Sợi Thế Kỷ và lộ trình đưa cổ phiếu lên sàn

Sợi Thế Kỷ và lộ trình đưa cổ phiếu lên sàn

(ĐTCK) Từ công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển sang mô hình cổ phần, rồi tiến lên thành công ty đại chúng và sắp tới sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tiến tới niêm yết.

Đó là những bước đi “nhịp nhàng” của CTCP Sợi Thế Kỷ (CSF) trong chiến lược huy động vốn, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, sẵn sàng nắm bắt các cơ hội mới.

Tầm nhìn xa

CSF tiền thân là Công ty TNHH Sản xuất -Thương mại Thế Kỷ, thành lập vào năm 2000, chuyên sản xuất sợi DTY (draw textured yarn). Ban đầu, CSF có một nhà máy tại Củ Chi với công suất 4.800 tấn mỗi năm. Đến năm 2003, CSF tăng gấp đôi công suất lên khoảng 9.600 tấn.

Nhằm chuẩn bị gọi thêm vốn, đáp ứng nhu cầu mở rộng, CSF đã chuyển từ mô hình trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần vào năm 2005. Lúc này, CSF có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. Cứ theo kế hoạch mà đi, năm 2007, CSF huy động từ các thành viên hiện hữu và một phần từ bên ngoài, tăng vốn lên 91,5 tỷ đồng, đầu tư mở rộng nhà máy, nâng công suất lên 15.000 tấn.

Cuối năm 2009, CSF huy động thêm vốn từ bên ngoài để tài trợ cho dự án xây dựng nhà máy mới tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Dự án này đã giúp nâng tổng công suất lên 37.000 tấn. Đợt phát hành thêm cổ phiếu lần đó có sự tham gia của Quỹ đầu tư Red River Holding (RRH).

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, RRH hiện sở hữu 25,26% cổ phần tại CSF và là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài duy nhất, đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất của CSF.

Những năm đầu khi vào CSF, RRH đã cử chuyên gia trong ngành công nghiệp hàng năm qua đánh giá và đưa ra những khuyến nghị, giúp CSF cải thiện quy trình sản xuất. Từng bước, RRH tham gia sâu vào quá trình định hướng và xây dựng chiến lược phát triển cho CSF. Đối tác này còn tư vấn cho CSF xây dựng bộ phận Quan hệ nhà đầu tư (IR) hiệu quả, tăng cường minh bạch thông tin, góp phần nâng cao niềm tin của cổ đông vào hoạt động kinh doanh và triển vọng phát triển của CSF.

Đầu năm 2011, CSF chính thức trở thành công ty đại chúng. Các chuẩn mực về minh bạch và quản trị theo quy định hiện hành đối với một công ty đại chúng không khiến CSF ngỡ ngàng vì tất cả đã được chuẩn bị. Theo kế hoạch, CSF sẽ tiến hành IPO vào cuối năm nay và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào năm sau.

Theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên hồi tháng 3/2014, CSF sẽ IPO 3 triệu cổ phần để huy động vốn mở rộng nhà máy tại Trảng Bàng. Dự án mở rộng đã được khởi công vào đầu tháng 5/2014 và theo dự kiến ban đầu, 50% công suất sẽ được đưa vào khai thác từ đầu quý III/2015 và 50% còn lại từ quý I/2016. Tuy nhiên, nhiều khả năng dự án này sẽ hoàn thành vào tháng 2/2015 nhờ tiến độ nhanh hơn dự kiến.

Tổng vốn đầu tư cho phần mở rộng này lên đến gần 34 triệu USD, trong đó 70% là vốn vay và 30% còn lại là vốn chủ sở hữu, bao gồm số tiền dự kiến sẽ huy động được từ đợt IPO sắp tới. Dự án này sẽ giúp nâng công suất của CSF lên 52.000 tấn, từ mức 37.000 tấn hiện nay.

