Nhiều doanh nhân tìm đến sân golf để giải tỏa áp lực công việc

Nhiều doanh nhân tìm đến sân golf để giải tỏa áp lực công việc

Sống chậm với doanh nhân F1

(ĐTCK) “Một ngày nọ, ghé vào Diamond Plaza mua món quà cho con gái sau chuyến công tác dài ngày, bất chợt gặp con trai của một doanh nhân thất thế đang làm bảo vệ tại đây, lòng tôi như chùng lại”. 

Đó là tâm sự của Chủ tịch một tập đoàn tư nhân từng nổi đình đám một thời trong lĩnh vực bất động sản. Sau lần đó, ông đã suy nghĩ rất nhiều về giá trị cuộc sống, sự nghiệp và quyết định thay đổi.

Rẽ ngoặt bất ngờ

Đã có hàng loạt thay đổi trong cách thức điều hành của vị chủ tịch nọ sau cuộc gặp tình cờ trên. Nếu như trước kia, ở tập đoàn, ông quyết định mọi thứ, ý kiến của ông là tối thượng và mọi người đều phải thực hiện, bất kể đúng sai. Nay, ở các công ty con, ông để cho ban điều hành của họ tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Nếu thấy cần vay vốn ngân hàng để triển khai các hoạt động mới, tự họ sẽ lập đề án và chủ động đi vay, chứ không dựa trên một cú alo của ông như trước.

Khi trước, vay tiền ngân hàng dễ dàng, ông bung ra nhiều lĩnh vực, đầu tư dàn trải. Không chỉ đổ tiền vào các dự án bất động sản hoành tráng, ông còn mở thêm công ty truyền thông, nhảy vào lĩnh vực thương mại, ngân hàng, giáo dục… Nay các lĩnh vực tay mơ bị ông dẹp hết, thậm chí nhiều nơi, ông chấp nhận mất hết vốn để tập trung cho ngành nghề kinh doanh chính, bởi đã thấm thía bài học: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.

Thói quen sinh hoạt của ông cũng có sự thay đổi. Trước kia, tuần làm việc của ông dày đặc lịch tiếp khách, tham gia các sự kiện, tiệc tùng, mặc vợ ngóng con trông. Nay mỗi tuần, ông đều dành thời gian cho gia đình, con cái, thậm chí còn dành thời gian về ăn cơm trưa với vợ, khiến chị vợ ban đầu rất ngạc nhiên. Trước đây, trong những câu chuyện của ông, rặt là những thông tin thị trường, công ty này có thêm dự án mới, công ty kia sắp bàn giao nhà…, giờ thì xuất hiện bóng dáng của con cái.

Điều khiến ông tự hào là con cái ông rất tự lập. Cô con gái đầu vừa trúng tuyển vào một trường đại học công tại Mỹ. Để có kết quả đó, cô bé đã phải nỗ lực, học tập rất nhiều. Khi ông nói rằng, ông đủ tiền để cho con ở những trường tư danh giá nhất, cô bé bảo: “Ba cứ để con thi trường công lập, giờ ba đủ tiền lo cho con, nhưng ai biết ngày sau, còn ba em con nữa”. “Nghe con bé nói thế, tôi thấy mình chừng này tuổi còn phải học nhiều”, ông tâm sự. 

Nhiều thứ còn quý hơn vàng

Căn nhà của ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu nằm giữa một khu vườn xanh mướt, tràn ngập nắng, lấp ló những trái bưởi chín vàng và thoang thoảng mùi hương hoa móng rồng. Đem thiên nhiên gần với cuộc sống, tạo ra nhiều trải nghiệm mới mẻ trong công việc và hợp tác, ông Châu chia sẻ rằng, một cuộc sống đúng nghĩa phải đầy đủ ba yếu tố văn hóa - kinh tế - sức khỏe.

Doanh nhân này từ lâu đã rất chú trọng đến chất lượng cuộc sống. Nhờ kết hợp khéo léo giữa đức trị và kỹ trị, việc điều hành doanh nghiệp đối với ông không trở thành áp lực hay gánh nặng ở bất cứ thời điểm nào.

