Các ngành hưởng lợi từ đầu tư công là xây dựng hạ tầng, thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường...

Các ngành hưởng lợi từ đầu tư công là xây dựng hạ tầng, thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường...

Sóng đầu tư công vấp áp lực giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm doanh nghiệp xây lắp, vật liệu xây dựng đang đứng trước cơ hội hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công sẽ được thúc đẩy, nhưng chi phí đầu vào tăng cao khiến kết quả kinh doanh không dễ tăng trưởng mạnh.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Đầu tư công được xem là động lực quan trọng cho quá trình phục hồi của nền kinh tế sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong gói kích thích kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua hồi đầu năm nay có tới 114.000 tỷ đồng được dành phát triển hạ tầng. Nguồn vốn này dự kiến được giải ngân trong hai năm 2022 và 2023.

Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt mức thấp, ngày 2/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 548/QĐ-TTg thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).

Các tổ công tác do 4 phó thủ tướng và 2 bộ trưởng làm tổ trưởng đã ngay lập tức bắt tay vào việc. Chẳng hạn, ngày 27/5/2022, Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm tổ trưởng đã làm việc với 5 địa phương, gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Ninh và Hà Nam.

Diễn biến tăng của giá nguyên nhiên liệu gây áp lực lớn đến các doanh nghiệp xây lắp, vật liệu xây dựng, mặc dù được hưởng lợi từ nền kinh tế phục hồi và đầu tư công được thúc đẩy.

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể tiến độ giải ngân tới từng dự án, kiểm tra đôn đốc thường xuyên, đảm bảo tiến độ đề ra, kiểm soát chất lượng dự án, công trình, điều chuyển vốn sang dự án có hiệu quả giải ngân tốt, điều chuyển cán bộ nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Các động thái trên được giới đầu tư kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, từ đó tạo đà cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà thầu xây lắp và vật liệu xây dựng phát triển, đồng thời tạo tác động lan toả tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.

Doanh nghiệp kỳ vọng đón “sóng”

Công ty cổ phần FECON (mã chứng khoán FCN) cho biết, tổng giá trị các gói thầu trúng mới trong tháng 5/2022 đạt 420 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu từ các hợp đồng ký mới trong quý II/2022 lên gần 900 tỷ đồng, trong đó có một số dự án, hạng mục đầu tư công như Sân bay Long Thành, Hầm chui Lê Văn Lương.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 (Cienco 4, mã chứng khoán C4G) chia sẻ, sắp tới, ngoài các dự án đầu tư công trung và dài hạn còn có các dự án trọng điểm quốc gia như Sân bay Long Thành. Cienco 4 dự kiến sẽ được tham gia một số dự án trọng điểm quốc gia từ cuối quý II, đầu quý III/2022.

Năm nay, Cienco 4 đặt kế hoạch đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng. Ông Huỳnh tự tin, Công ty có thể hoàn thành kế hoạch này do nhiều dự án đang có tiến độ khả quan, đồng thời ghi nhận doanh thu chuyển nhượng Khu đô thị Long Sơn 1 và 3.

Tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - CTCP (Vinaconex, mã chứng khoán VCG), doanh nghiệp tập trung thực hiện mục tiêu tham gia đấu thầu và trúng thầu các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình có vốn đầu tư nước ngoài. Vinaconex đề ra kế hoạch năm 2022 đạt doanh thu 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 143% và 169% so với năm 2021.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận định, nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công là vật liệu xây dựng, thi công, nhà thầu và bất động sản, nhờ dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa phận 13 tỉnh.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, 4 ngành hưởng lợi nhất từ đầu tư công là xây dựng hạ tầng, thép xây dựng, đá xây dựng và nhựa đường.

Giới phân tích cho rằng, đầu tư công sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế khi được giải ngân hiệu quả. Các doanh nghiệp dự kiến được hưởng lợi từ đầu tư công đáng chú ý là thép (HPG, HSG, NKG…), xi măng (HT1), đá (KSB), nhựa công nghiệp (BMP), nhựa đường (PLC) và doanh nghiệp xây dựng, bất động sản như C4G, VCG, LCG, SZC, LHG, NLG, VHM.

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng được đánh giá sẽ hưởng lợi từ đầu tư công. Năm nay, CII đặt mục tiêu đạt doanh thu hơn 8.010 tỷ đồng, gấp 2,7 lần năm ngoái và lãi ròng gần 757 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 341 tỷ đồng.

Áp lực giá đầu vào tăng cao

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Bình (mã chứng khoán HBC) kỳ vọng, HBC sẽ có thêm nhiều việc làm để vực dậy sau 2 năm gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang chịu áp lực từ giá nguyên vật liệu leo thang, kể từ đầu năm 2022 đến nay tăng 30 - 40% và tình trạng lúc thì ít việc, lúc lại dồn dập.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (mã chứng khoán HT1) xác định, khó khăn lớn nhất phải đối mặt trong năm nay là chi phí nguyên nhiên liệu tăng vọt. Giá xăng dầu tăng kéo theo giá than tăng đã đẩy chi phí sản xuất xi măng, clinker lên cao. Ông Lưu Đình Cường, Tổng giám đốc HT1 chia sẻ, Công ty đang chuyển hướng sang sử dụng than nội địa, nhưng đặc thù than trong nước là than gầy, đốt không tạo ra ngọn lửa dài như than nhập khẩu.

Được biết, kế hoạch kinh doanh năm 2022 của HT1 là đạt doanh thu 7.856 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 401 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 8% so với năm 2021.

Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng, kế hoạch năm 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là đạt 160.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 7%, nhưng lợi nhuận sau thuế là 25.000 - 30.000 tỷ đồng, giảm 13 - 18% so với năm 2021.

Để giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm, nhưng việc này lại gây áp lực đến nhóm doanh nghiệp thi công xây dựng.

Theo ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công thực hiện được khoảng 22 - 23% kế hoạch cả năm. Có 4 nguyên nhân chính khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ: thứ nhất, công tác chuẩn bị đầu tư của các bộ, ngành, địa phương đối với dự án còn yếu, chậm đưa ra dự toán đầu tư; thứ hai, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh giá đất ở nhiều địa phương tăng cao; thứ ba, giá nguyên vật liệu tăng cao; thứ tư, khâu tổ chức thực hiện còn yếu.

Tin bài liên quan