Soi lại những cổ phiếu “nóng” một thời

Soi lại những cổ phiếu “nóng” một thời

(ĐTCK) Trong vòng 3 - 4 năm qua, nhiều cổ phiếu “nóng” được đông đảo nhà đầu tư quan tâm, nay trở thành “nỗi đau” của không ít người.  

ĐTCK tiếp tục điểm một số mã cổ phiếu như vậy.

Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/12/2013, giá cổ phiếu PVX của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam là 2.400 đồng/CP.

Trước đó 4 năm, ngày 26/10/2009, cổ phiếu PVX đạt mức giá 40.600 đồng/CP, mức giá không tính điều chỉnh cao nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này. Sau ngày này, PVX có một số lần thực hiện quyền, bao gồm trả cổ tức bằng tiền, bán ưu đãi cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đến ngày 12/5/2010, mức giá cổ phiếu PVX đạt được là 34.600 đồng/CP.

Soi lại những cổ phiếu “nóng” một thời ảnh 1

Nếu tính điều chỉnh giá do hưởng quyền, mức giá này tương đương 47.300 đồng/CP, cao gấp 19,7 lần so với giá đang giao dịch.

3 năm trước, PVX là một DN điển hình bởi có nhiều dự án “khủng”, kinh doanh lãi lớn không chỉ đến từ hoạt động kinh doanh chính, mà cả việc đầu tư, thoái vốn rất... đúng lúc vào các DN khác. Thậm chí, có hẳn một đề tài nghiên cứu về bí quyết kinh doanh chứng khoán (đầu tư vốn) của PVX! Thế nhưng, thời thế thay đổi, dự án của PVX bị đình trệ, trong khi Công ty vay vốn nhiều, lãi suất cao. Bên cạnh đó, hệ thống công ty con, công ty liên kết nhiều cũng làm gia tăng áp lực tài chính cho PVX.

Năm 2011 - 2012, PVX thua lỗ và từ quý II/2012 đến nay, PVX liên tục thua lỗ, vốn chủ sở hữu âm quá nửa, còn 1.524 tỷ đồng trên vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Hiện PVX đang đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết.

Hanic (SHN)

Ngày 29/4/2010, cổ phiếu SHN của CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (Hanic) có mức giá giao dịch bình quân là 70.000 đồng/CP. Đây là mức giá giao dịch không điều chỉnh cao nhất mà SHN đạt được trong quá khứ.

Tuy nhiên, với 2 lần chia cổ tức bằng tiền, một lần phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:2,68 với giá 11.000 đồng/CP, cổ phiếu SHN thực ra còn tăng giá mạnh hơn nữa. Ngày 3/8/2010, cổ phiếu SHN mới thực sự đạt đỉnh về giá, 40.000 đồng/CP. Mức giá này nếu điều chỉnh về ngày 29/4/2010 tương đương mức 99.644 đồng/CP.

Hiện tại, SHN có giá 1.300 đồng/CP, cao gấp hơn 2 lần so với mức giá đáy mà cổ phiếu này từng được giao dịch là 600 đồng/CP. Với mức định giá này, dù là 600 đồng/CP hay 1.300 đồng/CP, thì đều phản ánh, NĐT đang định giá SHN là DN chờ... giải thể.

Với hoạt động chính là kinh doanh ô tô, xe máy, phụ tùng; thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, điện công nghiệp, cơ khí; lữ hành nội địa, quốc tế, xuất khẩu lao động, kinh doanh, môi giới bất động sản..., SHN có thể vẫn là một DN được ưa thích trên sàn nếu không vướng vào “quả lừa” mang tên Công ty Beta-BQP.

SHN có vốn điều lệ trên 300 tỷ đồng, nhưng riêng khoản tiền gốc chuyển cho Beta-BQP hồi đầu năm 2011 lên tới 238 tỷ đồng, sau đó không đòi lại được, khiến hoạt động của Công ty trở nên điêu đứng.

Thêm vào đó, một loạt dự án của SHN như: Khu nhà ở văn phòng Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội; Tòa nhà văn phòng và khu chung cư cao cấp Mỹ Đình, Hà Nội; CTCP Xuân Minh SD Thanh Hoa; Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Điềm Thụy, Thái Nguyên; CT1-The Pride, Hà Đông, Hà Nội; Thủy điện Đắkpru... bị đình trệ, SHN giờ đây chỉ còn là một “cái bóng” trên TTCK. Năm 2012 vẫn có doanh thu, nhưng sang năm 2013, SHN gần như không còn hoạt động.

Sông Đà Thăng Long (STL)

95.500 đồng/CP là mức giá cao nhất mà cổ phiếu STL của CTCP Sông Đà Thăng Long từng đạt được vào hai ngày 14 - 15/10/2009. Sau kỷ lục này, STL thực hiện chia cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 (bằng thưởng cổ phiếu và chia cổ tức bằng cổ phiếu) vào năm 2010, chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 20% vào năm 2011. Nhưng đó là tất cả những gì thuộc về quá khứ huy hoàng mà STL mang lại cho cổ đông. Nếu điều chỉnh các yếu tố trên, thì giá cổ phiếu STL hiện nay (4.700 đồng/CP) đã giảm trên 10 lần chỉ sau hơn 3 năm.

Vay nợ quá nhiều để đầu tư vào hàng loạt dự án bất động sản đúng đỉnh khiến STL sụp đổ trong một thời gian ngắn. Công ty vướng vào vòng luẩn quẩn: thiếu vốn để triển khai dự án nên không thu hút thêm được tiền của NĐT và vì không thu được tiền của NĐT, Công ty không có vốn để triển khai các dự án dang dở.

Hệ quả là STL thua lỗ, nợ nần chồng chất. Sang năm 2013, Công ty chính thức ghi nhận con số âm vốn chủ sở hữu.

 

>>Điểm mặt những cổ phiếu tăng nóng

>>Hiện trạng buồn của những cổ phiếu “nóng”

>>Đi tìm “cổ phiếu nóng” quý IV!