Ông ghi nhận gì về sự chuyển động của doanh nghiệp Việt Nam trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để duy trì các hoạt động một cách tốt nhất có thể trong điều kiện dịch bệnh?
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV.
Covid-19 là một đại dịch toàn cầu mà thế giới chưa từng đối mặt trước đó, tác động của dịch đối với kinh tế, lối sống hay thậm chí cả cách chúng ta nhìn nhận thế giới là không gì có thể mô tả được.
Tuy vậy, ở khía cạnh tích cực, người ta nói rằng, đại dịch Covid-19 đã có tác động lớn đến quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cá nhân, thậm chí là các quốc gia, điều mà các nhà hoạch định chính sách, những người có tầm ảnh hưởng về công nghệ hay các doanh nhân có tầm nhìn xa cố gắng trong nhiều năm qua mà chưa làm được.
Hãy xem giá trị cổ phiếu của các công ty hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số như Amazon hay Zoom là đủ thấy.
Ở Việt Nam, DoctorAnywhere - ứng dụng cho phép thăm khám bệnh từ xa đã có số lượng người sử dụng gấp ba bình thường. Hay một loạt công ty đã ký hợp đồng với Everlearn - nền tảng đào tạo nhân viên trực tuyến của chúng tôi ngay trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất.
Việt Nam là một trong những nước có thành tựu tốt nhất về chống dịch. Ðó là một điều hết sức tích cực. Nhưng có lẽ, với quá trình chuyển đổi số, ảnh hưởng của Covid-19 chưa đủ mạnh để dồn ép các doanh nghiệp Việt Nam vào trạng thái “thay đổi hay là chết”.
Nếu phải sống chung với dịch bệnh thì thời gian tới mới là thời gian các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung hơn về việc đầu tư vào chuyển đổi số.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với một nghịch cảnh, đó là cần đầu tư để chuyển đổi số cho phù hợp với “thực tại mới”, nhưng những khó khăn mà “thực tại mới” gây ra lại cản trở ý định đầu tư.
Nếu các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến chuyển đổi số từ vài năm trước, đây có lẽ là thời gian tuyệt vời cho tăng trưởng.
Theo ông, các vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi thực hiện chuyển đổi số là gì?
Chúng ta cần lưu ý đến chữ “chuyển đổi”. Các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ nhìn thấy hình thái ban đầu của chuyển đổi số, đó là “hỗ trợ các hoạt động kinh doanh”.
Ðó có thể là các công cụ giúp họ làm việc tốt hơn, hiểu biết khách hàng tốt hơn, thanh toán nhanh hơn, vận chuyển hàng hóa hữu hiệu hơn, truyền thông tập trung hơn và chính xác hơn.
Nhưng điểm quan trọng của chuyển đổi số là thay đổi mô hình kinh doanh, hoặc như người ta hay nói, chuyển đổi số trở thành động lực dẫn dắt hoạt động kinh doanh mới.
Cho nên, điều quan trọng không phải là đầu tư cho công nghệ gì (các công nghệ mỗi ngày mỗi khác), mà là tầm nhìn chiến lược về tương lai và xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với dự phóng tương lai đó.
Ðiều quan trọng thứ hai, đó là yếu tố con người. Rất nhiều chiến lược chuyển đổi số thất bại vì văn hóa doanh nghiệp chống lại quá trình đó, hoặc mâu thuẫn với quyền lợi của con người trong tổ chức hay trong mô hình kinh doanh cũ.
Thứ ba, đó là sự kiên định trong việc thực hiện các chiến lược và kế hoạch chuyển đổi, là năng lực lãnh đạo của người đứng đầu tổ chức.
Nếu bản thân người đứng đầu không phải là người có tầm nhìn về tương lai, có am hiểu nhất định về công nghệ thông tin và có sự quả quyết cũng như dám đối mặt với những thất bại thường xuyên của quá trình chuyển đổi, thì chuyển đổi số cũng sẽ rất khó diễn ra.
Cho nên, không phải công nghệ, mà các yếu tố lãnh đạo, con người và văn hóa của tổ chức mới quyết định thành công hay thất bại của quá trình chuyển hóa số.
Mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nhìn chung ở mức nào so với các doanh nghiệp trong khu vực, liệu có quá chậm chạp hay không? Ví dụ, nhiều doanh nghiệp niêm yết hiện nay phải sửa đổi điều lệ để cho phép thực hiện họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến hay bỏ phiếu trực tuyến.
