Sông Đà 1.01 (SJC) tiếp tục điệp khúc báo lỗ 6 tháng đầu năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động kinh doanh truyền thống gần như đứng hình, trong khi mảng bất động sản cũng bế tắc sau khi bị PVCombank thu hồi dự án Tokyo Tower, CTCP Sông Đà 1.01 (SJC) tiếp tục báo lỗ.
Sông Đà 1.01 (SJC) tiếp tục điệp khúc báo lỗ 6 tháng đầu năm 2020

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính công bố mới nhất cho thấy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu bàn hàng và cung cấp dịch vụ của SJC đạt hơn 3,71 tỷ đồng, gần tương đương với mức thực hiện của cùng kỳ năm trước là 3,85 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do giá vốn cao hơn cùng kỳ cùng việc chi phí quản lý giảm không đáng kể, dẫn tới việc SJC báo lỗ ròng từ hoạt hoạt động kinh doanh gần 269 triệu đồng. Việc lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm 2020 đẩy lỗ lũy kế của SJC lên tới hơn 3,62 tỷ đồng so với con số chỉ hơn 3,35 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, hoạt động kinh doanh của SJC bắt đầu đi xuống từ năm 2013. Từ mức doanh thu 150 tỷ đồng/năm cùng lợi nhuận ròng trên 12 tỷ đồng/năm, năm 2013, doanh thu đã giảm một nửa chỉ còn 74,5 tỷ đồng cùng lợi nhuận vỏn vẻn gần 3 tỷ đồng.

Giai đoạn 2014 – 2016, doanh thu lần lượt chỉ là 7,85 tỷ đồng, 12,9 tỷ đồng và 8,5 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận cũng chỉ còn 165 triệu (2014), 1,1 tỷ (2015) và âm 3,6 tỷ đồng (năm 2016).

Năm 2017, nhờ tăng doanh số khai thác cho thuê văn phòng tại hai tòa nhà chung cư Hemisco, Tòa nhà chung cư CT1 Văn Khê và tăng doanh thu xây lắp một số công trình nên doanh thu của SJC tăng lên gần 22 tỷ, nhưng lợi nhuận vẫn chỉ đạt hơn 192 triệu đồng.

Giai đoạn 2018 – 2019, hoạt động kinh doanh lại rơi vào bế tắc với điệp khúc báo lỗ. Cho tới thời điểm này, SJC cũng chưa thể công bố báo cáo kiểm toán cho các năm 2018, 2019, tuy nhiên, theo số liệu công bố của SJC, năm 2018 SJC tiếp tục báo lỗ gần 1,73 tỷ đồng và năm 2019 có cải thiện đôi chút, báo lãi 71 triệu đồng.

Trong đó, nguyên nhân trọng yếu là liên quan đến việc dự án Hanoi Landmark 51 do SJC và Vinafor làm đồng chủ đầu tư bị ngân hàng PVCombank siết nợ từ quý III/2018 do không đảm bảo khả năng thanh toán cho khoản vay đã được ngân hàng giải ngân theo hợp đồng ký kết từ năm 2014.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, ngay sau đó, SJC và Vinafor ( đồng chủ đầu tư dự án) đã có văn bản khiếu nại, phản đối việc PVCombank thu giữ tài sản, tuy nhiên, việc khiếu nại đã không được PVCombank chấp thuận.

Chính việc bị ngân hàng siết nợ tại dự án này khiến cho việc hạch toán của SJC bị ảnh hưởng và không thể hoàn tất các thủ tục để kiểm toán báo cáo tài chính cũng như lập báo cáo thường niên cho 2 năm 2018 – 2019 cho tới thời điểm này.

Ghi nhận trên báo cáo tài chính mới nhất, tới cuối tháng 6/2020, hàng tồn kho của SJC lên tới hơn 1.352,24 tỷ đồng, chủ yếu là giá trị ghi nhận tại dự án Hanoi Landmark 51.

Ngoài ra, SJC vẫn ghi nhận hơn 529,3 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn, chủ yếu là khoản vay tại ngân hàng PVCombank đã giải ngân nêu trên. Điều này được lý giải bởi dù dự án đã được PVCombank thu hồi lại và có phương án triển khai mới từ năm 2019, tuy nhiên, việc tiếp tục triển khai vẫn gặp nhiều bế tắc trong việc đàm phán chuyển nhượng cho đối tác mới.

Không chỉ vướng mắc tại dự án Hanoi Landmark 51, SJC còn vướng mắc cả tại dự án Eco Green Giáp Nhị khi liên tục chậm tiến độ và bị khách hàng gửi khiếu nại tới cơ quan chức năng từ năm 2018.

Tới quý III/2019, HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐQT về việc thống nhất chuyển nhượng Dự án Eco Green Tower - số 1 Giáp Nhị (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư BĐS Bình Minh.

Tin bài liên quan