Kết quả cuộc rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) về đầu tư do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố chắc chắn sẽ khiến các cơ quan quản lý nhà nước yên tâm. Đó là mức độ tương thích khá cao, nhất là khi soi vào các nội dung của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn.
Nhưng doanh nghiệp chưa thể mừng. Thậm chí, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) còn lo ngại, nếu không làm rõ yêu cầu thực thi cam kết, điều chỉnh các quy định chuyên ngành để tương thích, vấn đề không chỉ là bỏ lỡ cơ hội mà nguy cơ bị rơi vào các vụ khiếu kiện rất cao, đặc biệt là tình huống nhà nước bị kiện.
“Khi đó, nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư – kinh doanh của hệ thống luật pháp về đầu tư sẽ không còn giá trị”, bà Trang lo ngại.
Sự lo ngại của Nhóm nghiên cứu tập trung ở chính sự tương thích của pháp luật về đầu tư với các quy định của Chương Đầu tư, phần đầu tư trong Chương Thương mại – Dịch vụ - Thương mại điện tử, Phụ lục 8D – Biểu cam kết của Việt Nam về dịch vụ qua biên giới và thiết lập khoản đầu tư tại EVFTA.
Nguyên do là pháp luật về đầu tư không tồn tại trong môi trường chân không. Nhà đầu tư từ EU sẽ không thể quyết định đầu tư tại Việt Nam khi còn 4 cam kết về sở hữu trí tuệ với EVFTA mà Việt Nam chưa thực hiện, khi việc tiếp cận đất đai, tiếp cận quyền kinh doanh xuất nhập khẩu… đang rất vướng.
Là một trong những người tham gia chắp bút cho Luật Đầu tư 2005, ông Phạm Mạnh Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc tương thích giữa pháp luật đầu tư và EVFTA là đương nhiên vì tinh thần và nguyên tắc xây dựng Luật Đầu tư từ năm 2005 và sau này cả Luật Đầu tư hiện hành đều bám sát các thông lệ tốt của quốc tế.
“Vấn đề nằm ở chỗ, thực thi vẫn đang là vấn đề lo ngại nhất. Cùng với đó là sự khác biệt trong quy định tại các luật chuyên ngành với pháp luật về đầu tư”, ông Dũng nói.
Soi hiện trạng này vào cam kết EVFTA, lo ngại tăng lên khi lần đầu tiên Việt Nam cam kết nguyên tắc FET (đối xử công bằng) và cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – nhà đầu tư nước ngoài (ISDS).
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh, các cam kết của Việt Nam trong EVFTA đều ở mức hiệu quả thực thi chứ không phải dừng lại ở văn bản pháp luật”, bà Trang nói.
Ở đây, nổi lên trách nhiệm trong thực thi cam kết của các cơ quan quản lý nhà nước. Vì cho tới thời điểm này, pháp luật Việt Nam chưa có quy định trực tiếp về nguyên tắc FET cũng như cơ chế ISDS này.
Đơn cử như chỉ cần đọc cam kết không được phá vỡ các thỏa thuận giữa Nhà nước và nhà đầu tư bằng các quyết định hành chính theo khoản 5 của EVFTA; hay như những chậm chễ trong thực hiện thủ tục tố tụng dân sự, hình sự, hành chính, khiếu nại hành chính… sẽ thấy, nếu nhà đầu tư muốn khởi kiện Nhà nước theo nguyên tắc FET và cơ chế ISDS không phải quá khó khăn.
Mặc dù cho đến thời điểm này, Nhà nước Việt Nam mới vướng vào 4 vụ tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài theo nguyên tắc FET, trong đó 3 vụ thắng và 1 vụ hòa giải, song những lo ngại trên không thừa.
Có lẽ cần phải có tiêu chí giám sát các nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong thực hiện cam kết, nhất là trách nhiệm rà soát và thực thi pháp luật chuyên ngành theo đúng nguyên tắc của pháp luật về đầu tư và EVFTA. VCCI đang đề xuất cần một nghị quyết của Quốc hội và một văn bản luật sửa các luật để phục vụ cho thực thi cam kết EVFTA. “Cách làm này tránh được việc sửa các quy định tại luật chuyên ngành vốn dành cho tất cả nhà đầu tư, trong khi cam kết EVFTA chỉ dành cho nhà đầu tư EU”, bà Trang lý giải.
Tuy nhiên, đây cũng chưa hẳn là giải pháp tối ưu vì hiện tại, Việt Nam đang tham gia khá nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nếu mỗi hiệp định lại cần một văn bản đi kèm thì sự rối rắm về quy định có thể sẽ lại là rào cản mới của môi trường kinh doanh Việt Nam.