Soi kế hoạch lợi nhuận khối bảo hiểm phi nhân thọ

Soi kế hoạch lợi nhuận khối bảo hiểm phi nhân thọ

(ĐTCK) Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) dự báo, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8% so với năm 2013. Các doanh nghiệp bảo hiểm khối này đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cho năm nay như thế nào?

ĐHCĐ Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) vừa thông qua mục tiêu doanh thu bảo hiểm gốc năm 2014 đạt 1.581 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013; kinh doanh bảo hiểm gốc tiếp tục có lãi; quy mô doanh thu duy trì vị trí Top 5.

Trước đó, ĐHCĐ Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014, với doanh thu phí bảo hiểm của Công ty mẹ BIC phấn đấu đạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tăng 11,7%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 130 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2013. Ngoài ra, BIC sẽ đẩy nhanh việc tìm kiếm cổ đông chiến lược và tăng vốn điều lệ, hoàn thành các thủ tục định hạng tín nhiệm quốc tế A.M. Best.

Tại Đại hội, có cổ đông cho rằng, BIC đặt kế hoạch lợi nhuận như vậy là thấp. Đại diện BIC lý giải, mục tiêu lợi nhuận năm 2014 đề nghị ĐHCĐ phê duyệt ở mức thận trọng, cân đối giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Trong năm nay, BIC tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và mạng lưới kinh doanh, nên sẽ duy trì lợi nhuận ở mức hợp lý.

Ngày 25/4 tới, Tổng CTCP Bảo Minh sẽ tổ chức ĐHCĐ. Công ty dự kiến trình Đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014 với doanh thu phí bảo hiểm gốc là 2.443 tỷ đồng, tăng 6,2%; phấn đấu giảm tỷ lệ bồi thường giữ lại trên doanh thu thực hưởng dưới 46%, giảm 1% so với năm 2013; lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm phấn đấu lãi 60 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2013.

Để hoàn thành mục tiêu này, trong năm 2014, Bảo Minh sẽ tập trung nguồn lực phát triển kinh doanh tại các địa bàn trọng điểm, duy trì hoặc hạn chế hoạt động ở những địa bàn kém phát triển, lỗ nhiều năm và không loại trừ việc đóng cửa hoặc sáp nhập những đơn vị kinh doanh này. Tiếp tục thu hẹp và hạn chế những nghiệp vụ bị trục lợi và không hiệu quả như bảo hiểm giáo viên, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe qua môi giới, bảo hiểm xe khách đường dài…

Năm 2014, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đặt mục tiêu tăng trưởng không thấp hơn mức tăng trưởng chung của thị trường; giữ vững vị trí số 1 về thị phần với trên 23%; lợi nhuận sau thuế đạt 330 tỷ đồng, tăng 10%.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiều giải pháp đã được Bảo hiểm Bảo Việt đưa ra như: hoàn thành chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tập trung hóa với phần mềm hỗ trợ quản lý nghiệp vụ InsureJ, phần mềm kế toán Sun account; phát triển kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm cá nhân, hệ thống đại lý; tăng cường quản lý công tác rủi ro kinh doanh và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng…

Những năm gần đây, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có mức tăng trưởng khoảng 10%/năm, năm 2013 vừa qua tăng trưởng 7%. Một số ý kiến cho rằng, mặc dù Chính phủ và Bộ Tài chính đã có chiến lược phát triển ngành bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020, với nhiều định hướng mục tiêu và các giải pháp triển khai cụ thể, nhưng với tình hình hiện nay, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khó có tiến triển đột phá. Không những thế, với những khó khăn từ năm 2012 và dự kiến kéo dài qua năm 2014, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm nay dự báo chỉ tăng trưởng 6 - 8%.

Dự báo này mang tính thận trọng, nhưng không phải không có cơ sở khi những khó khăn, bất ổn của năm 2013 vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn cạnh tranh khốc liệt về phí, hoa hồng. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp vận tải biển như Vinalines, NOSCO, Falcon… không có khả năng thanh toán; đặc biệt, Vinashinlines và Fosco đã nộp đơn xin phá sản đầu năm 2014 là tín hiệu xấu đối với các doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai nghiệp vụ bảo hiểm về tàu biển và tài sản hàng hóa.      

Tin bài liên quan