Nhà đầu tư F0 có xu hướng ưa thích cổ phiếu nhỏ.

Nhà đầu tư F0 có xu hướng ưa thích cổ phiếu nhỏ.

Sóng cổ phiếu nhỏ chưa dừng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong nhịp hồi phục của thị trường hai tuần qua, nhóm cổ phiếu nhỏ tiếp tục có dấu hiệu bật tăng mạnh hơn so với nhóm trụ.

Nối dài sóng tăng

Tính từ ngày 6/12 đến ngày 15/12, chỉ số VN-Index tăng 4,4% lên 1.475,5 điểm, chỉ số VN30 tăng 2,6% lên 1.519,42 điểm và chỉ số VN Smallcap tăng 6,2%, lên 2.083,27 điểm.

Điều này cho thấy, nhóm cổ phiếu nhỏ tiếp tục duy trì sức hút với dòng tiền đầu tư trên thị trường.

Từ tháng 6 tới nay, sau khi nhóm cổ phiếu ngân hàng lập đỉnh và điều chỉnh, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa. Đặc biệt, từ đầu tháng 6 tới nay, nhóm cổ phiếu smallcap liên tục duy trì sức nóng trên thị trường.

Theo thống kê của SSI Research, tại thời điểm 1/6/2021, trên sàn HOSE, có 76 mã cổ phiếu giao dịch ở vùng dưới mệnh giá. Đến ngày 15/12/2021, số mã có thị giá dưới mệnh giá trên sàn này chỉ còn 24, tức giảm 68,4% số mã so với đầu tháng 6. Trong đó, số mã giao dịch dưới mệnh giá giảm mạnh trong tháng 8, tháng 10 và tháng 11.

Hàng loạt cổ phiếu penny đã có nhịp tăng khá nóng trong hai tuần qua. Có thể kể tới như HAG, với mức tăng 41,4%, lên 12.200 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu HQC tăng 27,6% lên 8.050 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu QCG tăng 26,5% lên 14.300 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu HNG tăng 26,2%, lên 14.300 đồng/cổ phiếu.

ITA từ mức 13.400 đồng/cổ phiếu trong phiên 6/12 đã tăng lên 17.300 đồng/cổ phiếu trong phiên 16/12, tương ứng mức tăng 29,1%. Hay ROS có mức tăng 29,5%, từ 8.300 đồng/cổ phiếu lên 10.750 đồng/cổ phiếu trong cùng thời gian...

Sau nhịp điều chỉnh đầu tháng 12, cổ phiếu CEO tiếp tục đã có nhịp hồi phục trong tuần này, khi đóng cửa phiên 16/12 ở mức giá 49.700 đồng/cổ phiếu, tăng gần 5 lần so với đầu tháng 11, khi cổ phiếu này ở chân sóng…

Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhà đầu tư mới tham gia hơn 1 năm nay cho biết, anh chuyên “đánh” cổ phiếu nhỏ. Lý do được anh chia sẻ là, “với số vốn hạn chế, việc mua vào cổ phiếu có giá dưới 20.000 đồng/cổ phiếu giúp tôi mua được nhiều cổ phiếu hơn. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu trụ, thị giá cao biến động không lớn dẫn tới tỷ suất sinh lời không đáng kể”.

Tương tự, anh Lê Duy Đức, nhà đầu tư tham gia thị trường từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện cho biết: “Mặc dù biết rằng nhóm cổ phiếu smallcap có chất lượng thấp hơn so với nhóm cổ phiếu trụ, tuy nhiên dòng tiền đang liên tục đổ vào nhóm cổ phiếu smallcap, vì vậy, tôi quyết định mua theo dòng tiền, thay vì nắm giữ cổ phiếu cơ bản nhưng biến động không đáng kể”.

Dòng tiền mới vẫn tiếp tục đổ vào thị trường, với số tài khoản mở mới trong tháng 11 đạt 221.300, vượt xa kỷ lục đã được xác lập trước đó, trong đó có một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư F0, với số vốn hạn chế ưa thích các cổ phiếu nhỏ do cảm giác mua được cổ phiếu giá rẻ và có kỳ vọng biến động mạnh đã giúp nhóm này thu hút dòng tiền, nối dài sóng tăng.

Đặc biệt, kể từ tháng 6/2021 tới nay, nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng có dấu hiệu lình xình và tích luỹ kéo dài càng thôi thúc dòng tiền tập trung vào nhóm smallcap.

