Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2014, lãi của DongA Bank chưa bằng 40% cùng kỳ 2013

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2014, lãi của DongA Bank chưa bằng 40% cùng kỳ 2013

Sóng cổ phiếu ngân hàng: còn xa

(ĐTCK) TTCK từ đầu năm đến nay xuất hiện nhiều “con sóng” ngành, như dầu khí, thủy sản, chứng khoán, bất động sản, nhưng chẳng có “con sóng” nào của cổ phiếu ngân hàng, từng một thời được mệnh danh là “cổ phiếu vua”. 

Báo cáo tài chính quý III/2014 của 2 ngân hàng niêm yết và một số ngân hàng đại chúng mới công bố đã cho thấy bức tranh lợi nhuận không mấy sáng sủa của ngành ngân hàng. Sóng cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ còn xa.

Lợi nhuận kém hấp dẫn

Có thể cảm nhận được khó khăn của ngành ngân hàng qua báo cáo tài chính quý III/2014 đã được một số ngân hàng công bố. Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đã nếm mùi thua lỗ, khi lợi nhuận sau thuế quý vừa rồi âm hơn 76,2 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, ngân hàng này vẫn còn lãi 137,5 tỷ đồng, dù đã thấp hơn nhiều so với con số 224,7 tỷ đồng của quý III/2012. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2014, DongA Bank lãi gần 150 tỷ đồng, chưa bằng 40% cùng kỳ 2013.

Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng khác cũng không mấy tích cực, nếu không giảm so với cùng kỳ năm ngoái thì cũng còn cách xa kế hoạch đề ra cho năm nay. Lợi nhuận sau thuế quý III/2014 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) giảm 44,4% so với cùng kỳ, chỉ đạt 66 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Saigon Bank đạt hơn 311,5 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 47,6% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), tiền thân là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) đặt kế hoạch lãi trước thuế hơn 96,3 tỷ đồng đưa ra hồi đầu năm, nhưng kết quả thực hiện 9 tháng mới chỉ là con số lẻ, chưa đến 10 tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) đặt kế hoạch lãi trước thuế 2014 hơn 250 tỷ đồng, nhưng 3 quý đầu năm mới đạt 97,5 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) có vẻ khả quan hơn khi kết thúc 9 tháng đã có lợi nhuận trước thuế hơn 104 tỷ đồng, đạt 80,73% kế hoạch đề ra. PVcomBank được thành lập cách đây hơn 1 năm từ việc hợp nhất Tổng công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank).

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành khi quý III vừa qua, Ngân hàng báo lãi hợp nhất hơn 264 tỷ đồng, chỉ bằng 66% cùng kỳ năm trước. 9 tháng, ACB lãi sau thuế bằng 75% cùng kỳ, với 837,5 tỷ đồng.

Sacombank nằm trong số ít ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ 2013. Quý III, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 610 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 100 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đạt 1.878 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ.

Có một chút ngạc nhiên khi CTCK TP. HCM (HSC) nhận định ACB “khả quan”, còn Sacombank thì “kém khả quan”. HSC cho rằng, mặc dù ACB lãi ít hơn cùng kỳ, nhưng cũng đã hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm (1.189 tỷ đồng). HSC không đưa ra giải thích nào cho nhận định về Sacombank, nhưng có lẽ do đường về đích của Sacombank còn xa, khi ngân hàng này đặt kế hoạch lãi trước thuế năm nay là 3.000 tỷ đồng, trong khi con số thực hiện trong 9 tháng là 2.402 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2014, nhưng CTCK Bảo Việt (BVSC) hồi cuối tháng 9 dự báo lợi nhuận sau thuế của ngân hàng cổ phần “gốc” quốc doanh này trong quý III là 977 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước; cả năm ước đạt 4.144,2 tỷ đồng, thấp hơn so với 4.358 tỷ đồng thực hiện trong năm 2013. Với những dự báo này, BVSC cũng chỉ có thể khuyến nghị “Neutral” với cổ phiếu VCB của Vietcombank. 

Ngân hàng vẫn đang tìm đến kênh đầu tư an toàn - trái phiếu

Tín dụng vào nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, do sức cầu yếu. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến thời điểm cuối tháng 10 tăng 7,85% so với cuối năm 2013. Dường như không còn cách nào khác, các ngân hàng phải tìm đến các loại giấy tờ có giá như tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và trái phiếu chính phủ.

Dư nợ cho vay khách hàng của ACB tăng 5,57% trong 9 tháng đầu năm. Theo ước tính của ĐTCK, tổng số dư đầu tư vào các công cụ nợ nêu trên của ACB tại thời điểm cuối tháng 9/2014 đã tăng thêm ít nhất 9.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, tức tăng đến 2,2 lần.

