Phối cảnh Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Phối cảnh Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Soi tiềm lực tài chính chủ đầu tư Cảng hàng không Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
Việc sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã giúp Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (ACV - UPCoM) từng bước gom đủ nguồn lực để thực hiện cùng lúc nhiều dự án hạ tầng cảng hàng không lớn, trong đó có Dự án thành phần 3 - sân bay Long Thành với vốn đầu tư lên tới 98.500 tỷ đồng.

Cân đối đủ nguồn lực

“Đến thời điểm này, nguồn lực tài chính để triển khai kế hoạch đầu tư trong 3 - 5 năm tới, với tổng vốn lên tới 106.441 tỷ đồng, bao gồm vốn tự có và vốn vay thương mại, đã được chúng tôi thu xếp xong”, ông Vũ Thế, Tổng giám đốc ACV khẳng định.

Nếu không có gì thay đổi, ngày 31/8, ACV sẽ tổ chức khởi công đồng loạt 2 gói thầu xây lắp tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một gói thầu xây lắp tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với tổng giá trị lên tới hơn 50.000 tỷ đồng.

Trong số này, đáng chú ý nhất là Gói thầu số 5.10 - Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách, Dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành, có giá trúng thầu gần 28.000 tỷ đồng và 338,849 triệu USD, được thực hiện trong vòng 39 tháng.

Theo kế hoạch ban đầu, đơn vị chủ đầu tư Dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ vay ngoại tệ khoảng 2,1 tỷ USD trong tổng mức đầu tư lên tới 99.019 tỷ đồng, nhưng sau khi cân đối lại nguồn vốn, Tổng công ty chỉ vay khoảng 1,7 - 1,8 tỷ USD.

Khoản vay ngoại tệ này đã được tổ hợp ngân hàng lớn trong nước gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank cam kết thu xếp vốn theo đúng tiến độ giải ngân công trình. Phần vốn còn lại sẽ được ACV huy động từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp.

“ACV sẽ giải ngân nhanh nhất cho các đơn vị thi công Dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Dự án Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với khối lượng giải ngân có thể lên đến gần 30.000 tỷ đồng trong năm 2024”, đại diện ACV cam kết.

Tổng doanh thu thực hiện hợp nhất của ACV trong năm 2022 đạt 15.930 tỷ đồng, bằng 154,75% kế hoạch, tăng 224,43% so với thực hiện năm 2021.

Ngoài các dự án hạ tầng nằm trong Kế hoạch Đầu tư phát triển giai đoạn 2021- 2025 đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, ACV cũng vừa được đại diện phần vốn nhà nước “bật đèn xanh” cho việc tham gia đầu tư Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 và nâng cấp, mở rộng sân đỗ Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình), có tổng mức đầu tư 1.968 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của ACV đã được phê duyệt là 106.441 tỷ đồng (trong đó Dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I là 71.311 tỷ đồng); các dự án trọng điểm đã có quyết định đầu tư, đang triển khai thực hiện là 17.969 tỷ đồng; các dự án, công trình thiết yếu khác được ACV thực hiện đầu tư theo trách nhiệm của người khai thác cảng/doanh nghiệp cảng hàng không, sân bay là 17.161 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn khả dụng ước tính để cân đối đầu tư các dự án trong giai đoạn trên của ACV là 53.390 tỷ đồng (đáp ứng khoảng 50,16% nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025).

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, nguồn vốn đầu tư còn thiếu hụt khoảng 53.051 tỷ đồng (chiếm khoảng 49,84% nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025), dự kiến cân đối từ 2 nguồn chính: chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2022 là 9.786 tỷ đồng; huy động vốn (vay thương mại từ các ngân hàng trong nước và/hoặc nước ngoài, vay vốn xuất khẩu tín dụng...) là 43.265 tỷ đồng.

“Như vậy, theo báo cáo, ACV có thể cân đối đủ nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới, công suất 3 triệu lượt hành khách/năm là công trình phát sinh ngoài kế hoạch đã được phê duyệt”, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nêu rõ.

Sức khỏe tài chính cải thiện

Cần phải nói thêm rằng, việc là một trong những doanh nghiệp sớm bước ra khỏi “vòng xoáy” Covid-19 cũng giúp ACV gom đủ các nguồn lực để thực hiện đúng kế hoạch xây dựng các dự án hạ tầng quy mô lớn đã được phê duyệt.

