Hạ tầng mở lối
Thời gian vừa qua, khu vực phía Tây Hà Nội liên tiếp được đầu tư nhiều dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối với lõi đô thị và các quận nội đô khác, cũng như với các địa phương lân cận.
Sau khi tuyến đường trên cao vành đai 3 đi vào khai thác, hàng loạt tuyến đường huyết mạch như đường Lê Trọng Tấn, Tố Hữu, Vạn Phúc (quận Hà Đông)… cũng được đầu tư mở rộng, cùng với việc triển khai tuyến buýt nhanh BRT và chuẩn bị chạy thử tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã góp phần rất lớn thu hút dân cư di chuyển về khu vực phía Tây Nam Thành phố an cư.
Hàng loạt dự án bất động sản đã mọc lên 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), kéo dài xuống đường Tố Hữu (quận Hà Đông) và Tây Mỗ (Nam Từ Liêm). Kể từ đầu năm 2016 trở lại đây, khu vực phía Tây luôn dẫn đầu về nguồn cung bất động sản trên thị trường Hà Nội, chiếm tới 60 - 70% tổng nguồn cung của thị trường.
So với trước đây, các chung cư không còn xây dựng theo mô hình chung cư đơn thuần, mà xây theo hình thức tổ hợp chung cư và khối đế là thương mại nhằm mục đích tạo sự đa dạng về tiện ích cho người sinh sống trong dự án và cả khu vực lân cận. Điều này đã tạo ra một nguồn cung mặt bằng bán lẻ khá dồi dào.
Cập nhật số liệu từ các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, trong các khu vực, phía Tây là khu vực cung cấp lượng diện tích bán lẻ mới lớn nhất thị trường Hà Nội, chiếm tới gần 35% tổng nguồn cung. Khu vực phía Đông mặc dù tập trung nhiều trung tâm thương mại lớn như Aeon Mall Long Biên, Savico mall, Vincom Center Long Biên…, nhưng các mặt bằng bán lẻ này đều đã được khai thác hết công suất và cũng sẽ không còn quá nhiều tiềm năng khi lượng dự án mới quanh khu vực này hiện này không nhiều.
Trong khi đó, khu vực phía Tây sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh cả về dự án, cũng như dân cư, nên các nhà bán lẻ cũng sẽ tập trung về phía khu vực này để khai thác khối đế hoặc khai thác các trung tâm thương mại mới mở.
Nguồn cung sẽ tiếp tục tăng
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Phụ trách Bộ phận Nghiên cứu CBRE Việt Nam, trong một vài năm tới, thị trường bán lẻ Hà Nội mở rộng theo xu hướng phát triển của các dự án nhà ở và cơ sở hạ tầng. Khu vực dọc vành đai 3 và hai tuyến metro sắp ra mắt bao gồm phía Tây, Tây Nam và phía Nam sẽ là điểm nóng với hơn 380.000 m2 sàn thương mại sẽ được ra mắt. Một vài dự án nổi bật ở khu vực này bao gồm Aeon Mall Hà Đông, các trung tâm thương mại của Vincom và FLC.
Sau giai đoạn làm các thủ tục, các dự án này đã bắt đầu triển khai và dự kiến sẽ chính thức ra mắt thị trường trong khoảng thời gian ngắn sắp tới.
Còn bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại và nhà ở, Savill Hà Nội cho biết, khi các dự án bất động sản tập trung nhiều sẽ tạo ra khu dân cư đông đúc và là thị trường tốt cho ngành bán lẻ. Đồng thời, tạo ra nguồn cung mặt bằng dồi dào cho các nhà bán lẻ.
Trung tâm thương mại, siêu thị là những tiện ích thường được chủ đầu tư đầu tư khi triển khai xây dựng dự án chung cư.
"Các cửa hàng ra đời cần sự lui tới thường xuyên của khách hàng. Tuy nhiên, với việc bị tắc đường, không có chỗ đỗ xe, đã ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các cửa hàng nói riêng và ngành bán lẻ nói chung. Hiện tại, có xu hướng các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài đang tập trung vào mô hình bán lẻ như Metro, ga tàu điện hoặc các điểm trung chuyển giao thông có lượng người lên xuống nhiều”, bà Trang nhận định.
Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản, thời gian vừa qua, nhiều nhà bán lẻ nội địa và nước ngoài bắt đầu có kế hoạch mở rộng hoặc chuyển dịch ra ngoại ô nhằm cải thiện tình hình hoạt động, tập trung vào các khu vực đang có mức độ tăng trưởng dân cư nhanh như Tây và Tây Nam.
Ngoài ra, việc thuê mặt bằng tại các khu vực này khi đang ở giai đoạn đầu phát triển cũng mang tới lợi thế cạnh tranh cho các nhà bán lẻ (giá thuê ở khu vực này chỉ bằng 1/3 - 1/2 so với các khu vực trung tâm, trong khi tương đương nhau về hiệu quả khai thác).
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com