Game M&A
10 ngày sau khi công văn của một nhóm cổ đông đề cử đại diện vào Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Địa ốc Hoàng Quân, mã chứng khoán HQC) xuất hiện trong các nhóm chat trên mạng xã hội và nhóm cổ đông lên tiếng về ý định gửi kiến nghị tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phản đối Hội đồng quản trị HQC hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông, thì phía Địa ốc Hoàng Quân mới công bố thông tin về việc này.
Cụ thể, nhóm gồm 42 cổ đông dồn phiếu đến làm việc với Hội đồng quản trị HQC. Và mỗi thời điểm có thông tin mới, “phát lộ” dần game M&A, giá cổ phiếu HQC lại tăng trần. Với kết quả kinh doanh èo uột nhiều năm, cổ phiếu HQC khó có thể thu hút dòng tiền và về được mệnh giá nếu không có tin về game M&A.
Cổ phiếu HQC chỉ trong hơn 1 tuần từ ngày 17 - 24/3/2022 đã tăng gần 34%, khối lượng giao dịch lên đến hơn 37 triệu đơn vị, đặc biệt ngày 24/3 có 49,9 triệu đơn vị được trao tay, tương đương hơn 10% khối lượng cổ phiếu lưu hành, cao hơn nhiều mức trung bình giao dịch gần 9,3 triệu đơn vị trong tháng 2 và 19 triệu đơn vị trong tháng 3.
Thông tin chính thức là nhóm cổ đông Louis Holdings sở hữu 10,25% HQC, nhưng có nguồn tin cho rằng, tỷ lệ thực tế có thể lên đến 25%, thậm chí 40%, đủ để thay thế cả vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Các nhà đầu tư lao vào game M&A HQC với kỳ vọng hai bên đều chạy đua gia tăng sở hữu cổ phần, đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn. Tuy nhiên, có những nhà đầu tư thận trọng nghi ngại, nhóm Louis Holdings có thể xả cổ phiếu HQC bất cứ lúc nào, bởi cổ phiếu nằm ở các tài khoản khác nhau, không phải công bố thông tin mua vào hay bán ra.
Louis Holdings cũng đã có lịch sử chuyển từ M&A sang lướt sóng như ở APG, TDH. Game M&A lúc này chỉ có tác dụng tạo hiệu ứng đám đông, giúp phía tạo hiệu ứng đạt được tình trạng “từ hòa đến phát” vì mua lúc giá thấp, sau đó có thể bán với giá cao nhờ hiệu ứng, trong trường hợp không thể tham gia điều hành, thâu tóm công ty.
Nhóm cổ đông mới dự định tham gia HQC với mục tiêu gì, vận hành doanh nghiệp hay đơn thuần là “game đánh cổ phiếu” thì cần thêm thông tin tỏ tường và không đâu khác, Đại hội đồng cổ đông HQC được dự báo sẽ rất sôi động với nhiều câu hỏi chất vấn.
Nhóm cổ phiếu DNP Water gồm các cổ phiếu DNP, JVC, NVT, VC9, HUT, trong đó HUT ghi nhận mức tăng 146% kể từ đầu năm 2022 đến ngày 21/3, đạt đỉnh 51.300 đồng/cổ phiếu, sau đó quay đầu giảm giá.
Động thái đổi chủ, cử người của một nhóm cổ đông vào các vị trí quan trọng trong hội đồng quản trị, ban điều hành là dấu hiệu điển hình của game M&A.
Động thái đổi chủ, cử người của một nhóm cổ đông vào các vị trí quan trọng trong hội đồng quản trị, ban điều hành là dấu hiệu điển hình của game M&A đã xảy ra ở HUT. Danh sách cổ đông lớn chưa xuất hiện chính danh tên tuổi DNP Water, nhưng thị trường đều cho rằng, đó là các lãnh đạo DNP Water.
Đi kèm với diễn biến tăng dựng đứng của giá cổ phiếu HUT, liên tục có các thông tin về chiến lược mới, về tái cơ cấu doanh nghiệp được đưa ra, từ việc chuyển nhượng các công ty con/liên kết ngoài ngành như xây dựng, y tế, nông nghiệp…, đến việc thành lập Tasco Land để đầu tư vào Ninh Vân Bay, tăng vốn để sở hữu 100% Savico
Holdings (đang sở hữu trên 54% Savico)… Vì thế, cổ phiếu HUT có được chất xúc tác tốt cho đoạn tăng vọt từ dưới 3x lên 5x như vừa qua.
Với cổ phiếu EIB của Eximbank, không ít nhà đầu tư đã ngay lập tức hành động khi thấy tin đồn Novaland sắp thành cổ đông lớn của ngân hàng này, đẩy giá tăng gần 37%, bất chấp dòng cổ phiếu ngân hàng lặng sóng.
Tương tự, việc Nova Group mua tỷ lệ cổ phần lớn có thể phủ quyết tại HAG để có mảnh ghép hoàn hảo cho giai đoạn đại mở rộng là lý do đẩy giá cổ phiếu HAG vượt lên trên mệnh giá.
Mặc dù thông tin chưa được xác nhận, nhưng với thị trường chứng khoán, càng nghi ngờ, càng chưa rõ ràng lại càng hút được dòng tiền đầu cơ nhập cuộc. Câu chuyện M&A dự kiến sẽ tiếp tục làm nóng thanh khoản và tạo đồ thị giá sôi động ở các cổ phiếu loại này. Nhẹ nhàng hơn ở những mã như KHG, DST, TDH… thì chiến lược M&A để mở rộng quỹ đất, dự án sẽ là điểm mấu chốt tạo cú huých cho doanh nghiệp phát triển.
