Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Chí Cường
Chia sẻ về kết quả VTCI 2021 cho 15 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho biết, với sự hỗ trợ của TAB và Ban IV, các chuyên gia của dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ đã nghiên cứu và đánh giá kỹ năng lực cạnh tranh về du lịch của 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam dựa trên những tiêu chí khác nhau. Mục đích của dự án VTCI là xếp hạng năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam nhằm xây dựng định hướng cho phát triển du lịch trong tương lai.
Năng lực cạnh tranh du lịch của 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Quảng Bình, TP.HCM, Kiên Giang, Ninh Bình, Bình Định, Lâm Đồng, Lào Cai, Bình Thuận, Cần Thơ, được đo lường qua 4 nhóm tiêu chí là: tạo dựng môi trường (25%), chính sách và điều kiện cho du lịch (25%), hạ tầng du lịch (25%), tài nguyên tự nhiên và văn hoá (25%); 12 trụ cột bao gồm 71 chỉ số được tính toán trên cơ sở dữ liệu từ cuộc khảo sát và các nguồn thông tin; thang điểm 1-7. Theo đó, Đà Nẵng đứng đầu (4,7 điểm), tiếp theo là Quảng Ninh (4,68 điểm), Khánh Hòa (4,56 điểm), Quảng Nam (4,55 điểm), Thừa Thiên Huế (4,52).
Ông Kai Partale, chuyên gia dự án EU chia sẻ: “VTCI là một công cụ để điểm đến du lịch nâng cao năng lực cạnh tranh một cách có mục tiêu, để kiểm soát việc đạt được các mục tiêu đó và hoạch định các biện pháp hữu hiệu nhằm phát triển du lịch mạnh mẽ hơn”.
VTCI được xây dựng trên một hệ thống gồm hơn 70 chỉ số đánh giá các khía cạnh khác nhau liên quan tới năng lực cạnh tranh du lịch. Phương pháp tiếp cận của hệ thống dựa trên các chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành (TTCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Theo đó, hệ thống được điều chỉnh và bổ sung các chỉ số lựa chọn phù hợp với đặc thù của Việt Nam, tạo cơ sở cho việc so sánh năng lực cạnh tranh du lịch giữa các tỉnh.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB cho biết: “Đây chính là thời điểm cần thiết để phân tích và đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các điểm đến du lịch. Đặc biệt là hiện tại, khi ngành du lịch đang phải trải qua những thách thức chưa có tiền lệ thì điều quan trọng là phải đặt ra hướng đi phù hợp cho tương lai. Với ý nghĩa đó, VTCI là công cụ quan trọng trong lộ trình phát triển”.
Ông Trương Gia Bình, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban IV khẳng định những lợi ích thiết thực của VTCI: “Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch giúp các tỉnh, thành phố có cơ sở khoa học để định hướng phát triển du lịch, nhằm đạt được các mục tiêu dựa trên những nguyên tắc cơ bản là đối thoại với các bên liên quan”.
Vấn đề mấu chốt được nhận định tại thời điểm này là việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng VTCI phải đảm bảo tính bền vững. Về vấn đề này, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu đưa ra khuyến nghị cần phải giao trách nhiệm cho một đơn vị có tư cách được thừa nhận và độc lập, đảm bảo có đủ tính minh bạch và đáng tin cậy để đại diện cho ngành du lịch tiếp tục thực hiện dự án VTCI.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, năm 2019, lần đầu tiên VTCI được nghiên cứu thí điểm tại 5 điểm đến du lịch trên cả nước và công bố tại Diễn đàn Cấp cao du lịch và lữ hành Việt Nam (trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ViEF). VTCI có tiềm năng thay đổi cách thức hoạt động của các điểm đến trong chiến lược phát triển và quản lý du lịch, tuy nhiên, cũng như đối với bất kỳ dự án khởi nghiệp mới nào, hệ thống mới đang trong giai đoạn ươm tạo và sẽ cần sự cố vấn và hỗ trợ liên tục.
Do đó, các chuyên gia đề xuất TAB giữ vai trò liên lạc thường xuyên với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch thông qua mạng lưới các đại diện tích cực thuộc khối doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đào tạo và hỗ trợ thêm để đảm bảo VTCI được mở rộng đến tất cả các điểm đến du lịch ở Việt Nam.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, kết quả VTCI 2021 sẽ làm rõ hơn những tiềm năng, thế mạnh, hạn chế cần khắc phục của các địa phương để phát triển du lịch một cách căn cơ, bài bản, khách quan, minh bạch. Qua đó, góp phần hỗ trợ cho công tác tham mưu, quản lý nhà nước về du lịch của Bộ được tốt hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Nên sớm hình thành Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp quốc gia để có thể tự mình đánh giá tốt hơn về điểm đến và năng lực cạnh tranh của mình, chứ không phải như lâu nay, chỉ dựa vào kết quả điều tra, nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF”.