Sơn sinh thái được nhiều chuyên gia đánh giá cao vì nhiều tính năng ưu việt

Sơn sinh thái được nhiều chuyên gia đánh giá cao vì nhiều tính năng ưu việt

Sơn sinh thái, sự “tiến hóa” tất yếu

(ĐTCK) Khi công trình xanh nở rộ và nhu cầu về các sản phẩm an toàn lên ngôi, cũng là lúc sơn sinh thái trở thành xu hướng.

Triển vọng từ công trình xanh

Công trình xanh đang ngày càng được chú ý và có mức độ nhận biết, tầm ảnh hưởng lớn tới cộng đồng. Và một trong những yếu tố tiên quyết, không thể thiếu khi phát triển công trình xanh, đó là phải gắn với các vật liệu xanh, thân thiện môi trường.

Đây là những vật liệu giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong suốt quá trình chế tạo, xây dựng và sử dụng, trong khi vẫn tạo nên sự thoải mái và tiện nghi nhất định đến người sử dụng. Đó cũng chính là yêu cầu của các nhà thiết kế, kiến trúc sư và thi công khi tiến hành thực hiện những dự án xanh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, TS. Pamela Phua, Tổng giám đốc Công ty Sơn AkzoNobel Việt Nam cho rằng, tương lai của nghệ thuật kiến trúc là những ngôi nhà tràn ngập mảng xanh với không gian sống phủ đầy hơi thở thiên nhiên và được làm từ những nguyên vật liệu bền vững, từ đó mang lại một cuộc sống lành mạnh hơn cho gia chủ.

Hiện nay, quy mô của kiến trúc xanh tại Việt Nam hứa hẹn sẽ được mở rộng nhanh chóng do sự phát triển mạnh mẽ của các nguyên vật liệu tái chế, vật liệu tiết kiệm năng lượng và vật liệu thân thiện với môi trường.

Sơn tuy chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong ngân sách đầu tư của một dự án xây dựng, nhưng lại có khả năng khiến công trình trở nên bền vững hơn. Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành sơn Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, nhập khẩu các công nghệ sản xuất sơn hiện đại, tiên tiến, cho ra đời nhiều sản phẩm sơn mới an toàn hơn.

Sự “tiến hóa” tất yếu

Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, trong 10 năm qua, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam có được những bước phát triển vượt bậc, trong đó có ngành sơn. Trước đây, đa phần là sơn hữu cơ, có dung môi là hữu cơ, khoảng 5 năm gần đây, sơn vô cơ phát triển mạnh tại Việt Nam.

Bằng sản phẩm có công nghệ nước ngoài, sản xuất tại Việt Nam giúp các công trình xây dựng được sử dụng sản phẩm mới, chất lượng, làm đẹp thêm cho các công trình với giá cả phải chăng hơn nhiều sản phẩm nhập khẩu. Việc các doanh nghiệp ngành sơn cho ra đời ngày càng nhiều sản phẩm mới đã góp phần đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu về vật liệu tiên tiến hiện đại, phát triển theo xu hướng chung của các nước phát triển trên thế giới.

Theo các chuyên gia, sản phẩm sơn thân thiện với môi trường phải là sơn có cấu trúc gốc nước thay vì gốc dầu (dung môi), với lượng khí thải CO2 thấp và giúp cho việc tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn. Một sản phẩm sơn phủ có độ bền cao chính bản thân nó cũng đã là vật liệu xanh bền vững, vì nó giúp giảm chi phí bảo trì và hạn chế các tác động có hại đến môi trường.

