Sau nửa năm tái cơ cấu, TienPhong Bank đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ

Sau nửa năm tái cơ cấu, TienPhong Bank đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ

Soi sức khỏe ngân hàng hậu sáp nhập

Năm 2012, thị trường mua bán, sáp nhập ngân hàng chỉ ghi dấu hai thương vụ thành công (Doji rót vốn vào TienPhong Bank và Habubank sáp nhập vào SHB), nhưng những thành công và thất bại trên thị trường này được xem là bài học quý cho các ngân hàng sắp tái cơ cấu.

Là ngân hàng đầu tiên thực hiện tái cơ cấu trong năm 2012, TienPhong Bank không hề gây ồn ào trên thị trường. Song những kết quả bước đầu được hé lộ sau nửa năm tái cơ cấu của ngân hàng này cho thấy, TienPhong Bank là một ẩn số đầy bất ngờ.

 

Huy động tăng 28%, tín dụng tăng 15-20%

Khi TienPhong Bank bắt tay vào tái cơ cấu đầu năm 2012, rất nhiều người nghi ngờ ngân hàng này có thể trở thành một ngân hàng “khỏe” trên thị trường, nhất là trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng lớn đồng loạt giảm lợi nhuận, cắt giảm nhân viên. Thế nhưng, trải qua 6 tháng tái cơ cấu, những kết quả đầu tiên mà ngân hàng này đạt được khá bất ngờ.

Sau nhiều năm lợi nhuận sụt giảm liên tục, từ khi bắt đầu tái cơ cấu đến nay, lợi nhuận của TienPhong Bank bắt đầu tăng trở lại, lương cán bộ nhân viên đã được tăng 16%, huy động vốn đã tăng tới 28%.

Đặc biệt, từ một ngân hàng yếu kém, bị hạn chế tăng trưởng tín dụng, sau khi tái cơ cấu, TienPhong Bank đã được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng lên tới 27%. Dự kiến năm 2012, ngân hàng này sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 15-20% - con số không nhỏ so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 5% của cả ngành ngân hàng. Việc cấp hạn mức này cho thấy, NHNN đã tin tưởng vào sức khỏe, đặc biệt là sự cải thiện về thanh khoản và xử lý nợ xấu của ngân hàng này.

Trên thực tế, theo báo cáo tài chính của ngân hàng, lãi chung của toàn ngân hàng vẫn còn thấp, do phải dự phòng những khoản nợ xấu từ trước. Song tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này không đáng lo, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của ngành được công bố gần đây. Vấn đề hiện tại của TienPhong Bank phần lớn nằm ở thị trường 2 (liên ngân hàng). Do đó,  sắp tới, một khi NHNN có giải pháp cả gói cho cả hệ thống thì chắc chắn vấn đề này sẽ được giải quyết. Các khoản nợ trên thị trường 1 không nhiều.

Trước đó, vào 30/6/2012, Chủ tịch HDQT TienPhong Bank Đỗ Minh Phú cho hay, nợ xấu của TienPhong Bank khoảng 6% và sẽ cố gắng đưa về dưới 5% trong năm nay. Mục tiêu này hiện đã nằm trong tầm tay. Đặc biệt, tỷ lệ dư nợ của TienPhong Bank trong những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán của ngân hàng này rất thấp, chỉ khoảng 4% tổng dư nợ. Mức độ rủi ro trong phạm vi kiểm soát được cũng chính là lý do mà Doji đã rót tiền đầu tư vào TienPhong Bank.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TienPhong Bank nhận xét: “Các số liệu tài chính của TienPhong Bank là thực chất và minh bạch, không hề “chế biến”, các vấn đề tồn tại cũng đều đã được các bên hữu quan nhận diện và có phương hướng xử lý khả thi, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả, các cổ đông, bộ máy điều hành mới đều quyết tâm và tâm huyết với ngân hàng, nhờ vậy TienPhong Bank đã nhanh chóng thoát khỏi khó khăn”.

