Ngành ngân hàng đã chứng kiến làn sóng hạ lãi suất mạnh nhất và toàn diện nhất trong thập kỷ qua

Ngành ngân hàng đã chứng kiến làn sóng hạ lãi suất mạnh nhất và toàn diện nhất trong thập kỷ qua

Sóng giảm lãi suất dồn dập

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất huy động của các nhà băng tiếp tục phá đáy lịch sử, khi lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đã xuống dưới mức 2%/năm.

Thanh khoản dồi dào hỗ trợ giảm lãi suất

Chưa năm nào mà vào trung tuần tháng Chạp, các nhà băng lại hạ lãi suất huy động như năm nay. Nhu cầu tiền mặt để chi tiêu, thanh toán của cá nhân và tổ chức thường tăng vọt trước Tết Nguyên đán, nên để đảm bảo thanh khoản, các ngân hàng thường phải tăng lãi suất tiết kiệm để huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong giai đoạn này. Nhưng năm nay, quy luật đó không lặp lại.

Ngày 17/1, VietinBank, BIDV và Agribank đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Cụ thể, mức lãi các khoản tiền gửi dưới 12 tháng tại VietinBank và BIDV hạ thêm 0,7%/năm so với cuối năm ngoái. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng về 1,7%/năm; 3 tháng là 2,2%/năm và 6-9 tháng là 3,2%/năm.

Agribank cũng hạ lãi suất huy động từ 0,2 - 0,4%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, về 1,8 - 3,2%/năm. Trong lần điều chỉnh này, Agribank cũng giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5%/năm. Đối với kỳ hạn 24 tháng trở lên, lãi suất cũng được duy trì ở mức 5,3%.

Trước đó, ngày 12/1, Ngân hàng Vietcombank đã thay đổi biểu lãi suất huy động, giảm lãi suất 0,2%/năm với kỳ hạn 3 - 9 tháng và 0,1%/năm cho tiền gửi 12 tháng. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 9 tháng tại Vietcombank là từ 1,7 - 3%/năm, còn 12 tháng là 4,7%/năm.

Đà giảm lãi suất không chỉ đến từ các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối, mà từ cả các ngân hàng thương mại tư nhân. Từ đầu tháng 1/2024 đến nay, các ngân hàng BaoViet Bank, GPBank, Eximbank, SHB, BacA Bank, KienLong Bank, LPBank, OCB, VIB, TPBank, ABBank, NCB, VietA Bank, PVCombank, HDBank, VietBank, Techcombank… đồng loạt giảm lãi suất. Đáng chú ý, OCB, KienlongBank, NCB, VietA Bank, GPBank, SHB, VIB đã có lần thứ hai giảm lãi suất kể từ đầu tháng 1.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 9 tháng tại Vietcombank từ 1,7-3%/năm, còn 12 tháng là 4,7%/năm.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận xét, mặt bằng lãi suất huy động vốn VND đã chứng kiến sóng giảm mạnh và toàn diện nhất trong 10 năm gần đây, với mức giảm khoảng 4 - 5%/năm tại dải kỳ hạn trên 6 tháng và khoảng 2 - 3%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng. Chênh lệch giữa lãi suất kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài (12 tháng và 6 tháng) cũng có xu hướng thu hẹp mạnh từ mức 0,6%/năm thời điểm đầu năm 2023 về mức 0,4%/năm hiện tại.

Theo lãnh đạo BIDV, có nhiều yếu tố hỗ trợ đà giảm của lãi suất huy động. Thứ nhất, chính sách tiền tệ dịch chuyển theo xu hướng nới lỏng rõ nét hơn thông qua các công cụ lãi suất điều hành, thị trường mở... là một trong những nhân tố chính góp phần cải thiện mức độ dồi dào của thanh khoản. Thứ hai, tương quan giữa huy động vốn và tín dụng có xu hướng mở rộng trở lại sau năm 2022 co hẹp mạnh mẽ. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng tín dụng khó khăn trong bối cảnh sức cầu nền kinh tế suy yếu và rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng.

“Tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 vẫn thấp hơn mức 14,26% giai đoạn cuối năm 2022. Trong khi đó, huy động vốn, đặc biệt là huy động vốn VND lại ghi nhận đà tăng trưởng tích cực hơn so với năm ngoái nhờ xu hướng nới lỏng của chính sách tiền tệ. Ước tính cả năm 2023, tăng trưởng huy động vốn ở mức 13%, tương đương mức tăng trưởng tín dụng nhưng cải thiện mạnh so với mức tăng 7,7% của năm 2022”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.

Đáng chú ý, cũng theo vị này, thanh khoản đã cải thiện mạnh trên nền hệ thống cũng chịu áp lực thu hẹp ở một số thời điểm, đặc biệt trong những giai đoạn tỷ giá biến động mạnh khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong việc điều tiết cung tiền và hút tín phiếu trở lại. Ngoài ra, hiện tượng ứ đọng ở kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước vẫn còn kéo dài cũng là yếu tố làm giảm bớt mức độ dồi dào, thông suốt của thanh khoản VND.

Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị ngành ngân hàng ngày 8/1, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của dân cư và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Năm 2023, tiền gửi của khu vực dân cư và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng, mức tăng cao nhất từ trước đến nay, cao gần gấp đôi so với năm 2022. Riêng quý IV, lượng tiền gửi tăng trên 800.000 tỷ đồng.

Quý II, lãi suất điều hành khả năng giảm 0,5%/năm

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nói: “Dự báo việc nới lỏng tiền tệ có thể sắp kết thúc do kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ giữ nguyên, mặc dù việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra”.

Còn ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, bên cạnh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cùng với việc duy trì thanh khoản VND dồi dào, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp.

“Với triển vọng toàn cầu ổn định và lạm phát ở mức vừa phải, Nhóm nghiên cứu HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ nguyên mặt bằng lãi suất điều hành trong thời gian tới”, ông Khoa nói.

Chứng khoán VNDirect vừa công bố báo cáo cập nhật triển vọng ngành chứng khoán, trong đó nhận định Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất tiền gửi trong bối cảnh nhu cầu tín dụng phục hồi dẫn đến nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng lên và chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng và CPI đã thu hẹp đáng kể.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia VNDirect, lãi suất huy động của ngành ngân hàng sẽ duy trì ở mức đáy trong suốt năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm trong quý II/2024, đưa lãi suất tái cấp vốn về 4%/năm và lãi suất chiết khấu về 2,5%/năm. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân duy trì ở vùng thấp 4,5 - 5%/năm trong năm 2024. Đồng thời, kỳ vọng lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm thêm 0,5 - 1%/năm trong năm 2024 nhờ chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại thấp”, các chuyên gia của VNDirect nhận định.

Tin bài liên quan