Khách hàng trải nghiệm việc sử dụng sơn sinh thái 

Còn theo ông Nguyễn Quang Cung, chuyên gia vật liệu xây dựng, với vật liệu xanh, cần phải đảm bảo xanh cả ở 2 giai đoạn: Xanh trong quá trình sản xuất, tức phải thân thiện môi trưởng, tiết kiệm tài nguyên, phát thải ít nhất và xanh trong sử dụng, phải tiếp tục phát huy tính xanh trong sử dụng cách nhiệt, cách âm, giúp tiết kiệm nhiên liệu, điện năng, năng lượng…

Với các doanh nghiệp ngành sơn, việc sản xuất ra sản phẩm được công nhận là sơn xanh, sơn sinh thái cũng sẽ giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường nhanh hơn. Qua đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều động lực hơn để phát triển sản phẩm này.

Đồng quan điểm, PGS. Nguyễn Thị Bích Thủy, Trường đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, chuyên gia ngành sơn cho rằng: “Sơn sinh thái là hệ sơn thân thiện môi trường, phù hợp với tường, bê tông. Xu thế hiện giờ không phải là sơn dung môi, mà là sơn có khả năng tương tác với môi trường, có khả năng tự rửa sạch tốt”.

Nhiều ưu điểm nổi bật

Một trong những ưu điểm nổi bật của sơn sinh thái so với các loại sơn thông thường, đó là trong khi phần lớn các loại sơn phổ biến hiện nay đều bị giảm tuổi thọ sử dụng trong môi trường chứa kiềm (như các vùng ven biển, hải đảo), thì sơn sinh thái lại khá yêu thích môi trường khắc nghiệt kiểu này. Các thành phần trong sơn sinh thái lại thích nghi tốt, có khả năng tương tác với chất kiềm, từ đó, không chỉ bảo vệ bề mặt sơn mà còn chuyển dịch ngược Canxi 2+ (để tương tác với vữa trát, bê tông, tăng khả năng điền đầy các lỗ xốp của vật liệu) tăng tuổi thọ cho công trình. Thậm chí, có những sản phẩm sơn sinh thái chứa gốc vôi có thể dùng nước biển để pha chế sơn, sử dụng tốt cả ở vùng biển, hải đảo.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Tô Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sơn công nghiệp, đơn vị sản xuất sản phẩm sơn sinh thái Crestone cho biết: “Sơn sinh thái chứa vôi là khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng ở nhiều nước ven biển tnhư Anh, Pháp, Mỹ, Italia thì nó lại rất phổ biến, vì chịu được khí hậu biển, dễ thi công, giá thành hợp lý và an toàn cho người sử dụng”.

Đánh giá về những đặc tính nổi bật của sơn sinh thái, GS.TS. Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới cho rằng, sản phẩm nếu tích hợp, ứng dụng được công nghệ, vật liệu nano vào sản phẩm sẽ rất tốt. Việc các sản phẩm sơn sinh thái sử dụng một  thành phần là điều rất tiến bộ, vì nó rất thân thiện môi trường, ít sử dụng hóa chất hay dung môi hữu cơ, có hàm lượng VOC thấp. Đặc biệt, loại sơn này dùng 2 tác nhân trời cho để đóng rắn là CO2 và hơi ẩm, nhờ đó tạo ra lớp màng sơn có độ chắc, độ bền cơ lý cao.

Nhìn nhận về triển vọng của sơn sinh thái, họa sĩ Thu Thủy, Giám đốc Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội cho rằng, mặc dù sản phẩm này chủ yếu sử dụng trong ngành công nghiệp, nhưng với họa sĩ cũng rất ưa chuộng, bởi sơn có khả năng giữ độ bền vững màu ngoài trời, chịu được mưa nắng, thích hợp với bê tông.

Họa sĩ Thu Thủy còn cho hay, thời gian tới, bà sẽ phối hợp cùng Công ty TNHH Sơn công nghiệp thực hiện việc thay "áo mới" cho tuyến phố Nghi Tàm, tạo nên một điểm nhấn mới cho Thủ đô. Ngoài ra, sơn sinh thái cũng sẽ được hai đơn vị sử dụng để làm bừng sáng nhiều điểm nhấn cảnh quan của Hà Nội như nút giao cầu Chương Dương và một số di tích khác.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan