Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã thông tin rộng rãi tới cổ đông, giới đầu tư việc ACV đã trở thành công ty đại chúng, với vốn điều lệ hơn 21.771 tỷ đồng, sau khi được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. ACV cũng thông báo chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Bước đi này nhằm thực hiện lời hứa của lãnh đạo ACV với các cổ đông tại kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 vừa qua.
Đáng chú ý, trong khi đại diện ACV cam kết việc đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UPCoM không muộn hơn cuối tháng 6, đầu tháng 7/2016, thì đến nay, đã bước sang nửa cuối tháng 7/2016, giới đầu tư vẫn chưa có thông tin cụ thể về thời điểm lên sàn của ACV.
"Bộ Tài chính, UBCK sẽ kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp đã IPO, nhưng đến nay chưa lên sàn"
- Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính
Tuy trở thành công ty đại chúng từ năm 2012 và mới đây đã phát hành hơn 103,5 triệu cổ phiếu, với giá 39.017 đồng/CP cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Energy Việt Nam, qua đó, tăng vốn điều lệ lên 11.388 tỷ đồng, nhưng mãi đến kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, HĐQT Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) mới trình cổ đông chủ trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết và triển khai các thủ tục để niêm yết cổ phiếu Petrolimex trên sàn chứng khoán. Đại hội ủy quyền cho HĐQT tổ chức thực hiện niêm yết trong năm 2017…
Một “ông lớn” nữa không dưới một lần lỗi hẹn lên sàn là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Đến nay, cổ đông, giới đầu tư vẫn không rõ khi nào Vinatex mới lên sàn, mặc dù chủ trương niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội hoặc Sở GDCK TP. HCM đã được ĐHCĐ lần đầu thông qua năm 2015.
Rõ ràng, chừng nào ban lãnh đạo các doanh nghiệp chưa tôn trọng lời hứa của mình trước cổ đông, cũng như không tự giác tuân thủ nghĩa vụ lên sàn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới như quy định tại Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, tình trạng không có chế tài xử phạt các doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ lên sàn còn kéo dài, thì tình trạng “lỗi hẹn” lên sàn của doanh nghiệp còn có thể tái diễn.
Chế tài xử phạt hành vi không, hoặc chậm đưa cổ phiếu lên sàn sau khi doanh nghiệp đã chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đang trông chờ vào sửa đổi Nghị định 108/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, theo đại diện UBCK, khả năng cuối năm nay, văn bản này mới được ban hành và đưa vào áp dụng.
Trong bối cảnh chờ chế tài như trên, theo Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, Bộ đã có công văn nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ lên sàn như quy định tại Quyết định 51/2014. Các doanh nghiệp đã có gần 3 năm chuẩn bị cho việc lên sàn theo quy định tại văn bản này, nên đương nhiên phải lên sàn, ít nhất là đăng ký giao dịch trên UPCoM.
“Bộ Tài chính, UBCK sẽ kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp đã IPO, nhưng đến nay chưa lên sàn. Qua kiểm tra mà doanh nghiệp không có lý do chính đáng lý giải cho việc chậm lên sàn, thì sẽ phối hợp với bộ chủ quản, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ lên sàn. Nếu doanh nghiệp cố tình chây ỳ, thì đề xuất quy trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước, chứ kỳ này không thể để doanh nghiệp lần lữa lên sàn nữa…”, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay.