Mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay được cho là sẽ có nhiều vấn đề nóng và thu hút sự quan tâm nhiều hơn của các cổ đông, nhất là những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng đang phải tái cấu trúc.
Chẳng hạn với Southern Bank, nợ xấu của nhà băng này thời điểm cuối năm 2012 đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2011 (ở mức 1.317 tỷ đồng, chiếm 2,9% trên tổng dư nợ). Để xử lý nợ xấu và làm sạch sổ sách, Southern Bank quyết định bán 150 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.
Tuy nhiên, đến cuối quý III/2013, nợ xấu của ngân hàng này vẫn tăng đáng kể, lên mức 1.651 tỷ đồng, chiếm 3,79% tổng dư nợ. Đáng lưu ý, trong 3 nhóm nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn đã tăng thêm hơn 200 tỷ đồng, ở mức 999 tỷ đồng. Trong khi tín dụng lại giảm 0,2% trong 9 tháng đầu năm, khiến lợi nhuận của ngân hàng này chỉ đạt 269 tỷ đồng, bằng 48% kế hoạch cả năm là 560 tỷ đồng.
Do đó, một cổ đông của Southern Bank cho rằng, việc ngân hàng xây dựng mục tiêu lợi nhuận cũng phải căn cứ vào cơ sở và nhắm khả năng đạt được hay không, đặc biệt là trước bối cảnh thị trường khó khăn, nợ xấu tăng, đòi hỏi ngân hàng phải trích dự phòng lớn. Đây cũng là điều được không ít cổ đông của Southern Bank đồng tình và yêu cầu HĐQT Ngân hàng xem xét, nhưng Ban lãnh đạo Southern Bank vẫn bảo lưu quan điểm đưa ra mục tiêu, dù không đạt được.
Về nợ xấu, mục tiêu kiểm soát nợ xấu của Southern Bank trong năm 2013 là dưới 5% (ngang bằng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm) cũng khiến không ít cổ đông lo ngại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Southern Bank cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn chung, sức khỏe doanh nghiệp chưa hồi phục và sức mua thị trường yếu… là những yếu tố khiến nợ xấu ngân hàng gia tăng.
Trong 2 quý cuối năm 2013, nợ xấu của không ít ngân hàng gia tăng mạnh khi tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trở nên bết bát. Sức tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán không như kỳ vọng của nhiều nhà sản xuất. Điều này đã làm cho các khoản nợ từ nhóm 2 - 3 chuyển thành nợ nhóm 4 - 5 trong gang tất.
Kết quả hợp nhất 9 tháng đầu năm 2013 của Saigon Bank cũng cho thấy, nợ nhóm 3 - 5 vẫn được kiểm soát dưới mức 5%, nhưng cũng đã xấp xỉ 4%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng lên 289 tỷ đồng, so với mức trên 231 tỷ đồng cuối năm 2012. Hay tại Navibank, dù Ngân hàng đã ra sức xử lý nợ xấu, kể cả bán nợ cho VAMC, song tính đến cuối năm 2013, nợ xấu nhà băng này vẫn trên 6%, trong đó phần lớn là nợ có khả năng mất vốn.
MaritimeBank, Techcombank, GPBank… cũng đã bán nợ xấu cho VAMC lần lượt 500 tỷ đồng, 498 tỷ đồng và 93 tỷ đồng… Tính đến cuối năm 2013, con số nợ xấu các ngân hàng đã bán cho VMAC đạt trên 36.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bán nợ xấu cho VAMC, theo đánh giá từ các chuyên gia trong Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trước mắt chỉ có thể đưa ra được ngoại bảng, làm sạch sổ sách kế toán. Ngân hàng có thể làm đẹp sổ sách để báo cáo cổ đông trong mùa đại hội sắp diễn ra, nhưng vấn đề quan trọng hơn, vẫn là khối nợ xấu đó sẽ được xử lý ra sao?
Theo kế hoạch trong năm nay, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC, kể cả đối với những nhà băng đã thực hiện bán nợ. Cụ thể, SCB dự kiến bán tiếp 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho công ty này; HDBank cũng đang rà soát để bán các khoản nợ xấu của DaiA Bank sau sáp nhập vào HDBank. Đối với ngân hàng quy mô như: Eximbank, MHB, Sacombank…, kế hoạch bán tiếp nợ xấu cũng đang được gấp rút triển khai.
“Năm 2013, Sacombank đã bán khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và kéo tỷ lệ nợ xấu xuống mức 1,8%. Tuy nhiên, do diễn biến nợ xấu vẫn còn phức tạp, nên mục tiêu kiểm soát nợ xấu của Ngân hàng trong năm nay cũng cao hơn so với năm trước, nhưng vẫn dưới ngưỡng 3%”, lãnh đạo Sacombank cho biết.