Có 8 mức độ về trưởng thành trong chuyển đổi số, lần lượt là bắt đầu - ánh xạ - sắp xếp - tối ưu hóa - tự động hóa - chuyển hóa - cải biến.
Một số doanh nghiệp hàng đầu về chuyển đổi số của Việt Nam đang ở bậc thứ 4, mức độ trung bình về chuyển đổi số.
Trong số các công ty niêm yết, những công ty đầu tư và tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ nhất là những công ty hiểu rằng mô hình kinh doanh tương lai của họ đang bị đe dọa, đó là các ngân hàng, các công ty môi giới chứng khoán, các chuỗi bán lẻ hay các công ty công nghệ.
Còn lại, các công ty niêm yết khác đang ở bậc thứ hai hay thứ ba, thậm chí ở bậc thứ nhất, tức là mới bắt đầu nghĩ đến việc tìm hiểu về chuyển đổi số.
Ðiều đó cũng tự nhiên, các công ty niêm yết đều là các công ty lớn, thuyết phục họ chuyển đổi mô hình kinh doanh rất khó khăn.
Doanh nghiệp có thể sẵn sàng đầu tư cho việc hỗ trợ các hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng bảo họ thay đổi cách đang kiếm tiền vì thế giới sẽ thay đổi, chắc chắn câu trả lời sẽ là cái nhún vai coi thường.
Chỉ khi xuất hiện những công ty mới, những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, đe dọa sự sống còn, họ mới thay đổi. Nếu không có Grab hay Uber, chắc sẽ không có sự thay đổi ở VinaSun hay Mai Linh.
Các công ty niêm yết là những "con khủng long". Họ sẽ sống tốt và không thấy cần thiết phải thay đổi, trừ phi có một thiên thạch đâm vào trái đất.
Ðại dịch Covid-19 vừa qua chính là thiên thạch đó. Cũng may, hoặc đáng tiếc (tùy cách nhìn) là Việt Nam đã thoát được những đợt sóng xung kích đầu tiên, nên những con khủng long ở Việt Nam vẫn còn có cơ hội.
Cơ hội để chuyển đổi?
Những gì chúng ta đang trải qua giúp chúng ta nhận ra rằng “phải biết sợ”. Sợ sự bất định của tương lai, hay như người ta nói, sợ cái thế giới “VUCA” này, thế giới của sự thay đổi, bất định, mù mờ. Không có nỗi sợ thúc vào lưng thì sẽ không nghĩ tới chuyển đổi.
Chúng tôi chuyển đổi từ một công ty chuyên về khám chữa bệnh trực tiếp chuyển sang một nền tảng khám bệnh từ xa, từ một công ty tư vấn về phát triển nguồn vốn con người sang một nền tảng quản trị trải nghiệm người học (Learning Experience Management) đều bắt đầu do nỗi sợ và tất nhiên, cả sự phấn khích về tương lai.
Rupert Murdoch, một con khủng long trong giới truyền thông nói “bây giờ không phải là thời đại cá lớn nuốt cá bé, mà là cá nhanh nuốt cá chậm”.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh đến văn hóa “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” của Vingroup và một trong những giá trị cốt lõi của Tập đoàn là “tốc”, làm mọi thứ thật nhanh.
Tuy vậy, chuyển đổi số là một quá trình, chứ không phải một dự án. Cho nên, hành động cần nhanh, cần “tốc”, nhưng tầm nhìn về tương lai cần “tĩnh”, cần kiên định với dự phóng của mình.
Chúng tôi đã xây dựng một chương trình tư vấn và đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp bao gồm 8 bước.
Bước một là xác định tầm nhìn số của doanh nghiệp. Bước hai là đánh giá mức độ trưởng thành về chuyển đổi số, như tôi có chia sẻ ở trên, có 8 bậc thang về chuyển đổi số.
Bước thứ ba, xác định ưu tiên trong quá trình chuyển đổi. Thứ tư, xây dựng lộ trình chuyển đổi. Thứ năm, xây dựng bước đột phá về chuyển đổi số.
Thứ sáu, xây dựng cơ chế quản lý chuyển đổi số. Thứ bảy, xây dựng văn hóa chuyển đổi số ở doanh nghiệp và cuối cùng mới là khởi động kế hoạch chuyển đổi số.
Cần phải chuẩn bị rất nhiều mới có thể đảm bảo cho chuyển đổi số thành công.