Bệ đỡ tăng trưởng từ dòng vốn FDI
Bất động sản công nghiệp là ngành được hưởng lợi trực tiếp khi vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, kéo theo nhu cầu về nhà xưởng, kho bãi. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1/2025, tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 48,6%; vốn thực hiện trên 1,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh đó, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2028 được nhận định sẽ có những chính sách tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó gián tiếp tác động đến ngành bất động sản công nghiệp Việt Nam. Nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump có thể đẩy mạnh chính sách bảo hộ thương mại, dẫn đến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia lớn, nhất là Trung Quốc. Chính sách áp thuế nhắm đến hàng hóa Trung Quốc có thể khiến làn sóng FDI rời khỏi nước này diễn ra trong thời gian tới và Việt Nam đang là một trong những thị trường được lựa chọn là bến đỗ mới.
Ông Trường Bùi, Tổng giám đốc Roland Berger Việt Nam đánh giá, Việt Nam được định vị là điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp FDI tập trung vào tính bền vững và đổi mới. Việt Nam đang củng cố vị thế là điểm đến ưa thích của dòng vốn FDI chất lượng cao, thể hiện cam kết rõ ràng về phát triển kinh tế bền vững và dựa trên công nghệ. Cách tiếp cận chiến lược này sẽ giúp Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu, củng cố lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ dưới thời “Trump 2.0”, khi tình trạng căng thẳng thương mại thế giới có thể thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác trong khu vực, trong đó Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Điều này tạo ra nhu cầu lớn đối với đất khu công nghiệp, đồng thời tăng giá trị và tính hấp dẫn của thị trường bất động sản công nghiệp.
Mới đây, Công ty cổ phần Thantawan Industrial, nhà sản xuất bao bì nhựa cao cấp hàng đầu của Thái Lan đã thuê nhà xưởng rộng hơn 43.000 m2 tại Khu công nghiệp Phước Đông, tỉnh Tây Ninh, phục vụ cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Theo Thantawan Industrial, Việt Nam đã củng cố vị thế với vai trò là mắt xích quan trọng trong bối cảnh sản xuất và công nghiệp khu vực hiện nay, đồng thời tin tưởng vào sự phát triển bền vững của Công ty tại đây.
“Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm các cơ sở chất lượng cao, hiệu quả về chi phí ở các địa điểm mới nổi”, ông John Campbell, Giám đốc Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp của Savills Việt Nam chia sẻ.
Mở rộng dư địa
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, kéo theo nhu cầu thuê đất khu công nghiệp gia tăng.
Trong bức tranh kinh doanh năm 2024, ngành bất động sản công nghiệp gây ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao.
Tại Tổng công ty IDICO - CTCP (IDICO, mã IDC), doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 lần lượt đạt 8.846 tỷ đồng và 2.393 tỷ đồng, tương ứng tăng 22% và tăng 45% so với năm 2023.
Bất động sản công nghiệp dẫn dắt đà tăng trưởng lợi nhuận cho IDICO, đến từ dự án xây dựng 30 ha tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 được bàn giao cho Hyosung trong quý IV/2024, dự án xây dựng chưa thực hiện xong là 75-85 ha. Ngoài ra, hoạt động mở bán của hai dự án khu công nghiệp mới là Tân Phước 1 (Tiền Giang) và Mỹ Xuân B1 mở rộng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã hoàn thiện pháp lý trong năm 2024, có thể đảm bảo tăng trưởng doanh số sẽ bàn giao đất khu công nghiệp năm 2025.
Với Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã SZC), kết thúc năm 2024, doanh thu tăng 6%, đạt hơn 870 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 38%, đạt hơn 302 tỷ đồng; lần lượt vượt 1% và 9% kế hoạch. Năm 2025, Sonadezi Châu Đức đặt mục tiêu đạt doanh thu 883 tỷ đồng, giảm 3%, nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 9%, lên 275 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex, mã BCM) ghi nhận doanh thu năm 2024 giảm 34%, xuống hơn 5.195 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn cao hơn 1% so với năm 2023, đạt hơn 2.105 tỷ đồng. Doanh nghiệp hiện đang vận hành 7 khu công nghiệp với tổng quỹ đất 4.700 ha.
