Theo ông Sakamoto Toru, Sojitz đang mong muốn được đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy tại Khu công nghiệp Việt Hưng (Quảng Ninh). Dự án có quy mô khoảng 150.000 tấn bột giấy/năm, diện tích sử dụng dự kiến từ 60 - 100 ha, với tổng mức đầu tư 150 triệu USD. Dự kiến, dự án sẽ sử dụng khoảng 400 lao động địa phương.
Đánh giá cao dự án này, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định luôn dành sự ưu tiên cao nhất đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt với các dự án chế biến sâu làm tăng giá trị nguyên liệu sẵn có của tỉnh như sản xuất gỗ, dăm gỗ, bột giấy… “Chúng tôi sẽ hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư”, ông Thành nói.
Dự án chưa chính thức được đệ trình và quyết định chính thức cũng chưa được đưa ra. Song có thể thấy, quy mô dự án mà Sojitz bày tỏ nguyện vọng được đầu tư ở Quảng Ninh khá giống với quy mô dự án mà Sojitz dự kiến liên doanh với Tập đoàn JK (Ấn Độ) và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam để đầu tư tại Quảng Ngãi.
Dự án này mà Sojitz định đầu tư ở Quảng Ngãi ban đầu dự kiến được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ cuối năm 2013, dời sang năm 2014 và đến nay vẫn đang bị tắc. Lý do là vì, dự án này không nằm trong Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2020, có xét đến năm 2025, do Bộ Công thương ban hành ngày 18/11/2014.
Chính vì thế, dù nhà đầu tư đã chính thức nộp hồ sơ dự án từ lâu và cũng rất tha thiết với kế hoạch triển khai Dự án, song Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất chưa thể cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã nhiều lần có công văn gửi Bộ Công thương đề nghị xem xét lại vấn đề này, tuy nhiên chưa được chấp thuận.
Theo lý giải của Bộ Công thương, trên địa bàn khu vực Trung Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện có 3 dự án bột giấy đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm Dự án Bột giấy Tân Mai, Dự án Nhà máy Sản xuất bột giấy Bình Định và Dự án Nhà máy Bột giấy VNT, với tổng công suất là 530.000 tấn bột giấy/năm. Do vậy, việc triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Bột giấy Dung Quất trong khi có 2 dự án tại địa phương đang triển khai cần phải được cân nhắc kỹ để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đã được phê duyệt.
Mặc dù trên thực tế, ngoài Dự án Bột giấy VNT vẫn đang trong quá trình xây dựng, các dự án còn lại đều chưa triển khai và chậm tiến độ, song Bộ Công thương đã đề nghị UBND tỉnh Quang Ngãi chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát việc triển khai đối với các dự án sản xuất bột giấy trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận, tạm thời chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án Bột giấy Dung Quất và chưa cấp thêm giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án mới.
Nhiều khả năng, do dự án ở Quảng Ngãi bị tắc vì vướng quy hoạch (dù là quy hoạch treo), nên Sojitz đã tìm đường tới Quảng Ninh, khu vực cũng khá thuận tiện cho việc cung ứng nguyên vật liệu để sản xuất bột giấy.
Tại khu vực Đông Bắc, có một nhà máy nằm trong Quy hoạch, công suất 250.000 tấn bột giấy và 200.000 tấn giất/năm. Dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020.