Soi hàng “độc, lạ”
Dòng tiền quan tâm đến câu chuyện của từng cổ phiếu có yếu tố đặc biệt làm nên lợi thế. Dưới tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giá nhiều mặt hàng đã tăng đột biến, trong đó có niken, nguyên liệu chính sản xuất thép không gỉ, còn được dùng trong sản xuất hợp kim, pin…
Theo đó, cổ phiếu PC1 của Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 thu hút dòng tiền nóng, vì đây là doanh nghiệp duy nhất sở hữu mỏ niken thông qua công ty con - Công ty cổ phần Khoáng sản Tấn Phát (PC1 nắm 57,27% vốn).
Dù dự án khai thác lộ thiên khoáng sản niken khởi công từ ngày 3/7/2021, theo kế hoạch sẽ vận hành chạy thử trong quý IV/2022 và bán sản phẩm từ tháng 1/2023, tức năm 2022, mỏ niken chưa đóng góp vào doanh thu, lợi nhuận, nhưng nhà đầu tư vẫn kỳ vọng PC1 hưởng lợi khi nhu cầu và giá niken neo cao.
Tương tự, MSR sở hữu mỏ vonfram lớn nhất ngoài Trung Quốc, ước tính 4,6 triệu tấn, chiếm 30% trữ lượng so với phần còn lại của thế giới. Nhờ hợp nhất chuỗi giá trị vonfram nên MSR có một quý IV/2021 với doanh thu, lợi nhuận cao lịch sử từ khi vận hành mỏ Núi Pháo - chủ yếu từ doanh thu vonfram tăng vọt. Do hạn chế nguồn cung từ Trung Quốc và nhu cầu tăng cao trên thế giới, năm 2022, MSR được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc tăng giá và tăng cường xuất khẩu.
Bộ phận Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Smart Invest dự báo, giá volfram có thể duy trì mức trung bình khoảng 335 USD/mtu cho tới cuối năm 2022.
Game tiềm ẩn
Giới đầu tư cũng có những góc nhìn, dự báo và kỳ vọng riêng cho các cổ phiếu có game tăng vốn trong năm nay.
Game phát hành, tăng vốn điển hình ở nhóm công ty chứng khoán, với nhiều doanh nghiệp đã công bố kế hoạch tăng vốn lớn như SSI, VND, SHS, APG, TPS, TCI, VDS….Thực tế cho thấy, cổ phiếu nhóm này sau điều chỉnh (trung bình khoảng 10 - 15%) đã tích luỹ khá lâu ở vùng giá hiện nay.
Lý do nhóm cổ phiếu chứng khoán chưa thu hút mạnh dòng tiền đến từ nhiều yếu tố, trong đó thanh khoản thị trường quý I/2022 chưa bùng nổ như những tháng cuối năm 2021, mặt bằng giá cổ phiếu không giảm sâu và thị trường còn một số thông tin bất định. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm tham gia game tăng vốn năm 2021, nhiều nhà đầu tư lựa chọn chiến thuật chờ ngày chốt quyền mới mua để tránh nguy cơ “chôn vốn”.
Chứng khoán là nhóm ngành nhạy với diễn biến thị trường và nhiều ý kiến nhận định, năm 2022 vẫn là năm tích cực, tăng trưởng cho ngành, nên sóng có thể diễn ra ở thời điểm doanh nghiệp công bố thông tăng vốn, chốt quyền.
Nếu đó là công ty chứng khoán lớn thì hiệu ứng có thể lan tỏa ra cả nhóm ngành, giống như mã VND, vào ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng đã tăng trần (ngày 10/3/2022). Điều nhà đầu tư quan tâm tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới là khả năng thực hiện kế hoạch lợi nhuận có theo kịp tốc độ tăng vốn?
Với dòng bất động sản khu công nghiệp, bên cạnh những thông tin về tỷ lệ lấp đầy, số lượng hợp đồng dự kiến ký chính thức khi đường bay quốc tế mở cửa, thì thông tin về tiến độ nhận tiền đền bù đất ở những doanh nghiệp cao su đã thu hút nhà đầu tư.
Trước thông tin Khu công nghiệp VSIP 3 khởi công, giới đầu tư cho rằng, vấn đề pháp lý chuyển đổi đất cao su làm khu công nghiệp xem như đã thông, nên PHR, DPR, TRC, GVR có câu chuyện hấp dẫn, kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận đột biến. Diễn biến giá cổ phiếu những doanh nghiệp này đã bật tăng trong tuần qua, điển hình là DPR tăng 13%.
Một số game đang chờ thời điểm lộ diện rõ ràng hơn như TDH, sau khi có cổ đông mới là nhóm liên quan tới Công ty Hưng Vượng, sẽ tăng vốn, đầu tư dự án mới, hồi sinh như thế nào. Thông tin được mong chờ tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 20/4 tới. TDH đang chờ phương án phát hành 120 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu được thông qua.
PTL cũng được nhà đầu tư quan tâm khi có động thái niêm yết cửa sau và công bố nhiều tham vọng về giá trị vốn hoá, các kế hoạch đầu tư dự án hoành tráng… Ngoài những thông tin này, giới đầu tư chưa nắm bắt cụ thể nhân tố mới sẽ có hành động gì để giúp PTL bứt phá, nhưng giá cổ phiếu đã tăng từ dưới 10.000 đồng/cổ phiếu lên 14.000 đồng/cổ phiếu.
Tại JVC, cổ phiếu bị kiểm soát do lãi sau thuế âm, nhưng giá cổ phiếu tăng bật tăng khi Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển An Khang Việt Nam mua vào 17 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ sở hữu 15,11%. Vừa qua, JVC ký được một số hợp đồng mới, nhưng quá trình phát triển tiếp theo của Công ty như thế nào vẫn là ẩn số để nhà đầu tư có đánh giá triển vọng dài hạn.