Một nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán cho biết, để đảm bảo IPO thành công, CSF đã thuê cùng lúc 2 CTCK cung cấp các dịch vụ cho mình. Cụ thể, CTCK Đông Á (DAS) lo hồ sơ và thủ tục liên quan. Đặc biệt, DAS còn đứng ra làm nhà bảo lãnh phát hành cho đợt IPO này. Trong khi đó, CTCK Sài Gòn (SSI) lo việc tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng. Tại Hội thảo Gateway to Vietnam 2014 do SSI tổ chức hồi tháng 9 vừa qua, SSI cũng đã thu xếp để CSF gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng.

Ngoài mục đích huy động vốn, đợt IPO sắp tới còn giúp tăng thanh khoản cho cổ phiếu của CSF vì đích tiếp theo của Công ty sẽ là niêm yết. Được biết, sau khi IPO xong khoảng 1 - 2 tháng, CSF sẽ nộp hồ sơ đăng ký niêm yết. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng lộ trình thì dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, CSF sẽ lên sàn.

 Tiềm năng lớn

Mặc dù liên tục mở rộng quy mô nhưng các nhà máy của CSF hiện nay hầu như đã chạy hết công suất. Hàng tồn kho chưa tới 20 ngày. Nhu cầu tiêu thụ vẫn còn rất lớn. Phần công suất tăng thêm sắp tới sẽ phục vụ khách hàng hiện có, đồng thời CSF cũng sẽ tìm thêm khách hàng mới.

Mạng lưới khách hàng hiện có của CSF có thể tiêu thụ khoảng 50.000 - 60.000 tấn sợi mỗi năm, trong khi năng lực sản xuất của CSF chỉ là 37.000 tấn. Khách hàng của CSF chủ yếu là nước ngoài; hơn 70% doanh thu là từ xuất khẩu sang châu Âu và châu Á. CSF đang hướng tới đối tượng khách hàng là các nhà sản xuất vải cao cấp chuyên cung ứng cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Uniqlo, Decathlon, Puma, Columbia, Guess...

Đặc biệt, một khi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, hàng may mặc từ Việt Nam xuất vào Mỹ sẽ được giảm thuế nhập khẩu từ mức bình quân 17,5% xuống 0%, lúc đó lượng đơn hàng của các công ty may mặc xuất sang Mỹ sẽ nhiều hơn. Với quy tắc “từ sợi trở đi” (yarn forward) của TPP, để được hưởng ưu đãi thuế, tất cả các công đoạn sản xuất sản phẩm may mặc bắt đầu từ khâu kéo sợi phải được thực hiện ở các nước thành viên TPP. Do đó, nhu cầu sử dụng sợi cao cấp trong nước từ khách hàng của CSF dự báo sẽ tăng.

Sợi Thế Kỷ và lộ trình đưa cổ phiếu lên sàn ảnh 2

Các nhà máy của CSF hiện nay hầu như đã chạy hết công suất 

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của CSF đạt 1.094 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước 45 tỷ đồng, tức tăng 4,3%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 82 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 36,4 tỷ đồng, tăng đến 80%.

Giai đoạn 2009 - 2013, doanh thu của CSF liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 41%/năm và đạt 1.453 tỷ đồng vào năm 2013. Lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt 74,4 tỷ đồng, và với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm nay, dự kiến năm 2014 sẽ vượt con số kế hoạch 93 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của CSF tại thời điểm cuối tháng 9/2015 là 580 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ 1,5 lần. Tính ra, giá trị sổ sách mỗi cổ phần của CSF hiện là 14.754 đồng. Giá khởi điểm tại đợt IPO sắp tới được ĐHCĐ thông qua hồi tháng 3/2014 sẽ không thấp hơn 18.000 đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2013 được công bố ít ngày trước khi cuộc họp ĐHCĐ diễn ra, giá trị sổ sách mỗi cổ phần tại thời điểm cuối năm 2013 là 16.201 đồng. Sở dĩ giá trị sổ sách giảm xuống sau 9 tháng là vì trong kỳ CSF có phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Giá do DAS bảo lãnh phát hành chưa được các bên công bố, nhưng nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán cho biết, con số này sẽ không thấp hơn mức 18.000 đồng đã được ĐHCĐ của CSF thông qua.

Tin bài liên quan