Mới đây, TAND TP Hà Nội đã xem xét giải quyết phúc thẩm vụ kiện giữa CTCP Thép và Thương mại Hà Nội (trụ sở tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình) và CTCP Xây dựng HCM Việt Nam (Hà Nội) về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
Theo đó, vào năm 2016, Công ty Thép và Thương mại Hà Nội và Công ty Xây dựng HCM Việt Nam ký hợp đồng mua bán sắt thép xây dựng. Thời hạn thanh toán là 45 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục giao nhận hàng. Hai bên quy định lãi suất chậm trả do quá hạn là 0,042%/ngày (15,33%/năm). Công ty Thép và Thương mại Hà Nội đã bán 4 đơn hàng và tính đến ngày 29/7/2019, giá trị các lô hàng là 5,7 tỷ đồng. Công ty Xây dựng HCM Việt Nam đã thanh toán số tiền 3,3 tỷ đồng; còn nợ 2,4 tỷ đồng.
Do đối tác chậm thanh toán, Công ty Thép Hà Nội khởi kiện ra tòa án, buộc Công ty Xây dựng HCM Việt Nam phải thanh toán gốc và lãi suất chậm trả, tổng cộng là 3,7 tỷ đồng.
Công ty Xây dựng HCM Việt Nam trình bày, năm 2015, Công ty ký kết hợp đồng tổng thầu với Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long (mã STL) về việc thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị và thi công xây dựng Tòa nhà 109, CT4, Khu đô thị mới Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội.
Tính đến ngày 9/2/2018, tổng giá trị vật tư và hàng hóa do các nhà cung cấp phục vụ thi công tòa nhà là 141,6 tỷ đồng. Công ty đã thanh toán 94 tỷ đồng; còn nợ 47,6 tỷ đồng.
Tổng giá trị nghiệm thu dự án tạm tính là 154,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên chưa thanh toán. Khi có nguồn từ dự án, Công ty Xây dựng HCM Việt Nam cam kết sẽ trả nợ cho Công ty Thép Hà Nội, dự kiến trả dần nợ gốc từ tháng 5/2020. Công ty cũng mong muốn miễn hoàn toàn tiền lãi với lý do bất khả kháng vì công ty không thể thu hồi lãi từ chủ đầu tư và khả năng thu hồi nợ là rất khó.
Năm 2019, tòa sơ thẩm đã tuyên buộc Công ty Xây dựng HCM Việt Nam phải thanh toán số nợ gốc và lãi là 3,7 tỷ đồng. Do đó, công ty tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm, đề nghị xem xét lại khoản tiền lãi. Tuy nhiên tòa phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo vì công ty đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Mức lãi suất trên cũng phù hợp với quy định pháp luật.
Cổ phiếu STL của Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long bị hạn chế giao dịch từ năm 2016 do tình hình kinh doanh bết bát và đến nay chưa cải thiện. BCTC kiểm toán năm 2016, tổng công nợ ngắn hạn của Công ty vượt tổng tài sản ngắn hạn số tiền 3.715 tỷ đồng; lỗ lũy kế là 2.521 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 2.327 tỷ đồng. Đến tháng 5/2020, cổ phiếu STL thuộc diện tiếp tục bị hạn chế giao dịch do doanh nghiệp chậm công bố thông tin BCTC năm 2019 quá 45 ngày so với thời hạn chung và không có biện pháp khắc phục. |