Hoạt động đầu tư công được thúc đẩy mạnh sẽ kéo dòng tiền quay trở lại đón đầu cơ hội từ sóng hạ tầng. Ảnh: Dũng Minh

Hoạt động đầu tư công được thúc đẩy mạnh sẽ kéo dòng tiền quay trở lại đón đầu cơ hội từ sóng hạ tầng. Ảnh: Dũng Minh

Sóng đầu tư công sẽ “thẩm thấu” mạnh vào thị trường địa ốc từ quý II

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động đầu tư công dự kiến đẩy mạnh triển khai từ đầu quý II/2022 được kỳ vọng sẽ tạo động lực bứt phá cho tăng trưởng kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.

Lực đẩy hạ tầng

Trong sự kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vào đầu tháng 3/2022, lộ trình giải ngân gói đầu tư công quy mô 350.000 tỷ đồng được Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin có thể bắt đầu triển khai từ tháng 4 hoặc tháng 5/2022. Đây là thông tin rất quan trọng được dự báo có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế cũng như thị trường địa ốc.

Trước đó, trong chuyến công tác đặc biệt “xuyên Việt, xuyên Tết” vào đầu tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại báo cáo triển vọng ngành 2022 vừa công bố, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, chương trình kích thích kinh tế quy mô 350.000 tỷ đồng với trọng tâm là gói đầu tư công sẽ là khung sườn cho kế hoạch phục hồi kinh tế của Chính phủ trong giai đoạn 2022-2023.

“Quy mô gói kích thích kinh tế này của Việt Nam tuy không lớn so với các nước phát triển (tương đương 25% GDP) hoặc một số nước Đông Nam Á khác (tương đương 15% GDP), nhưng điểm then chốt để đạt được hiệu quả tối ưu nằm ở yếu tố tốc độ giải ngân nhanh sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, qua đó hỗ trợ nền kinh tế sớm phục hồi”, báo cáo nhận định.

Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, trong 5 năm tới, sẽ khởi công xây mới 67 dự án giao thông quan trọng, trong đó ưu tiên vốn ngân sách nhà nước để đầu tư nhiều tuyến đường bộ cao tốc. Trong số này, có 6 dự án tầm cỡ quốc gia gồm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 4 Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Nếu như việc mở rộng hay xây mới các sân bay, trục cao tốc Bắc - Nam… mang đến cơ hội cho thị trường bất động sản các tỉnh duyên hải miền Trung, thì cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc TP.HCM - Bình Phước… cũng mở ra cánh cửa mới cho các tỉnh Tây Nguyên và trong tương lai gần, nhiều tuyến đường kết nối hạ tầng được đưa vào sử dụng như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… sẽ mang đến sự bứt phá cho thị trường bất động sản nơi có tuyến đường đi qua.

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, tại khu vực miền Đông Nam Bộ và dọc theo các tỉnh miền Trung, nhiều đại dự án đang được tăng tốc triển khai. Chẳng hạn, tại Bình Thuận, theo lộ trình, siêu dự án nghỉ dưỡng Novaworld Phan Thiết có tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD sẽ bắt đầu bàn giao sản phẩm cho khách hàng ngay trong quý I này. Tại Bình Định, dự án Hải Giang Merry Land của Tập đoàn Hưng Thịnh với hàng ngàn sản phẩm cũng chính thức ra mắt thị trường, hay Tập đoàn Danh Khôi tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án tại Nhơn Hội với tổng quy mô hơn 110 ha…

Tại Hà Nội, nhiều dự án lớn, công trình trọng điểm như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương, đường Vành đai 2 trên cao… vẫn duy trì nhịp độ thi công khẩn trương, tập trung các nguồn lực để hoàn thành theo kế hoạch đặt ra.

Đáng chú ý, cả 7 tuyến vành đai được Hà Nội chú trọng triển khai thời gian tới đều có hợp phần chạy qua khu vực phía Tây. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để kết nối trung tâm Hà Nội với các khu vực mới phát triển, nhất là tuyến lưu thông huyết mạch tới dự án “5 thành phố trong thành phố”, mà 3 trong số này nằm ở khu vực phía Tây, gồm các đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây và Xuân Mai.

Đây cũng là lý do khiến giá bất động sản các khu vực này tăng rất mạnh thời gian qua, đặc biệt với phân khúc đất nền. Một số dự án lớn đang được cấp tốc triển khai có thể kể đến là các hợp phần mới của dự án Vinhomes Smart City hay dự án Mailand (trước đây là Splendora).

“Khi hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh sẽ kéo dòng tiền quay trở lại đón đầu cơ hội từ sóng hạ tầng. Chúng ta đang có cơ hội tốt để biến lĩnh vực bất động sản trở thành một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land nhấn mạnh.

Không để lãng phí nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2021, tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước giảm khoảng 8,6% và đạt 84,3% kế hoạch. Tuy nhiên, kết thúc 2 tháng đầu năm 2022, hoạt động giải ngân vốn ngân sách đã khởi sắc, khi vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 6.400 tỷ đồng, bằng 6,4% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ 2021; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 39.900 tỷ đồng, bằng 9,3% kế hoạch năm và tăng 10,4%.

Một số bộ, địa phương có số vốn lớn có thể kể đến là Bộ Giao thông - Vận tải đã thực hiện 2.972 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2021; Hà Nội thực hiện 5.509 tỷ đồng, bằng 10,8% kế hoạch năm và tăng 4,7%; Quảng Ninh thực hiện 2.010 tỷ đồng, đạt 11,9 kế hoạch năm và tăng 15,6%; Thanh Hóa thực hiện 1.172 tỷ đồng, bằng 11% kế hoạch… Các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình… cũng đều ghi nhận mức giải ngân tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Theo đại diện DKRA Việt Nam, các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo sức bật hình thành các khu đô thị và trung tâm kinh tế - giải trí - du lịch ở khu vực vùng ven và việc hạ tầng kết nối hoàn thiện sẽ thu hút người dân về an cư, kéo theo nhu cầu về bất động sản. Đồng thời, hàng trăm ngàn tỷ đồng đầu tư công không chỉ khiến sức cầu bất động sản được “thơm lây”, mà còn thu hút dòng tiền từ nhiều nguồn chảy vào thị trường, đặc biệt là dòng vốn ngoại.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp kéo dài, các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản trở nên hấp dẫn hơn. Trong đó, kênh bất động sản ghi nhận mức tăng giá mạnh ở cả phân khúc căn hộ và đất nền khi nguồn cung giảm về mức thấp nhất giai đoạn 2015-2020.

Báo cáo của BSC đánh giá, nguồn cung bất động sản dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2022-2023 và giá trị mở bán mới (Presales) của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đầu ngành như Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (mã NVL), Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG), Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG), Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (mã AGG), Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (mã VPI)... sẽ đạt đỉnh trong thời gian tới. Đây đều là những doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất lớn, có lợi thế trong việc phát triển các dự án đại đô thị kết nối với các tuyến đường hạ tầng đang được đồng bộ triển khai.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ trực tiếp tác động tích cực đến các doanh nghiệp tham gia vào các dự án. Dù vậy, việc dòng vốn tín dụng vào bất động sản cũng như hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp địa ốc nói riêng bị kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ phần nào ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án, nhất là những dự án thành phần, nhỏ lẻ ở các địa phương.

Tin bài liên quan