Sôi động thị trường M&A khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022 đã diễn ra nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) khu công nghiệp với giá trị lớn. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2023.
Việt Nam đang trở thành cứ điểm sản xuất mới của nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Foxconn...

Việt Nam đang trở thành cứ điểm sản xuất mới của nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Foxconn...

“Điểm sáng” trên thị trường bất động sản

Năm 2022, thị trường bất động sản xảy ra nhiều biến động khi nguồn cung và tính thanh khoản đều thấp. Thế nhưng, phân khúc khu công nghiệp vẫn là “điểm sáng” trên thị trường khi diễn ra nhiều thương vụ M&A với giá trị lớn.

Cụ thể, tháng 2/2022, CapitaLand Development (CLD) - nhánh kinh doanh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand - đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bắc Giang để phát triển dự án khu đô thị - công nghiệp và logistics với giá trị cam kết đầu tư 1 tỷ USD. Đây là dự án đầu tiên của CapitaLand mở rộng danh mục đầu tư từ bất động sản nhà ở sang các loại tài sản khác như trung tâm dữ liệu, logistics và khu công nghiệp, sau gần 20 dự án đã và đang phát triển tại Việt Nam.

Ông Ronald Tay, Tổng giám đốc CLD (Việt Nam) cho biết, đây sẽ là dự án khu công nghiệp sinh thái, khu logistics hiện đại và khu đô thị thông minh với quy mô trên 400 ha. Dự án sẽ là yếu tố cộng hưởng trong hình thành mạng lưới chuỗi cung ứng linh hoạt cho Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW - nhà phát triển bất động sản công nghiệp do Warburg Pincus và Becamex IDC đồng sáng lập cũng đã mua lại khoảng 74.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong ở tỉnh Quảng Ninh, do DEEP C phát triển.

Còn tại khu vực phía Nam, ngày 24/3/2022, đơn vị này đã công bố quỹ đất mới 20,9 ha tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 và 22,3 ha tại Khu công nghiệp Xuyên Á. Sự kiện này đánh dấu sự hiện diện của BW tại tỉnh Long An và nằm trong chiến lược mở rộng tại các vùng công nghiệp trọng điểm tiếp giáp TP.HCM.

Một thương vụ cũng thu hút được nhiều sự chú ý là Công ty TNHH Boustead Projects đã mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Công nghiệp Logistics KTG & Boustead tại Khu công nghiệp Yên Phong thuộc tỉnh Bắc Ninh với giá 6,9 triệu USD.

Ngoài các loại hình bất động sản truyền thống, một thương vụ đầu tư vào bất động sản trung tâm dữ liệu cũng được công bố bởi tổ chức đầu tư tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) với dự án Trung tâm dữ liệu cấp độ 3 có diện tích 6.056 m2 tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Theo ông Kenny Gaw, Chủ tịch, đồng sáng lập Gaw Capital Partners (công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào thị trường bất động sản ở châu Á - Thái Bình Dương), không phải ngẫu nhiên mà một số lượng khá lớn các nhà máy đặt ở các nước láng giềng đều đã được di dời về đất nước hình chữ S. Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng, với 60% dân số còn rất trẻ, năng suất cao và làm việc chăm chỉ. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ vị trí địa lý chiến lược ở trung tâm của Đông Á.

Hơn nữa, Việt Nam đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, là thành viên của WTO và đã ký kết nhiều hiệp định kinh tế quốc tế thế hệ mới, trong đó đáng kể là Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chi phí lao động hiệu quả, hạ tầng đáng tin cậy và quy trình hành chính ngày càng được cải thiện đã giúp Việt Nam thu hút được các nhà sản xuất lớn như Samsung, Foxconn, Nike, Adidas, Gap, Levis, Luxshare, Pegatron.

“Sự phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam thời gian tới sẽ là nền tảng để thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, sự bùng nổ của các phương tiện bán lẻ hiện đại như thương mại điện tử và làn sóng đầu tư nước ngoài vào các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, nhu cầu về bất động sản công nghiệp chất lượng cao được kỳ vọng sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Gaw nói và cho biết thêm, GAW Capital Partners muốn khai thác các cơ hội dồi dào tại các thị trường phát triển nhanh nhất.

Hiện tại, Gaw Capital Partners đang hợp tác với NP Capital xây dựng các dự án nhà xưởng xây sẵn tại Việt Nam. Liên doanh giữa 2 đối tác đang thực hiện 4 dự án tại Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương. Liên doanh này dự tính sẽ đầu tư thêm khoảng 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 18 tháng tới, nâng tổng diện tích bất động sản công nghiệp từ 49 ha lên 100 ha trong năm 2022.

Sẽ tiếp đà sôi động

Nếu so sánh với Indonesia, Malaysia, Philippines, giá đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Cùng với các yếu tố khác, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực.

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng đón nhận được nhiều sự quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với các dự án tạo ra lợi nhuận. Sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân đã cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện các thương vụ M&A. Những nhà đầu tư này không ngừng tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động hoặc tìm cách liên doanh với các đối tác có danh tiếng tốt. Đối với các nhà đầu tư trong nước, việc mua khu đất phát triển dự án sẽ được ưu tiên hơn.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield dự báo, tất cả các phân khúc trên thị trường bất động sản đều sẽ được các nhà đầu tư quan tâm xem xét. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở và công nghiệp sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm nhất từ nhà đầu tư tại thị trường TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận.

“Nếu so sánh với Indonesia, Malaysia, Philippines, giá đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Vì vậy, cùng với các yếu tố khác, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực”, bà Trang Bùi nói.

Bên cạnh những lợi thế về giá, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam đánh giá rằng, dư địa phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn nhờ lợi thế vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, nguồn lao động dồi dào, nhiều ưu đãi trong thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển công nghiệp… Đồng thời, tiềm năng tăng giá tương lai là rất hấp dẫn, với mức tăng bình quân khoảng 7 - 10%/năm. Cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các nước lân cận sang Việt Nam và sự phát triển của thương mại điện tử, nhu cầu phát triển các cơ sở hậu cần (logistics), trung tâm dữ liệu và kho lạnh dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới.

Dưới góc độ là doanh nghiệp đã trực tiếp tham gia vào thị trường, ông Lance Li, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW cho biết, Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, ngày càng có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam tìm cơ hội. Nguyên do bởi thị trường bất động sản công nghiệp đã phát triển theo chiều hướng tốt trong thời gian gần đây.

Cụ thể, việc kiểm soát Covid-19 hiệu quả của Việt Nam đã thu hút các nhà đầu tư, từ cả thị trường truyền thống và thị trường mới nổi. Rất nhiều nhà đầu tư đã đến Việt Nam để đặt cơ sở sản xuất. Tất cả những nhà đầu tư này đều đang chuyển một phần hoặc toàn bộ chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam.

“Việt Nam đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài và tôi tin rằng, sẽ ngày càng có nhiều nhà đầu tư hơn nữa coi Việt Nam là một nơi đáng để đầu tư và đến đây tìm kiếm cơ hội. Việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam sẽ mang đến sự cạnh tranh gay gắt cho chúng tôi, song quan điểm của chúng tôi là hoan nghênh cạnh tranh, vì cạnh tranh làm cho thị trường lành mạnh hơn và bền vững hơn”, ông Lance Li nói.

Tin bài liên quan