Theo báo cáo giám sát tài chính ACV kỳ báo cáo năm 2022 vừa được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi Bộ Tài chính, tổng doanh thu thực hiện hợp nhất của đơn vị đang vận hành 21/22 cảng hàng không trong năm 2022 đạt 15.930 tỷ đồng, đạt 154,75% kế hoạch, tăng 224,43% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh (bán hàng và cung cấp dịch vụ) đạt 11.720 tỷ đồng, bằng 313,45% so với thực hiện năm 2021, chiếm 73,6% tổng doanh thu; doanh thu hoạt động tài chính đạt 4.197 tỷ đồng, bằng 125,25% so với thực hiện năm 2021, chiếm 26,3% tổng doanh thu.

Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ACV đạt 7.574 tỷ đồng, đạt 295,17% so với kế hoạch, bằng 1026,28% so với thực hiện năm 2021.

Bên cạnh đó, tổng tài sản của Tổng công ty tại thời điểm ngày 31/12/2022 là 59.545 tỷ đồng, tăng 9,22% so với tại thời điểm ngày 31/12/2021 (tương đương 5.027 tỷ đồng). Trong đó, tài sản ngắn hạn là 40.210 tỷ đồng, chiếm 67,53% tổng tài sản, tăng 7,24% so với thời điểm ngày 31/12/2021 (tương đương 2.716 tỷ đồng); tài sản ngắn hạn tăng chủ yếu đến từ khoản tăng giá trị khoản phải thu ngắn hạn (đa phần là khoản phải thu từ các hãng hàng không quốc nội).

Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn của ACV, tại thời điểm ngày 31/12/2022, đầu tư nắm giữ đến ngày đến hạn (tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm) chiếm 75,67% tài sản ngắn hạn (40.210 tỷ đồng) và giảm 6,74% so với thời điểm ngày 31/12/2021 (tương đương 2.200 tỷ đồng).

Tài sản dài hạn của ACV tại thời điểm ngày 31/12/2023 là 19.335 tỷ đồng, chiếm 32,47% tổng tài sản, tăng 13,57% so với tại thời điểm ngày 31/12/2021 (tương đương 2.311 tỷ đồng).

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, các tài sản của ACV cơ bản đảm bảo thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp, hệ số thanh toán nhanh và thanh toán ngắn hạn của ACV tại ngày 31/12/2022 giảm so với thời điểm ngày 31/12/2021 do chỉ tiêu Tài sản ngắn hạn tăng 7,24%, nhưng chỉ tiêu Nợ ngắn hạn tăng ở mức 47% (chủ yếu khoản mục Thuế và các khoản phải nộp nhà nước tăng 1.534 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31/12/2021.

Các chỉ tiêu tài chính đánh giá khả năng sinh lời - chỉ dấu phản ánh sức khỏe tài chính của ACV cũng đang được được cải thiện tích cực.

Tại thời điểm ngày 31/12/2022, tỷ suất sinh lời của tài sản trong doanh nghiệp (ROA) là 10,69%, tăng 9,58% so với thời điểm ngày 31/12/2021, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 15,16%, tăng 13,5% so thời điểm ngày 31/12/2021, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần của doanh nghiệp (ROS) là 38,28%, tăng 29,62% so với thời điểm ngày 31/12/2021.

“Các chỉ tiêu tài chính đánh giá khả năng sinh lời của ACV cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 của ACV hồi phục với tín hiệu khả quan sau dịch Covid-19”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo ACV, đà phục hồi của ACV tiếp tục được duy trì trong 6 tháng đầu năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng thị trường hành khách ước đạt 34,7 triệu lượt khách, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách quốc tế đạt 14,7 triệu lượt khách, tăng gần 5 lần và bằng 73,5% so cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 20 triệu lượt khách, giảm 3,4%, nhưng tăng 8,1% so cùng kỳ năm 2019.

“Doanh nghiệp khai thác cảng hàng không ít bị chi phối bởi giá nhiên liệu và tỷ giá, nên việc sản lượng hành khách tăng nhanh sẽ giúp cải thiện tình hình tài chính, qua đó giúp Tổng công ty có thêm nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư theo đúng lộ trình”, lãnh đạo ACV thông tin.

Tin bài liên quan