Tuy nhiên, sự thay đổi mạnh mẽ nhất của TienPhong Bank sau nửa năm tái cơ cấu phải kể đến là đội ngũ nhân lực và mạng lưới phòng giao dịch. Trước khi tái cơ cấu, TienPhong Bank có 700 người nhưng cơ cấu rất bất hợp lý: 1 người trực tiếp kinh doanh gánh 3 người gián tiếp. Tuy nhiên, sau khi tái cơ cấu, nhân sự các bộ phận đã được điều chuyển theo hướng tăng nhân sự cho bộ phận kinh doanh, giảm và tối ưu hóa các bộ phận hỗ trợ, đồng thời “ép” chỉ tiêu với từng nhân viên.

Tương tự, mạng lưới giao dịch của ngân hàng này cũng thay đổi rất nhiều sau khi tái cơ cấu. Là một ngân hàng mới, ít điểm giao dịch, lại nằm nép mình trong những vị trí khuất nẻo, thương hiệu TienPhong Bank bị chìm trong thị trường ngân hàng. Tuy nhiên, từ khi tái cơ cấu, ngân hàng này đang dần dần chuyển sang những vị trí đắc địa.

“Hiện nay, NHNN không cho phép các ngân hàng mở thêm mạng lưới giao dịch, cho nên chúng tôi xác định phải tăng quy mô từng điểm giao dịch, thuê địa điểm mới “hoành tráng hơn”. Dĩ nhiên, việc tăng quy mô từng điểm giao dịch chưa mang lại kết quả ngay nhưng chúng tôi xác định chấp nhận đầu tư trước để đạt kết quả về sau,cố gắng để mỗi điểm giao dịchcó tổng tài sản đạt mức 500 tỷ đồng trở lên. Đồng thời sẽ chuẩn bị sẵn nguồn lực để khi NHNN cho phép sẽ tăng cường mở rộng thêm mạng lưới. Với cách làm này, tổng tài sản của toàn hệ thống sẽ dần được cải thiện”, ông Nguyễn Hưng nói.

Được biết, từ nay đến giữa 2013, TienPhong Bank sẽ hoàn thiện việc tổ chức lại mạng lưới hoạt động. Dự kiến sẽ có 27 trên tổng số 33 điểm giao dịch hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp, hoặc di dời với tổng mức đầu tư khá lớn, đảm bảo cho các điểm giao dịch này khang trang, hiện đại, góp phần gia tăng chất lượng dịch vụ cũng như có trải nghiệm tốt cho khách hàng. Đến hết tháng 6/2013, TienPhong Bank sẽ hoàn tất việc nâng cấp để tạo điều kiện cho các điểm giao dịch đều hoạt động hiệu quả, tăng được quy mô tổng tài sản và quy mô cơ sở khách hàng, góp phần tăng trưởng ổn định cho Ngân hàng.

Về kế hoạch tăng vốn điều lên lên 4.500 tỷ đồng trong năm nay, ông Hưng cho biết, các cổ đông đã chuẩn bị sẵn hơn 1.500 tỷ đồng, chỉ đợi các cơ quan chức năng “gật đầu” là hoàn tất kế hoạch tăng vốn.

 

Ba bài học tái cơ cấu

Nếu như năm 2011, thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng đầu tiên là điểm nhấn lớn nhất của lộ trình tái cơ cấu ngân hàng, thì năm 2012, trường hợp sáp nhập đầu tiên (Habubank hợp nhất vào SHB) và trường hợp tự tái cơ cấu đầu tiên (TienPhong Bank) được coi là hai điển hình của tái cơ cấu ngân hàng. Chưa thể nói mô hình nào tốt hơn, song có vẻ như TPB đã tái cơ cấu “êm” hơn một số ngân hàng khác, một phần do ngân hàng này thành lập chưa lâu, nợ xấu không quá lớn, mức độ trầm trọng mà các năm trước để lại chưa nhiều. Tuy nhiên, lộ trình tái cơ cấu của TienPhong Bank cũng chỉ ra 3 bài học cho các ngân hàng khác trong quá trình tái cơ cấu, dù là mua bán, sáp nhập hay tự tái cơ cấu.

Theo CEO Nguyễn Hưng, điều kiện tiên quyết đầu tiên để tái cơ cấu ngân hàng thành công là phải có dòng tiền thực bơm vào.

