Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).
Thưa ông, vướng mắc trong xử lý đất đai có phải là một trong những rào cản lớn nhất trong tiến trình CPH? Theo ông, liệu có hoàn thành kế hoạch CPH giai đoạn 2017 - 2020?
Hiện có tới 25 vấn đề đã và đang cản trở tiến trình CPH. Trong đó, việc xử lý đất đai trước khi tiến hành chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước là một trong những vướng mắc lớn nhất.
Chính phủ cũng đã nhận ra điều này, nên Nghị quyết 01/2019/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã yêu cầu phải sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 91/2015/NĐ-CP, Nghị định 167/2017/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong CPH, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2017 - 2020 phải tiến hành CPH 128 doanh nghiệp, nhưng đến hết năm 2019, mới xử lý được 36 đơn vị, nên số lượng doanh nghiệp còn lại phải CPH dồn sang năm 2020 quá lớn. Hơn nữa, do dịch cúm Covid-19, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thị trường chứng khoán cũng đang rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, nên có thể nói trước rằng, không thể hoàn thành kế hoạch CPH và thoái vốn.
Những đơn vị chưa CPH, thoái vốn sẽ chuyển sang giai đoạn sau làm tiếp. Điều quan trọng nhất là phải đạt được chất lượng CPH, thoái vốn, chứ không chạy theo số lượng. Chất lượng ở đây là không làm thất thoát tài sản nhà nước, doanh nghiệp sau khi chuyển đổi hoạt động có hiệu quả hơn... và phải công khai, minh bạch toàn bộ quá trình thoái vốn, CPH.
Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nghị định 167/2017/NĐ-CP... đã quy định rất rõ trình tự xử lý về đất đai, tài sản nhà nước. Vậy còn vướng mắc ở chỗ nào?
Các quy định hiện hành yêu cầu tất cả doanh nghiệp nhà nước phải rà soát đất đai, tài sản, nhà đất và xây dựng phương án sắp xếp, sử dụng nhà, đất, kể cả doanh nghiệp có trong danh sách CPH, thoái vốn và doanh nghiệp chưa phải CPH, thoái vốn, nhưng trên thực tế, việc này không được làm nghiêm túc. Bởi nếu rà soát, chắc chắn sẽ có không ít đơn vị thừa ra diện tích đất không có nhu cầu sử dụng và theo quy định thì phải trả lại Nhà nước (UBND cấp tỉnh). Diện tích đất không sử dụng đang cho thuê, liên doanh, liên kết hoặc sử dụng vào mục đích khác, đang là “con gà đẻ trứng vàng”, nên doanh nghiệp vin đủ lý do để trì hoãn việc rà soát, xây dựng phương án sắp xếp và sử dụng nhà đất làm căn cứ cho phương án CPH.
Vấn đề nữa là, với việc rà soát, phát hiện diện tích đất thừa ra, không sử dụng hết, sử dụng không đúng mục đích sẽ phải quy trách nhiệm, nhưng việc quy trách nhiệm không dễ bởi nhiều diện tích đất không có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ. Để giải quyết vấn đề lịch sử để lại này, phải bỏ nhiều công sức, tài chính để xác lập lại hồ sơ đất đai theo Luật Đất đai.
Còn những vướng mắc gì nữa, thưa ông?
Nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ đang quản lý rất nhiều đất đai ở nhiều địa phương khác nhau, giờ phải bỏ một đống tiền đi làm thủ tục, hoàn thiện hồ sơ đất đai và phải nộp các khoản tài chính liên quan đến đất đai vào ngân sách nhà nước, nên không ai muốn làm.
Ngoài ra, không ít doanh nghiệp dành diện tích đất không sử dụng hết phục vụ lợi ích cho ban lãnh đạo, cho một nhóm người (lợi ích nhóm), nên người ta lờ đi. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp có diện tích đất bị tổ chức, cá nhân khác chiếm dụng, thậm chí người lao động trong doanh nghiệp cũng chiếm dụng đất công làm nhà ở, khi xử lý dẫn đến tranh chấp, mà đã có tranh chấp về đất đai thì thời gian xử lý thường kéo dài.
Đất đai không xử lý được, không sắp xếp được phương án sử dụng, thì không có căn cứ để định giá doanh nghiệp, không thể xây dựng được phương án CPH, nên tiến trình CPH bị chậm lại.
Như ông nói, thì đúng là phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đang là trở lực lớn nhất trong tiến trình CPH. Vậy xử lý vấn đề này thế nào?
Bộ Tài chính đã gửi công văn tới các bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo doanh nghiệp và các cơ quan liên quan khẩn trương lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (bao gồm cả phương án sử dụng đất khi CPH) trình UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng phê duyệt.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp tỉnh phải có ý kiến chính thức đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau CPH và giá đất cụ thể làm cơ sở cho việc xác định giá trị doanh nghiệp.
Trong trường hợp bị chậm trễ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, nên đương nhiên sẽ tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc kéo dài thời gian phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp và yêu cầu tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải bồi thường vật chất các chi phí phát sinh do kéo dài thời gian.
Hướng dẫn này đã tháo gỡ phần nào khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng và phương án sử dụng đất của doanh nghiệp vì có tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý trách nhiệm, bồi thường vật chất cũng như các chi phí phát sinh do sự chậm trễ gây ra. Tuy nhiên, để tháo gỡ toàn bộ khó khăn thì phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP, Nghị định 167/2017/NĐ-CP.