Sóng cổ phiếu mùa đại hội đồng cổ đông

Sóng cổ phiếu mùa đại hội đồng cổ đông

(ĐTCK) Sau nhóm dầu khí, ngân hàng thay nhau dẫn dắt TTCK, nhà đầu tư chờ đợi những “con sóng” đến từ các cổ phiếu có yếu tố đột biến trong mùa ĐCHĐ thường niên đang bắt đầu.

Sóng cổ phiếu mùa ĐHCĐ

Trong ba tuần giao dịch kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhóm cổ phiếu dầu khí đã có mức tăng khá tích cực do giá dầu thế giới phục hồi lên mức 34 USD/thùng so với mức đáy 28 USD/thùng vào đầu năm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giữ vai trò nâng đỡ cho đà tăng điểm của thị trường khi có thông tin hỗ trợ dự thảo Thông tư 36 sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước có nội dung cho phép một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn được áp tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) ở mức cao nhất với 90%, thay vì 80% như trước đây. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng điểm tích cực nhờ thông tin nới room.

Giới đầu tư kỳ vọng, những thông tin đang được công chúng quan tâm như nới room, kết quả kinh doanh quý I/2016… khi được các doanh nghiệp công bố chính thức tại ĐHCĐ sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường.

Thị trường đang “nóng” dần lên với những nội dung mà các doanh nghiệp dự kiến sẽ đưa ra xin ý kiến cổ đông.

Dòng tiền vào thị trường đang phân hoá vào các nhóm cổ phiếu và nhiều khả năng, điều này sẽ diễn ra mạnh hơn trong kỳ ĐHCĐ thường niên 2016, đang được khởi động. VN-Index đã tăng hơn 10% so với cuối tháng 1/2016. Theo bộ phận phân tích của CTCK Agriseco, dòng tiền sẽ chọn lọc kỹ và phân hoá vào nhóm cổ phiếu đầu ngành hoặc có cơ hội đầu tư rõ ràng, kế hoạch kinh doanh và cổ tức cao trong năm nay. Giao dịch vẫn tích cực trong tháng 3 nhờ sự đóng góp của những cổ phiếu trụ cột. Thống kê lịch sử từ Agriseco cho thấy, thị trường tăng điểm tới 10/15 lần trong tháng 3 (từ   năm 2001-2015) với mức sinh lời trung bình trong tháng đạt 3,47%.

Nhận định về các nhóm cổ phiếu có cơ hội sinh lời cao trong tháng 3 này, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược CTCK Maritime (MSI) cho rằng, các “siêu cổ phiếu” nằm trong những nhóm ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dầu khí, bất động sản. Những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý I/2016 dự báo tích cực sẽ thu hút được dòng tiền và dẫn dắt thị trường ngay trong tháng 3 này.

Sự chú ý của thị trường xem ra vẫn dành cho nhóm cổ phiếu ngành dầu khí. Theo CTCK BSC, diễn biến giá dầu đang theo hướng bất lợi và một số doanh nghiệp ngành dầu khí sẽ khó tránh khỏi việc đặt kế hoạch kinh doanh sụt giảm mạnh so với năm trước và điều này có thể gây hiệu ứng tâm lý xấu cho nhà đầu tư.

Vì vậy, áp lực bán đối với nhóm cổ phiếu dầu khí có thể gia tăng, kìm hãm sự phục hồi của thị trường. Trong khi đó, theo BSC, những doanh nghiệp đã có kết quả kinh doanh năm 2015 khả quan, nếu ĐHCĐ tiếp tục có kế hoạch tăng trưởng ấn tượng, chi trả cổ tức cao thì sẽ tạo được hiệu ứng tích cực với nhà đầu tư.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới CTCK Bản Việt cho rằng, thị trường đã manh nha phân hóa dòng tiền và nhóm cổ phiếu. Những cổ phiếu tốt, có kết quả kinh doanh dự báo ấn tượng hoặc có thông tin tốt được công bố trong ĐHCĐ sẽ tạo được sự chú ý của nhà đầu tư. Theo bà Quỳnh, các cổ phiếu nhóm ngành dệt may đã và đang thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư, bởi đây là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số doanh nghiệp trong nhóm này đang có thông tin sẽ nới room cho khối ngoại như TCM, EVE…

