Sớm cắt đứt chuỗi lây nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
Chưa bao giờ, cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam lại cam go và đầy thử thách như hiện nay, với nhiệm vụ sống còn là phải sớm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm.
Chống dịch tốt và đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng là cách để Việt Nam sớm mở cửa trở lại nền kinh tế.

Chống dịch tốt và đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng là cách để Việt Nam sớm mở cửa trở lại nền kinh tế.

Đó là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bởi những gì đang diễn ra ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Tháp… cho thấy, có lẽ, virus SARS CoV-2 đã lẩn khuất, lây nhiễm trong cộng đồng. Và nhiều khả năng, càng xét nghiệm trên diện rộng, càng phát hiện nhiều ca lây nhiễm.

Cũng bởi thế, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, ngưỡng 20.000 ca mắc trong cộng đồng đã bị “xuyên thủng”. Cũng bởi thế, câu hỏi “chống dịch bằng cách nào” ở thời điểm hiện nay là không dễ trả lời.

Khi dịch đã lây lan trên diện rộng, liệu các biện pháp cách ly, truy vết F0, F1 có còn phù hợp? Liệu có nên tiếp tục đếm ca mắc hàng ngày, hay thay vào đó, tập trung nguồn lực chữa trị các ca bệnh nặng, bởi thực tế, tỷ lệ ca nhiễm không có triệu chứng là rất lớn? Liệu có nên chấp nhận “sống chung” với Covid-19 để cùng với đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc-xin, là dần dần mở cửa nền kinh tế?...

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra và có lẽ, đã đến lúc, cần có những câu trả lời thấu đáo hơn. Việt Nam cùng thế giới đã có kinh nghiệm hơn một năm chống đại dịch Covid-19. Không còn những lo lắng, hoang mang, hay mất bình tĩnh như thời điểm ban đầu. Quan trọng hơn, Việt Nam cũng đã được trang bị “vũ khí vắc-xin”, cộng thêm tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “5K”.

Trong chỉ đạo mới nhất về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Chính phủ, đó là kiên trì phương châm “chống dịch như chống giặc”. Thủ tướng còn nhấn mạnh rằng, bảo đảm “mục tiêu kép” là nhiệm vụ nhất quán, nhưng bảo đảm tính mạng và sức khỏe của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, là trên hết, trước hết.

Thủ tướng Chính phủ đã giao lãnh đạo UBND TP.HCM tăng cường chỉ đạo các biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát, triệt để hơn nhằm sớm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế các ổ dịch Covid-19.

TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… cũng là những trung tâm sản xuất lớn của cả nước. Một khi đại dịch Covid-19 còn lan rộng ở các địa phương này, thì kinh tế cả nước sẽ bị ảnh hưởng.

Nhưng trong thời điểm hiện nay, sức khỏe của người dân là quan trọng, ưu tiên chống dịch là trên hết. Vì thế, nếu như đầu tàu kinh tế TP.HCM “bị ốm”, nếu như các trung tâm sản xuất lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… “bị cảm”, thì các địa phương khác, các vùng kinh tế trọng điểm khác phải “chia lửa”, không chỉ trong chống dịch Covid-19, mà cả trong phát triển kinh tế. Phải nỗ lực hơn để bù đắp phần thiếu hụt từ các địa phương đang dồn lực cho chống dịch.

Đây chính là lúc, cả nước phải chung tay, tập trung tổng lực cho chống dịch Covid-19 và cho phát triển kinh tế. Bởi thực tế, chống dịch tốt cũng là cách để phát triển kinh tế - xã hội và hẳn nhiên, phát triển kinh tế - xã hội chính là cách để chúng ta có điều kiện để chống đại dịch thành công.

Chống dịch tốt và đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng là cách để Việt Nam sớm mở cửa trở lại nền kinh tế. Năm ngoái, khi dịch bệnh lan rộng ở Âu, ở Mỹ, chúng ta đã nói đến chuyện tranh thủ lúc các nước khác chống dịch, Việt Nam phải sẵn sàng chuẩn bị để đón đầu cơ hội của thời kỳ “hậu Covid-19”. Giờ đây, một số nước đã bắt đầu tính đến chuyện mở cửa lại nền kinh tế, Việt Nam càng không thể đi sau.

Có chuyên gia kinh tế đã nói rằng, nếu Việt Nam mở cửa chậm hơn thì sẽ “gay go”. Đó là một thực tế, một nguy cơ, một rủi ro mà Việt Nam có thể phải đối mặt nếu chúng ta thua trong “trận chiến Covid-19” lần này.

Bởi thế, làm sao để sớm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, ngăn chặn được dịch bệnh Covid-19 không chỉ là nhiệm vụ sống còn nhằm bảo vệ sức khỏe của nhân dân, mà còn là nhiệm vụ sống còn để đảm bảo nền kinh tế có thể sớm mở cửa trở lại, nhanh chóng hồi phục và đón đầu cơ hội tăng trưởng.

Tin bài liên quan