“Kể cả hợp nhất, sáp nhập hay tái cơ cấu, điều kiện tiên quyết để thành công phải là có một dòng tiền thực bơm vào để bù đắp những tổn thất của ngân hàng đó. Nếu không,  sáp nhập chỉ là nhập cái tốt, cái xấu vào với nhau, không thể giải quyết tận gốc. Tuy nhiên, với nguồn lực trong nước hiện nay, việc tìm nguồn tiền thực là không hề dễ dàng, ngay cả với TienPhong Bank, nếu các cổ đông không có nguồn tiền từ việc bán cổ phần cho đối tác Nhật Bản thì khó có thể có nguồn tiền dồi dào đầu tư vào TienPhong Bank. Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nên cân nhắc việc nới tỷ lệ cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng”, ông Nguyễn Hưng phân tích.

Yếu tố thứ hai để tái cơ cấu ngân hàng thành công là không bị lợi ích nhóm của cổ đông chi phối, điều khiển. Báo cáo của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế mới đây đã chỉ rõ, một trong những rào cản lớn nhất làm chậm quá trình tái cơ cấu ngân hàng là sự chống đối của cổ đông lớn. Trên thực tế, trong số các ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay, nhiều ngân hàng rơi vào khủng hoảng là do sự chi phối của một nhóm cổ đông, lợi dụng ngân hàng để phục vụ cho các công ty sân sau của mình.

Tại TienPhong Bank, các cổ đông chính đều được đánh giá là lành mạnh, minh bạch và khá “thừa tiền” hoặc luôn được các ngân hàng lớn mời chào để cho vay, đơn cử như: Doji, Mobifone, FPT, Softbank (cổ đông chiến lược Nhật Bản). Do đó, không có chuyện các cổ đông này lập ngân hàng với mục đích lợi dụng vay tiền. Điều này đã làm giảm áp lực cho ban điều hành TienPhong Bank trong quá trình tái cơ cấu. Chưa kể, những cổ đông này cũng sẽ hỗ trợ cho TienPhong Bank rất nhiều trong phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử, kinh doanh vàng, các giải pháp công nghệ tiên tiến cho ngân hàng… 

Yếu tố cuối cùng để tái cơ cấu thành công ngân hàng là phải có một Ban điều hành vững vàng, dày dạn kinh nghiệm. TienPhong Bank đã  chịu “đầu tư” khi mời ông Nguyễn Hưng, nguyên là CEO của một ngân hàng lớn với 23 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng về làm Tổng Giám đốc. Với kinh nghiệm và mối quan hệ lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng, chỉ trong vòng vài tháng, CEO mới đã cải tổ lại cơ cấu tổ chức theo hướng hiện đại, đồng thời tập hợp và xây dựng được bộ máy điều hành khá mạnh với các nhân sự nhiều kinh nghiệm, năng động, đủ năng lực chuyên môn và đạo đức tốt, do vậy đã đưa mọi thứ vào guồng, đẩy toàn bộ bánh răng của TienPhong Bank “chạy tít” không còn nằm ỳ như trước.

Trao đổi với Báo Đầu tư, CEO Nguyễn Hưng nói vui: “CEO của một ngân hàng không cần quá giỏi về chuyên môn, vì không ai có thể giỏi được tất cả các lĩnh vực trong một ngân hàng, mà quan trọng là phải xây dựng được một bộ máy với những nhân sự giỏi, đủ tài đủ đức, đội ngũ này sẽ khiến guồng máy đi vào hoạt động một cách vững vàng, trơn tru”.

Đặc biệt, sau khi xây dựng chiến lược, ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động của ngân hàng thương mại truyền thống với tất cả các đối tượng khách hàng, TienPhong Bank đang cố gắng tìm “định vị” riêng trên thị trường, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ khác biệt so với các ngân hàng khác, đặc biệt là tập trung vào các thị trường ngách, với phân khúc khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình khá trở lên, công chức viên chức… Trong đó, với lợi thế của các cổ đông lớn như FPT, Mobifone, Softbank, hướng đi riêng của ngân hàng này sẽ là cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng công nghệ, giúp người dân có thể giao dịch ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, với các dịch vụ và tiện ích tối đa mà không cần phải tới ngân hàng. Ngoài ra, nhờ có cổ đông lớn là Tập đoàn Doji, một tập đoàn hàng đầu về kinh doanh vàng, TienPhong Bank chắc chắn sẽ có ưu thế về mảng kinh doanh này so với các đối thủ và đây chính là một thế mạnh mà TienPhong Bank sẽ tập trung triển khai.