Triển vọng tăng trưởng còn lớn nên các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh. Mới đây, Tập đoàn Phát triển Hưng Yên đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Trump Organization của Mỹ, xây dựng tổ hợp khách sạn, sân golf, khu dân cư cao cấp tại Hưng Yên, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.
Công ty mẹ của Tập đoàn Phát triển Hưng Yên là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC), một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phát triển các dự án khu công nghiệp và bất động sản. Kinh Bắc sở hữu các dự án trên cả ba miền tại các thành phố lớn như Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Long An.
Công ty Chứng khoán Shinhan kỳ vọng, hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc sẽ có chuyển biến tích cực trong năm 2025, nhờ dòng vốn FDI tiếp tục tăng và các dự án khu công nghiệp, khu đô thị hoàn thành thủ tục pháp lý và ghi nhận doanh thu. Diện tích đất cho thuê khu công nghiệp năm 2024 ước đạt 60 ha và năm 2025 dự kiến đạt 150 ha, với sự đóng góp chủ yếu của Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tràng Duệ 3 và các khu công nghiệp tại Long An. Mảng bất động sản khu đô thị tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 nhờ dự án nhà ở xã hội và dự kiến sẽ bùng nổ trong năm 2025 khi dự án Khu đô thị Tràng Cát hoàn thiện thủ tục pháp lý và bắt đầu tiến hành chào bán. Ước tính, doanh thu của Kinh Bắc năm nay có thể đạt 9.285 tỷ đồng, tăng 140% và lợi nhuận sau thuế đạt 3.167 tỷ đồng, tăng 109% so với năm ngoái.
Với Becamex, ABS Research nhận định, việc sở hữu quỹ đất bất động sản công nghiệp lớn tại Bình Dương mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh dòng vốn FDI chảy mạnh vào thị trường Việt Nam, Bình Dương tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn nhờ vị trí địa lý chiến lược, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích đất công nghiệp lớn nhất cả nước. Ngoài ra, giá cho thuê đất khu công nghiệp tại Bình Dương nằm ở mức cao và vẫn còn dư địa tăng trưởng trong thời gian tới. Phần lớn các khu công nghiệp đang vận hành của Becamex nằm ở Bình Dương sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ những tín hiệu tích cực này.
Bên cạnh tận dụng những lợi thế sẵn có tại Bình Dương, Becamex đang nghiên cứu, phát triển các dự án mới tại các tỉnh lân cận như Bình Phước, Bình Định để đảm bảo quỹ đất cho thuê khi tỷ lệ lấp đầy tại Bình Dương ở mức cao trên 90%.
Ngoài ra, các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết của Becamex thể hiện sự hiệu quả khi thường xuyên đóng góp tỷ trọng lớn (trung bình 46 - 50%) trong cơ cấu lợi nhuận. Triển vọng chính thời gian tới tập trung vào VSIP, IJC và BWID, đặc biệt là VSIP khi duy trì kết quả kinh doanh ổn định, với vị thế chủ đầu tư khu công nghiệp có quỹ đất lớn nhất cả nước.
Ngoài yếu tố dòng vốn ngoại chảy mạnh, cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam đang được đầu tư phát triển đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp khu công nghiệp bứt phá. Dọn tổ đón “đại bàng”, các doanh nghiệp đã chủ động hành động để đón cơ hội. Như Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Công ty cổ phần Shinec) đã sớm thực hiện ESG, xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp sinh thái thu hút doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng cơ hội phát triển.
Đà tăng trưởng của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ nối dài, trong đó lợi thế thuộc về những doanh nghiệp có sẵn quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông thuận tiện. Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng nằm trong nhóm có điểm sáng đầu tư 2025 được nhiều chuyên gia khuyến nghị với các luận điểm tăng trưởng tích cực từ dòng vốn FDI.