Tuy vậy, CTCK VPBS lại có quan điểm kém lạc quan hơn, khi cho rằng thị trường đang bước vào giai đoạn cuối của sóng phục hồi trong tháng 3 này, do đó khó có  thể xuất hiện thêm một nhóm cổ phiếu mới dẫn dắt thị trường. Cụ thể, theo VPBS, nhóm cổ phiếu luân phiên giữ nhịp thị trường trong tháng 3 vẫn là dầu khí (GAS, PVD, PVS), ngân hàng TMCP quốc doanh (BID, CTG, VCB) và những cổ phiếu liên quan đến nới room (VNM, FPT, SSI, HCM, VND…). Kỳ ĐHCĐ của doanh nghiệp thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, nên các thông tin công bố sẽ rải rác và chỉ ảnh hưởng đến một số cổ phiếu đơn lẻ. 

Những cổ phiếu gây chú ý

Mùa ĐCHĐ thường niên bắt đầu được khởi động, với lác đác một số doanh nghiệp tổ chức sớm và nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tổ chức Đại hội. Thị trường đang “nóng” dần lên với những nội dung mà các doanh nghiệp dự kiến sẽ đưa ra xin ý kiến cổ đông.

Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp luôn là một trong những nội dung quan trọng nhất, được cổ đông, nhà đầu tư quan tâm nhất tại mỗi ĐHCĐ thường niên. Năm qua, nhiều doanh nghiệp đặt chỉ tiêu kinh doanh thấp, hoặc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh liên tục, thậm chí đến sát thời điểm cuối năm vẫn tiến hành điều chỉnh. Vì vậy, những doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao, tính bằng lần trong năm nay sẽ gây sự chú ý của công chúng đầu tư.

CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (AAA) đang thu hút sự chú ý của thị trường, với kế hoạch kinh doanh dự kiến trình ĐHCĐ thường niên được tổ chức vào ngày 19/3 tới. Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận ròng 2016 được Công ty đề ra là 100 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2015. Các chỉ tiêu kế hoạch khác được AAA xin ý kiến cổ đông là sản lượng sản xuất 53.000 tấn/năm, tổng doanh thu 2.100 tỷ đồng, cổ tức từ 10-15% bằng tiền mặt. Năm nay, AAA đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng Nhà máy sản xuất số 6 và triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất số 7.

Sau một năm kinh doanh không mấy khả quan, với doanh thu 665 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 19 tỷ đồng, lãnh đạo Tổng CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng (DIG) cho biết, dự kiến Công ty sẽ trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh 2016 với mức lợi nhuận từ 100 - 120 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với năm 2015; trong đó, lợi nhuận từ Dự án Nam Vĩnh Yên dự kiến đóng góp gần 100 tỷ đồng.

Nới room cũng là một chủ đề “nóng”, được nhiều nhà đầu tư chờ đợi nhất tại mùa ĐHCĐ năm nay. Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2016 của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) đã thông qua việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Một số DN cũng dự kiến trình xin ĐHCĐ tới đây về việc nới room lên 100% như CTCP Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam (FID), CTCK IVS…

Vấn đề tăng vốn cũng tiếp tục sẽ được nhiều doanh nghiệp đưa ra tại mùa ĐHCĐ năm nay.  CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) vừa thông qua chỉ tiêu cho năm 2016 với tổng doanh thu 1.100 tỷ đồng, tăng gần 12% so với mức thực hiện năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 140 tỷ đồng, tăng 7% so với 2015. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch HĐQT IMP, Công ty có chủ trương phát hành cổ phiếu trong năm 2016 để tăng vốn điều lệ từ hơn 167 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng.

Hiện nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành tăng vốn với nhiều hình thức khác nhau. ĐHCĐ của CTCP Gỗ Trường Thành (TTF) tới đây dự kiến sẽ thông qua việc phát hành 69,7 triệu cổ phiếu cho CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát - một công ty con của Tập đoàn Vingroup (VIC) để thực hiện hợp đồng vay chuyển đổi thành cổ phần. Sau giai đoạn ngập sâu trong khó khăn do nợ vay tăng cao, TTF đã tái cấu trúc nợ thành công và kết quả kinh doanh khởi sắc rõ rệt.           

Tin bài liên quan