Sacombank có số dư cho vay khách hàng tăng ấn tượng, đến 12,58%, nhưng cũng không thể bỏ qua các công cụ nợ. Cuối tháng 9, giấy tờ có giá do NHNN phát hành tại Sacombank là hơn 10.114 tỷ đồng, trong khi cuối năm ngoái con số này bằng 0. Bên cạnh đó, khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ cũng tăng thêm 2.139 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

DongA Bank hơi “trầy trật” trong mảng kinh doanh tín dụng, khi cho vay khách hàng đã giảm từ mức 53.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm ngoái xuống mức 52.760 tỷ đồng vào cuối tháng 9 năm nay. Trái phiếu chính phủ, vì thế, đã trở thành cứu cánh cho Ngân hàng. Trong danh mục chứng khoán kinh doanh, trái phiếu chính phủ từ con số 0 cuối năm 2013 tăng lên hơn 2.681 tỷ đồng cuối tháng 9. Còn đối với danh mục đầu tư, loại chứng khoán “không phải trích lập dự phòng” này, kể cả sẵn sàng để bán và nắm giữ đến khi đáo hạn, đã tăng thêm tổng cộng 3.021 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng của SaigonBank tăng gần 335 tỷ đồng, lên 11.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tức chỉ tăng 3,14%. Trong khi đó, số dư đầu tư vào các loại giấy tờ có giá do NHNN và Chính phủ phát hành tăng thêm gần 560 tỷ đồng. Con số này là đáng kể khi huy động vốn của Ngân hàng trong kỳ chỉ tăng thêm hơn 750 tỷ đồng.

Số dư đầu tư vào các công cụ nợ này đối với NCB và PG Bank đã tăng lần lượt hơn 958 tỷ đồng và 376 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Đối với PVcomBank, do báo cáo tài chính không kèm thuyết minh nên không biết ngân hàng này đã bỏ thêm bao nhiêu tiền vào trái phiếu chính phủ, nhưng tính chung danh mục chứng khoán đầu tư, đã tăng thêm 1.011 tỷ đồng, chủ yếu là chứng khoán nợ.

Đầu tư vào chứng khoán nợ, các ngân hàng đạt được sự an toàn tài chính, nhưng kỳ vọng lợi nhuận cao là không thể khi lãi suất trái phiếu chính phủ đã giảm khá nhanh và dự báo sẽ tiếp tục giảm khi Chính phủ đã huy động gần chạm mức 200.000 tỷ đồng năm 2014. 

Gánh nặng nợ xấu

Trong khi tín dụng khó tăng trưởng thì nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng, trước bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và áp lực phải phân loại nợ xấu theo chuẩn kế toán quốc tế.  

ACB đặt kế hoạch tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ trong năm 2014 dưới 3%, nhưng đến cuối tháng 9/2014, con số thực tế đã tăng lên 3,07% so với mức 3,03% hồi cuối năm ngoái.

DongA Bank thay đổi cách phân loại nợ, thay vì phân theo 5 nhóm nợ như đầu năm thì nay phân thành nợ trong hạn và nợ quá hạn. Nợ quá hạn có nội hàm rộng hơn nợ xấu, vì nó bao gồm cả những khoản cần chú ý. Vì thế, không ngạc nhiên khi nợ quá hạn của DongA Bank lên đến 13,17%. Cuối năm ngoái, con số này là 10,77%, lúc đó tỷ lệ nợ xấu là 4%. DongA Bank đặt kế hoạch đưa nợ xấu về mức không quá 3%, nhưng với cách phân loại nợ thay đổi thì không biết hiện nay DongA Bank đang ở đâu.

SaigonBank thì “quyết tâm” duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 5%, khi con số này tại thời điểm cuối năm ngoái chỉ có 2,24%. Đến cuối tháng 9/2014, nợ xấu của SaigonBank đã tăng lên 2,69%.

PG Bank cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng, từ 2,92% lên 3,06%. Lưu ý rằng, trong kỳ, PG Bank đã tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC; số dư trái phiếu VAMC tại thời điểm cuối tháng 9/2014 là hơn 994,6 tỷ đồng, tăng hơn 242 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Đến thời điểm này, Sacombank là ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Cụ thể, nợ xấu đã giảm từ 1,46% hồi cuối năm ngoái xuống còn 0,98% vào cuối tháng 9/2014, trong khi kế hoạch đề ra là dưới 3%. Có thông tin là Sacombank đã bán nợ xấu cho VAMC với tổng trị giá lên đến 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý III/2014 của Ngân hàng, khoản “chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành”, dù không được thuyết minh rõ ràng, nhưng được suy đoán là trái phiếu VAMC có số dư đến cuối tháng 9 chỉ gần 2.183,2 tỷ đồng.

NCB cũng có tỷ lệ nợ xấu giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, nợ xấu của ngân hàng này đã giảm từ 6,07% tại thời điểm cuối năm ngoái xuống 4,94% vào cuối tháng 9/2014.

Tin bài liên quan