Là ông chủ giàu có đất Hà thành, ông Châu có thú sưu tập xe hơi và tự tay lái xe rong ruổi trên các nẻo đường. Ông vẫn đi vắng cả tuần, thăm các vùng miền, đi làm từ thiện và thể nghiệm những thú vui riêng, mà hệ thống vẫn chạy đều.

Chứng kiến nhiều bạn bè, doanh nhân làm việc đến quên cả bản thân rồi mắc bạo bệnh, bản thân cũng từng trải qua vài phen ốm thập tử, ông Châu thấm thía việc phải giữ gìn sức khỏe, không chỉ cho bản thân mà cả gia đình, bạn bè và cộng sự. Ngoài thời gian dành cho nghiệp kinh doanh vàng, ông say mê nghiên cứu dược phẩm, chiết xuất từ cỏ cây, hoa lá và từ các cây thuốc quý của Việt Nam. Ông đã thành lập Công ty Dưỡng dược Bảo Sinh chuyên về chăm lo sức khỏe, đầu tư máy móc bài bản, nhưng sản phẩm làm ra chủ yếu để dành cho bản thân, người thân trong gia đình, rồi biếu tặng bạn bè, đối tác, cộng sự.

Mê văn hóa, làm thơ và quay phim, chụp ảnh, Vũ Minh Châu còn thành lập hẳn Công ty Nghệ thuật Tràng An. Công ty hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, mà chủ yếu là góp phần bảo tồn các môn nghệ thuật truyền thống và chăm lo đời sống tinh thần cho nhân viên Bảo Tín Minh Châu. Luận về sự giàu nghèo, ông quan niệm: “Có rất nhiều tiền chưa hẳn đã là người giàu. Người biết tiêu tiền một cách thông minh, có ích cho gia đình và xã hội mới thực sự là người giàu. Có tiền mà chỉ để cất, để tích, không mang lại giá trị cuộc sống thì vẫn là người nghèo".

Muốn đi xa thì phải từ từ

Một tập đoàn tư nhân có trụ sở tại Hà Nội đang có trong tay danh mục tài sản rất lớn nhưng hầu như không xuất hiện trong các giải thưởng, lễ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân nào. Ông chủ tập đoàn này hàng ngày vẫn về ăn cơm trưa với vợ, chỉ trừ khi có những ngày công tác hoặc tiếp khách đặc biệt, bữa ăn sáng cũng do một tay bà vợ chuẩn bị dù gia đình có cả một đội giúp việc, lái xe… Dù tuổi chưa cao, ông vẫn tỏ ra thận trọng trước bất cứ dự án hay thương vụ nào. Ông kể, trước đây ông cũng thuộc tuýp người “súng dí bên tai cũng không sợ”, nhưng nay ông đã luyện được cách từ bỏ. Với ông, gia đình và sự trưởng thành của con cái còn quan trọng hơn cả sự nghiệp bản thân. Ông tự chiêm nghiệm: “Doanh nhân đừng dại dột biến cuộc sống và công việc của mình thành máy bay siêu tốc. Doanh nhân đề ra dự án và làm dự án đó trong điều kiện nhận biết, làm chủ dự án, không phải dự án làm chủ doanh nhân”.

Ông rất tâm đắc với triết lý kinh doanh của người Nhật với những thương hiệu lâu đời tồn tại hàng thế kỷ nhờ cách đi bền vững mà uyển chuyển của họ. “Sống chậm mở cho mình lối đi vững chắc và lối về an toàn. Nền kinh tế càng phát triển, thương trường càng hội nhập thì cạnh tranh lại càng khốc liệt”, đại gia này chia sẻ.

Người Nhật nổi tiếng thế giới về tuổi thọ, nhưng cũng là nước có tỷ lệ người tự tử lớn nhất thế giới do áp lực cuộc sống và công việc. Một điểm thú vị là làm nên tuổi thọ trung bình đáng mơ ước của người Nhật chính là những người dân tỉnh lẻ, chứ không phải dân đô thị. Có lẽ sống chậm và coi trọng chất lượng cuộc sống chính là bí quyết sống thọ của người dân đất nước mặt trời mọc.

Tin bài liên quan