Rủi ro khi cổ phiếu chạy quá nhanh so với giá trị thực

Tình trạng ưa thích đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp thua lỗ được nhiều người gọi với cái tên “hội chứng nghiện cổ phiếu lỗ”.

Không phủ nhận đà tăng nhóm smallcap đã giúp nhiều nhà đầu tư có lãi lớn trong giai đoạn cuối năm 2021.

Tuy nhiên, do dòng tiền nóng tham gia nên nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp yếu kém, kinh doanh thua lỗ, chỉ cần có những thông tin râm ran trên thị trường về việc M&A, tái cấu trúc, hoặc “sắp có đối tác lớn” là có thể trở thành địa chỉ hút dòng tiền.

Thậm chí, tình trạng ưa thích đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp thua lỗ được nhiều người gọi với cái tên “hội chứng nghiện cổ phiếu lỗ”.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tasco (mã HUT) dù lỗ 9 tháng đầu năm 146,4 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế lên 53,4 tỷ đồng. Hay Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O liên tục hút dòng tiền nhưng trong 9 tháng đầu năm lỗ 223,6 tỷ đồng và tiếp tục gặp khó khăn từ đại dịch Covid-19 khi Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng…

Câu chuyện kỳ vọng và sức mạnh dòng tiền đã đẩy nhiều cổ phiếu đi quá xa so với giá trị thực và điều này tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư.

Chẳng hạn, sau khi đạt đỉnh 24.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 26/11, tương đương mức tăng 542,7% so với ngày 26/8, cổ phiếu SJF (của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương) đã rơi sàn liên tục, đóng cửa phiên giao dịch 16/12/2021 ở mức giá 12.200 đồng/cổ phiếu.

SJF vốn là cổ phiếu trong diện bị cảnh báo vì lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 2020 là số âm, nhưng nhà đầu tư kỳ vọng công ty này có thể tạo đột phá về hiệu quả kinh doanh nếu trở thành nhà cung cấp sản phẩm ván lót sàn bằng tre cho Hoà Phát để sản xuất container.

Tuy nhiên, Tập đoàn Hoà Phát mới đây đã cho biết ngừng giao dịch thử mẫu với sản phẩm của Đầu tư Sao Thái Dương.

Tương tự, từ ngày 14/9 đến 18/11, cổ phiếu APS tăng 272% từ 16.100 đồng lên 59.900 đồng/cổ phiếu và sau đó bước vào chuỗi giảm điểm kéo dài. Tính tới ngày 15/12, cổ phiếu APS đã giảm 36,6% từ đỉnh, về chỉ còn 38.000 đồng/cổ phiếu và tiếp tục xu hướng giảm.

Câu chuyện về đà tăng sốc, giảm sâu của nhóm cổ phiếu họ Louis vẫn còn nóng hổi. Nhóm này đã “làm mưa làm gió” trên thị trường trong một thời gian ngắn nhờ câu chuyện thâu tóm, tái cấu trúc hàng loạt doanh nghiệp như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM), Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH), Công ty cổ phần Cáp – Nhựa Vĩnh Khánh (mã VKC)…

Với câu chuyện tái cơ cấu, nhóm cổ phiếu AGM, TDH, VKC, BII, TGG… đều tăng mạnh. Tuy nhiên, sau đó câu chuyện kỳ vọng nhanh chóng thay đổi hoàn toàn, cổ phiếu lao dốc không phanh và gây thua lỗ lớn cho nhà đầu tư trót mua vào ở vùng đỉnh.

Rủi ro lớn nhất ở nhóm smallcap mà nhà đầu tư đối mặt là các cổ phiếu thường chỉ xuất hiện game một lần, sau đó mất từ 3-5 năm để tích luỹ và tạo game mới. Trong khi đó, ở nhóm midcap và largecap, các cổ phiếu có thể giảm trong một giai đoạn nhưng khi thị trường ổn định thì có thể hồi phục trở lại.

Quy luật này không phải nhà đầu tư không biết, nhưng khi nào dòng tiền nóng vẫn chảy mạnh, vẫn còn tâm lý đầu tư theo kiểu “sấp ngửa”, hoặc chịu rủi ro mất tiền, hoặc “kiếm lãi bằng lần”.

Tin bài liên quan