Sớm dẹp “loạn” phí quản lý nhà chung cư

Sớm dẹp “loạn” phí quản lý nhà chung cư

(ĐTCK-online) Bất đồng giữa chủ đầu tư và cư dân trong các tòa nhà chung cư về mức phí quản lý không phải chuyện mới. Cơ quan quản lý cũng đã ban hành khung pháp lý cho vấn đề này khá cụ thể.

Tuy nhiên, thực tế mâu thuẫn vẫn diễn ra bởi để giải quyết ổn thỏa vấn đề này cần nỗ lực và thiện chí của cả chủ đầu tư các tòa nhà cũng như cư dân sống tại mỗi căn hộ.

Hiện tình trạng thu phí quản lý chung cư tại Hà Nội rất lộn xộn. Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai) do Tập đoàn HUD làm chủ đầu tư có phí quản lý chung cư là 50.000 đồng/hộ/tháng, bao gồm: bảo vệ 24/24h, tiền điện thang máy, điện hành lang, lau dọn hành lang, cầu thang. Tại KĐT Việt Hưng (Long Biên), mức phí quản lý được tính 60.000 đồng/hộ/tháng. Tại Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, phí dịch vụ 30.000 đồng/hộ/tháng, từ ngày 1/5/2011 tăng lên 90.000 đồng/hộ/tháng. Tại những khu đô thị này, tiền gửi ôtô, xe máy được thu theo đúng giá quy định của thành phố. Nhưng tại một số chung cư cao cấp, mức thu phí quản lý cách khá xa như ở Vincom B là 14.000 đồng/m2/tháng; Sky City 88 Láng Hạ 8.000 đồng/m2, Ciputra 6.300 đồng/m2, Keangnam gần 21.000 đồng/m2; The Manor 8.000 đồng/m2… Mức thu phí bất hợp lý tại nhiều khu chung cư như Keangnam khiến người dân rất bức xức và liên tục có đơn thư khiếu nại.

Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư. Theo đó, giá dịch vụ nhà chung cư được thu, chi  theo nguyên tắc tự thu, tự trang trải và công khai nhằm đảm bảo chung cư hoạt động bình thường nhưng phải phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội của từng địa phương và thu nhập của người dân từng thời kỳ và được trên 50% các thành viên trong Ban quản trị nhà chung cư thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Đối với nhà chung cư chưa thành lập được Ban quản trị, giá dịch vụ nhà chung cư phải được trên 50% hộ dân cư đang sống tại nhà chung cư nhất trí thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Trường hợp giá dịch vụ nhà chung cư đã có thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ thì thực hiện như thỏa thuận đó.

Tuy nhiên, thực tế lại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là khi các hợp đồng mua bán nhà chung cư hiện nay đều chưa có quy định về mức phí quản lý căn hộ. UBND thành phố Hà Nội từng tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến đóng góp nhằm cụ thể hóa quy định của Bộ Xây dựng nhưng rốt cuộc đều không đi đến quyết định gì. Đơn cử như quy định của Bộ Xây dựng cho phép Ban quản trị các tòa nhà đứng ra ký hợp đồng thuê các đơn vị dịch vụ, thu tiền phí từ cư dân. Làm được vậy thì các Ban quản trị phải là pháp nhân và có bộ máy thu, quản lý tiền. Điều này không thực hiện được vì phần lớn những người trong ban quản trị tòa nhà là các cán bộ về hưu, người già.

Tại sao các khu đô thị như Trung Hòa Nhân Chính, Linh Đàm lại có mức phí quản lý thấp? Các Tập đoàn như HUD và Vinaconex lập hẳn các công ty riêng về quản lý đô thị. Đơn cử, Vinaconex có CTCP Phát triển và dịch vụ đô thị Việt Nam với hơn 500 nhân lực, chủ yếu đảm nhận dịch vụ tại khu Trung Hòa Nhân Chính. Tại đây, ngoài phí quản lý thu từ các hộ dân, doanh nghiệp này còn có các hoạt động khai thác tại chỗ như cho thuê quảng cáo tại khu đô thị, cho thuê phủ sóng di động, trông giữ xe… để hỗ trợ phí quản lý. Một lãnh đạo Công ty này cho hay, nếu không có những khoản khai thác như trên, phải thu ít nhất 3.000 đồng/m2/tháng mới trang trải được chi phí.

Trong khi cư dân của nhiều khu đô thị cao cấp bức xúc về việc họ bị thu phí cao một cách vô lý, thì chủ đầu tư nhiều khu dân cư cao cấp cũng bức xúc không kém. Chủ đầu tư một trong 4 dự án cao cấp có cư dân vừa gửi đơn kiến nghị UBND TP Hà Nội cho hay, mức thu hiện tại tại tòa nhà này là mức tạm thu, đến hết năm tài chính Công ty mới có quyết toán về việc thu chi. Hiện nay, các hộ dân trong các tòa nhà vẫn chưa đóng phí dịch vụ đầy đủ, nhưng chủ đầu tư vẫn phải chủ động vận hành khu chung cư, phải lấy thu bù chi và họ trực tiếp phải bỏ tiền ra hỗ trợ 1 phần. Chủ đầu tư dự án cũng yêu cầu cư dân tại đây lập ra Ban quản trị tòa nhà nhưng vận động mãi, các hộ dân cũng không thực hiện. Lý do khá tế nhị là Ban quản trị tòa nhà ra đời sẽ phải gánh trách nhiệm giải quyết khoản nợ tới 4-5 tỷ đồng phí quản lý chung cư tồn đọng từ trước đến nay.

Rõ ràng, mỗi bên đều có cái lý của mình mỗi khi đưa ra mức phí quản lý chung cư và tranh cãi về vấn đề này chưa có hồi kết nếu UBND Hà Nội không sớm có văn bản quy định cụ thể hóa các nội dung trong Thông tư mà Bộ Xây dựng đã ban hành.