm mạnh nhất trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, các quỹ mở đầu tư cổ phiếu không tránh khỏi thua lỗ. Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 11, Quỹ VEIL ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 37,3%, Quỹ Lumen Vietnam Fund lỗ 29,7%.

Tuy nhiên, theo thống kê của Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), trong số 16 quỹ mở cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, 13 quỹ có tỷ suất lợi nhuận âm ít hơn VN-Index trong 11 tháng đầu năm 2022.

Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ IPA (IPAAM) cho biết, 2022 là một năm chính sách tiền tệ khắp nơi trên thế giới đều thắt chặt. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã dẫn đầu đợt thắt chặt tiền tệ khiến các kênh tài sản từ cổ phiếu, trái phiếu, vàng, tiền điện tử… đều giảm giá. Việt Nam cũng diễn ra một số đợt nâng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của đồng nội tệ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ, hút ròng một lượng tiền quy mô khoảng 600.000 tỷ đồng.

Hiện tượng cả hai thị trường cổ phiếu và trái phiếu đều giảm giá xuất hiện trong năm 2022, khiến cộng đồng nhà đầu tư bỡ ngỡ.

“Hiện tượng cả hai thị trường cổ phiếu và trái phiếu đều giảm giá cũng xuất hiện ở Việt Nam, tương tự như các thị trường khác trên toàn cầu, nhưng là sự kiện hiếm gặp khiến cộng đồng nhà đầu tư bỡ ngỡ. Do không quen với việc trái phiếu bị giảm giá khi lãi suất tăng, có hiện tượng các nhà đầu tư rút bớt tài sản phân bổ tại các quỹ mở trái phiếu trong năm vừa qua”, ông Hoàng nói.

Trong khi đó, ông Phạm Lê Duy Nhân, Trưởng phòng Quản lý danh mục VCBF cho hay, các quỹ mở đầu tư toàn phần hoặc một phần vào trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua những tháng cuối năm 2022 không mấy yên ả khi nhà đầu tư đồng loạt rút ròng, chủ yếu do vấn đề niềm tin sau khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp xảy ra những biến cố liên quan đến những nhà phát hành kém chất lượng.

Hiện tượng bán tháo chứng chỉ quỹ trái phiếu đã dẫn đến việc các quỹ để đáp ứng nhu cầu rút tiền của nhà đầu tư phải thanh lý các món trái phiếu có ở trong danh mục với mức chiết khấu cao, trong điều kiện thanh khoản toàn hệ thống đang thiếu hụt. Điều này dẫn đến thiệt hại cho những nhà đầu tư của quỹ trái phiếu.

Theo ông Nhân, hầu hết các quỹ mở trái phiếu đều phải tuân thủ các giới hạn đầu tư nghiêm ngặt (ví dụ, chỉ được đầu tư không quá 10% vào trái phiếu phát hành riêng lẻ) và duy trì một danh mục đa dạng các khoản trái phiếu đã được thẩm định kỹ về hoạt động kinh doanh, dòng tiền trả nợ, cũng như tài sản đảm bảo (nếu có) của nhà phát hành.

Do đó, đầu tư vào quỹ mở trái phiếu thường có mức độ rủi ro thấp hơn so với việc nhà đầu tư cá nhân tự đầu tư vào các trái phiếu. Gần đây, tâm lý nhà đầu tư nói chung đã ổn định trở lại và việc bán tháo chứng chỉ quỹ trái phiếu không còn diễn ra.

Tính đến ngày 27/12/2022, Quỹ đầu tư trái phiếu VCBF đạt tỷ suất lợi nhuận 6,95%. Về quỹ đầu tư cổ phiếu, Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng VCBF có tỷ suất lợi nhuận âm 22,4%, Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF có tỷ suất lợi nhuận âm 19,7%.

Kỳ vọng 2023 sẽ khởi sắc

Theo VCBF, triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn rất sáng, nhưng có một số yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến kinh tế năm 2023 cần phải theo dõi.

Thứ nhất, chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ chưa kết thúc. Có những ý kiến kỳ vọng, chính sách này sẽ chấm dứt trong quý I/2023, nhưng VCBF cho rằng, thời điểm chấm dứt là trong năm 2023, mà chưa rõ quý nào.

Thứ hai, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine chưa biết sẽ kết thúc như thế nào và tiếp tục ảnh hưởng ra sao đến kinh tế thế giới.

Thứ ba, kinh tế Trung Quốc và kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại, khiến nhu cầu ở nước lớn này và nhiều nước khác suy giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Liên quan đến Trung Quốc, nếu nước này dỡ bỏ chính sách zero-Covid, qua đó mở cửa trở lại, thì nhu cầu dự kiến sẽ tăng đột biến, cả về hàng hóa và du lịch, góp phần giúp hoạt động xuất khẩu và ngành du lịch Việt Nam khởi sắc.

Nhiều ý kiến kỳ vọng, với những động thái quyết liệt của Chính phủ, năm 2023, đầu tư công sẽ là một trong những yếu tố vừa giúp cho tăng trưởng kinh tế, vừa giúp tăng cung tiền trong nền kinh tế và tăng thanh khoản trên thị trường ngân hàng. Theo đó, thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến khả quan hơn.

Ông Petri Deryng, nhà quản lý Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund dự báo, VN-Index sẽ chuyển động cùng nhịp với tăng trưởng kinh tế Việt Nam và mức tăng lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp niêm yết. Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ nhất.

“Hiện tại, cổ phiếu đang rất rẻ và tôi muốn xác định xem VN-Index có thể đạt mức cao như thế nào dựa trên định giá hợp lý trong vài năm tới, hơn là việc đoán đáy”, ông Petri Deryng nói.

Ông Cao Minh Hoàng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam và tâm lý có phần lạc quan hơn các nhà đầu tư trong nước.

“Năm 2023, tôi dự báo có nhiều dòng tiền mới tham gia vào kênh đầu tư chứng khoán, tạo nên sự hấp dẫn và dư địa tăng trưởng tốt vào 6 tháng cuối năm. Gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự quay lại của nhà đầu tư nước ngoài với lượng mua ròng rất lớn. Dòng vốn FII từ châu Mỹ, châu Âu và châu Á đều đổ về Việt Nam, đặc biệt tập trung vào 2 tháng cuối năm 2022, khi chỉ số VN-Index giảm xuống dưới 1.000 điểm. Sự sôi động này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2023”, ông Hoàng chia sẻ.

Tin bài liên quan