Bộ GTVT vừa có công văn số 10032/TTr – GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để làm cơ sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Trong đó, ngoài việc kiến nghị bổ sung 3 tuyến cao tốc khu vực phía Bắc, 1 tuyến khu vực miền Trung và Tây Nguyên, 4 tuyến cao tốc khu vực miền Nam vào Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng sau năm 2030, Bộ GTVT cũng đưa ra những đánh giá tổng thể về việc thực hiện Quy hoạch 326.
Đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.814km, theo quy hoạch đến năm 2020 ưu tiên đầu tư 1.149km, gồm các đoạn: Pháp Vân - Vạn Ninh (Quảng Bình), La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - TP. Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) và Nha Trang (Khánh Hòa) - TP. Cần Thơ. Đến nay, nếu tính cả các đoạn đang thi công, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác 503km, đạt 43,78%.
Triển khai Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, dự kiến tới năm 2022 sẽ có thêm khoảng 654km được đầu tư, nâng tổng số chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là 1.124km gần đạt chỉ tiêu của Quyết định 326/QĐ-TTg đề ra.
Đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài 1.269 km, theo quy hoạch, trước năm 2020 dự kiến xây dựng 347km, giai đoạn 2020-2030 đầu tư 848km và giai đoạn sau năm 2030 đầu tư 74km. Hiện tại, trên tuyến đầu tư một số đoạn theo tiêu chuẩn đường cấp III, hướng tuyến theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc, gồm: đoạn Đức Hòa - Mỹ An (dài 74km), đoạn nối giữa cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống (dài 76km) và đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (dài 57km) với tổng chiều dài khoảng 207km, đạt 59,65%.
Đối với hệ thống cao tốc khu vực phía Bắc (không tính cao tốc Bắc - Nam) gồm 14 tuyến hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội, tổng chiều dài 1.368 km, trong đó trước năm 2020 đầu tư 918 km, đến năm 2030 đầu tư 171 km và sau 2030 đầu tư 279km. Đến nay, các tuyến cao tốc khu vực phía Bắc đã đưa vào khai thác 678km, đang thi công 193km, nếu tính cả các đoạn tuyến đang thi công thì đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác 871km, đạt 94,88%.
Về quy mô, nhiều tuyến tuyến cao tốc hoàn thành trước 2020 chưa đạt quy mô quy hoạch như: Hà Nội - Bắc Giang 4 làn xe (quy hoạch 4-6 làn xe), Hà Nội - Lào Cai 2-4 làn xe (quy hoạch 4-6 làn xe), Thái Nguyên - Bắc Kạn 2 làn xe (quy hoạch 4-6 làn xe), tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình 2 làn xe (quy hoạch 4-6 làn xe).
Đối với hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên (không tính cao tốc Bắc - Nam) gồm 3 tuyến, tổng chiều dài 264 km và đều được dự kiến xây dựng sau năm 2030. Tới nay, các tuyến cao tốc này chưa được triển khai và tiến trình thực hiện phù hợp với quy hoạch đề ra.
Đối với hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam (không kể các tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam) gồm 7 tuyến, tổng chiều dài 983km, trong đó đến năm 2020 đầu tư 65km, đến năm 2030 đầu tư 277km, sau năm 2030 đầu tư 641km. Đến nay mới chỉ có đoạn cao tốc Liên Khương - Đà Lạt dài 19km đã hoàn thành, đạt 29,23%. Các đoạn khác đang trong quá trình kêu gọi đầu tư như: các tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài …
Như vậy, theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam, đến năm 2020 cần xây dựng được 2.703km. Thực tế, dự kiến đến năm 2020 tổng số km đường cao tốc được xây dựng khoảng 2.295 km đạt 84,91%.
Cần phải nói thêm rằng, vào tháng 1/2016, cả nước mới có khoảng 704 km đường cao tốc, gồm 13 đoạn tuyến. Về quy mô các tuyến đường đã và đang xây dựng cơ bản có quy mô từ 2-4 làn xe, cá biệt một số tuyến cao tốc hướng tâm có quy mô 6-8 làn như: Láng - Hòa Lạc, Nhật Tân - Nội Bài, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang.