TS. Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)
“Lực lượng lao động không song hành cùng với tăng trưởng GDP và đang có dấu hiệu suy giảm”, bà Hương nhận xét.
Chưa bao giờ vào quý IV hàng năm, thị trường lao động lại ảm đạm như năm nay, khi có đến nửa triệu công nhân mất việc, thiếu việc làm. Thưa bà, có thể nói, thị trường lao động Việt Nam khá bấp bênh?
Không phải bây giờ, mà từ năm 2010 đến nay, thị trường lao động đã có dấu hiệu giảm tốc so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự sôi động của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thị trường lao động bấp bênh cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Tốc độ tăng dân số của nước ta hiện tại ở mức 0,93%/năm, tức là trên lý thuyết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 800.000 - 900.000 người bổ sung vào lực lượng lao động, nhưng trên thực tế thì lực lượng lao động có quý tăng, quý giảm, có năm tăng, năm giảm.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu như quý I/2020, lực lượng lao động của Việt Nam là 51,2 triệu người, thì đến cuối năm tăng lên 52,1 triệu người, nhưng sang quý I/2021 giảm xuống còn 51 triệu người và chỉ còn 50,7 triệu người vào quý IV/2021. Trong 3 quý đầu năm nay, lực lượng lao động tăng đều từng quý và đạt 51,9 triệu người vào đầu tháng 10/2022, nhưng vẫn còn thấp hơn so với quý IV/2020.
Lực lượng lao động thì tăng giảm, trồi sụt, số người có việc làm cũng tương tự, lúc tăng, lúc giảm. Điều đó có nghĩa là, về chiều rộng, thị trường lao động Việt Nam “có vấn đề”, nói đúng ra là bấp bênh. Số người tham gia vào lực lượng lao động ít hơn số người được sinh ra, số người lao động có việc làm còn ít hơn nữa, vậy thì “số thừa” đi đâu, họ làm gì để sinh tồn.
Thế còn chiều sâu của thị trường lao động là gì?
Đó là thu nhập của người lao động và chất lượng lao động (năng suất), bảo đảm an sinh xã hội và môi trường làm việc, môi trường sống cho người lao động.
Về thu nhập, từ năm 2010 đến nay, thu nhập của người lao động hầu như được tăng hàng năm nhờ tăng lương tối thiểu vùng, nhưng hiện tại thu nhập vẫn chưa bảo đảm được mức sống tối thiểu. Còn về năng suất lao động, mặc dù Việt Nam vẫn tăng đều hàng năm, nhưng tăng khá chậm và khó có thể thu hẹp được khoảng cách với các nước trong ASEAN (ngoại trừ Myanmar và Campuchia thấp hơn Việt Nam).
Thu nhập của người lao động tăng, năng suất lao động tăng, nhưng chế độ an sinh xã hội, điều kiện làm việc, điều kiện sống của người lao động bây giờ vẫn không hơn gì 10 năm trước. Tuyệt đại đa số công nhân, hàng ngày đứng trong dây chuyền sản xuất ở nhà máy, công xưởng, tối về vẫn quanh quẩn trong căn phòng trọ lợp tôn mươi mét vuông, ngoài “lướt mạng”, không có bất cứ cái gì để giải trí, học tập. Khi ngoài 40 tuổi, tay không còn nhanh, mắt không còn sáng như thời thanh niên, họ sẽ bị chủ sử dụng lao động tìm cách sa thải.
Còn những điểm hạn chế nào nữa của thị trường lao động, thưa bà?
Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thấp một phần là do hàng triệu người không có việc làm, không muốn tìm kiếm việc làm mới hoặc tham gia học tập, đào tạo để thay đổi công việc, tức là họ ra khỏi lực lượng lao động. Trong nhiều thời điểm, doanh nghiệp rất khát người làm, đặc biệt trong quý III/2022, tìm “đỏ mắt” cũng không tuyển dụng được công nhân. Trong khi, như tôi nói, có hàng triệu người tự nguyện đứng ngoài lực lượng lao động. Đây chính là sự hạn chế của thị trường lao động.
Ngoài ra, hiện có trên 4% số lượng lao động không khai thác hết tiềm năng. Tỷ lệ này chắc chắn đang tăng mạnh kể từ đầu tháng 10/2022, khi hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề không ký được đơn hàng mới, phải sản xuất cầm chừng.
Một vấn đề nữa, đó là lực lượng lao động ở khu vực nông nghiệp giảm dần qua từng năm. Đây là điều đáng mừng vì chuyển dịch lao động theo hướng tích cực, nhưng ở chiều ngược lại thì lực lượng lao động khu vực nông nghiệp giảm là do rất nhiều thanh niên nông thôn không còn tư liệu sản xuất, bởi đất nông nghiệp đã được chia hết trước khi họ ra đời, đến khi trưởng thành, tư liệu sản xuất không có, tay nghề, trình độ cũng không, nên họ buộc phải đứng ngoài lực lượng lao động.
Thực tế thì không ai đứng ngoài lực lượng lao động cả, vì không làm công việc này, người ta phải mưu sinh bằng công việc khác?
Trong thống kê, người ta gọi những người này là lao động phi chính thức (lao động trong hộ gia đình, tự làm, lao động không có hợp đồng, không được tham gia bảo hiểm bắt buộc, không được pháp luật về lao động bảo vệ...). Tôi không đồng tình với cách gọi lao động này là “phi chính thức”, vì là phi chính thức nên khoảng 34 triệu người không được quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ.
Ngay cả khi đại dịch Covid-19 xảy ra cũng chỉ có lao động chính thức được hỗ trợ, giúp đỡ. Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 11/NQ-CP (ngày 30/1/2022) về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cũng chỉ có các chính sách hỗ trợ lao động chính thức; lực lượng lao động còn lại chiếm 68,5% số lao động có việc làm bị lãng quên. Thậm chí, ngay cả việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, thì đối tượng này cũng không được thụ hưởng bao nhiêu, do họ sử dụng ít hàng hóa và hàng hóa chủ yếu không phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Như vậy, cần sớm có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ lao động phi chính thức, thưa bà?
Cho dù là lao động phi chính thức, cứ tạm gọi như vậy, làm bất cứ công việc gì hợp pháp cũng đang ngày đêm tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, trong Kỳ họp bất thường tới, Quốc hội nên có các giải pháp để phát triển thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến lao động phi chính thức vì số lượng lao động phi chính thức chắc chắn sẽ tăng mạnh ít nhất phải qua 6 tháng đầu năm 2023.
Ngay cả khi kinh tế thế giới phục hồi, hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh, thì lực lượng lao động phi chính thức vẫn áp đảo vì sau Covid-19, doanh nghiệp đã tái cơ cấu sản xuất, đầu tư dây chuyền, thiết bị, công nghệ, máy móc tiên tiến, hiện đại, dần tự động hóa nên những ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may, điện tử, máy tính, điện thoại... cũng không cần nhiều lao động phổ thông làm những công việc giản đơn.
Mới có khoảng 26% lực lượng lao động đã qua đào tạo, giải pháp cấp bách và lâu dài là phải tập trung đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động thì mới giảm được lao động phi chính thức - những người đang chịu thiệt thòi khi thu nhập bình quân chỉ bằng 50% lao động chính thức.